Tờ Diplomat đưa tin, bên cạnh những hình thức kiểm duyệt công nghệ cao, chính quyền Trung Quốc vẫn sử dụng những biện pháp đàn áp “lưu manh” trước đây để đàn áp các nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến.

The Diplomat: Đàn áp "lưu manh" và kiểm duyệt tại Trung Quốc
Phật giáo Tây Tạng bị đàn áp.

Trong những tháng cuối 2018 và đầu 2019, một đợt kiểm duyệt internet lại diễn ra tại Trung Quốc, dẫn tới hoạt động bắt bớ và đàn áp các nhà hoạt động cũng như các công dân Trung Quốc, những người dám chia sẻ các thông tin bị kiểm duyệt tại nước này. Tờ Diplomat tổng hợp 3 khía cạnh chính của cuộc đàn áp này như sau:

Đàn áp những người dùng Twitter và VPN

Do sự kiểm duyệt ngặt nghèo của chính quyền đối với các mạng xã hội tại Trung Quốc, hàng triệu người dân nước này đã sử dụng mạng xã hội Twitter để có thể tự do thảo luận và đưa ra quan điểm của họ. Mặc dù Twitter bị chặn tại Trung Quốc, những người này thường sử dụng các công cụ vượt tường lửa khác nhau, mà phổ biến là mạng riêng ảo VPN.

Chính vì xu hướng này, các lực lượng an ninh mạng của chính quyền ĐCSTQ đã tích cực thực hiện các chiến dịch xâm nhập tài khoản, quấy nhiễu, gây áp lực buộc các chủ tài khoản Twitter phải xóa các quan điểm mà chính quyền Trung Quốc không muốn. Thậm chí vào tháng 1/2019, hàng trăm hoặc có thể là hàng ngàn chủ tài khoản Twitter tại Trung Quốc đã bị quấy nhiễu, bắt giam và thẩm vấn. Những người cung cấp công cụ vượt tường lửa cũng bị tuyên án ngày càng nhiều và nặng hơn.

Các nhà quan sát cũng lưu ý về việc chính quyền Trung Quốc để cho các cơ quan truyền thông nhà nước và nhân viên được phép sử dụng Twitter, trong khi lại cấm công dân của mình tiếp cận mạng xã hội này.

Những phiên tòa vào ngày nghỉ lễ

Lợi dụng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới ở phương Tây, ĐCSTQ thường xuyên xét xử và kết án các nhà hoạt động và nhà báo nổi tiếng. Hàng loạt các nhân sĩ nổi tiếng đã bị kết án và xét xử trong dịp cuối năm 2018: 25/12 – Sun Lin, 26/12 – Wang Quanzhang, 28/12 – Zhen Jianghu, Ding Lingjie, v.v.

Những nhân sĩ này đều là người duy trì các trang web tại nước ngoài, đăng thông tin không kiểm duyệt lên án tình trạng nhân quyền của Trung Quốc.

Cộng đồng tín ngưỡng tiếp tục bị đàn áp

Tự do tín ngưỡng là một trong những chủ đề bị kiểm duyệt nhiều nhất tại Trung Quốc. Trong dịp này, hàng chục phóng viên của tờ Bitter Winter bị bắt vì quay phim và thu thập thông tin về đàn áp tín ngưỡng sau khi chính quyền tuyên bố trang tin này là một “website thù địch nước ngoài” vào 8/2018.

Ngày 4/11, phóng viên ảnh Lu Guang biến mất trong khi ở Tân Cương, nơi những người Duy Ngô Nhĩ đang bị đàn áp. Ngày 11/11, vợ anh xác nhận chồng mình đã bị bắt cóc và giam giữ. Trong số 11 phóng viên đang bị bắt và giam giữ tại Trung Quốc vào năm 2018, có 10 người bị bắt ở Tân Cương, trong đó 9 người là người Duy Ngô Nhĩ.

Hai thành viên nhóm khí công Pháp Luân Công là Yang Yueliang và Liu Wenting cũng bị kết án 3,5 năm và 2,5 năm vào tháng 10/2018 vì lắp đặt chảo vệ tinh nhận thông tin không kiểm duyệt từ nước ngoài.

Sau đó, vào ngày 14/1/2019, ít nhất 6 người Tây Tạng bị bắt giữ vì “chia sẻ thông tin chính trị nhạy cảm” trên WeChat.

Chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ lần này đã kết hợp giữa công nghệ cao và các biện pháp đàn áp mà tờ Diplomat gọi là “lưu manh” để chặn họng giới bất đồng chính kiến.

Trong đoạn kết, bài viết trên tờ Diplomat kêu gọi cộng đồng quốc tế hướng tới và chia sẻ với gia đình những người bị bắt giữ trái phép vì tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc trong dịp năm mới.

Minh Nhật

Xem thêm: