Tổng thống Trump đã đúng khi chấm dứt sự dính líu của Mỹ với Hiệp ước tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) được ký với lãnh tụ trước đây của Liên bang Xô viết, vì Hiệp ước này hiện đang gây cản trở cho cả Mỹ và Nga trong việc bảo vệ chính họ khỏi mối đe dọa tên lửa hạt nhân tầm ngắn đang gia tăng của Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (phải) và Lãnh tụ Xô viết Mikhail Gorbachev ký kết Hiệp ước INF năm 1987.

Dù từ lâu được coi như một thành tựu kinh điển đối với kiểm soát vũ trang hạt nhân hiện đại, Hiệp ước INF cũng đã minh chứng rõ hơn rằng hòa bình chỉ đến thông qua sức mạnh. Chính Liên bang Xô viết đã bắt đầu cuộc chạy đua tên lửa đạn đạo tầm trung có trang bị đầu đạn hạt nhân (IRBM) với việc triển khai vào năm 1976 tên lửa SS-20 IRBM đa đầu đạn.

Washington đáp trả bằng việc sản xuất tên lửa đạn đạo điều khiển bằng radar Persing II và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) tốc độ dưới âm thanh nhưng độ chính xác rất cao. Cùng lúc, Tổng thống Ronald Reagan củng cố lại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đối phó với những cuộc biểu tình khổng lồ do Xô viết khuấy động chống lại chương trình tên lửa của Mỹ.

Nhờ vào sức mạnh của Reagan và sự kiên quyết mang tính nguyên tắc của ông về cắt giảm bất đối xứng đi đến huỷ bỏ những vũ khí hạt nhân gây bất ổn này, cùng với quan hệ của ông với lãnh tụ Xô viết Mikhail Gorbachev, Hiệp ước INF đã trở thành hiện thực vào năm 1987. Hiệp ước cấm các loại tên lửa tầm bắn từ 500km đến 5.500 km và xem xét phá huỷ 1.846 tên lửa của Xô viết và 846 tên lửa của Mỹ, và chí ít nước Mỹ đã không tái triển khai tên lửa IRBM ở Châu Âu hay Châu Á.

Vào đầu những năm 2000, niềm tin vào Hiệp ước INF đã bị phá huỷ bởi một cường quốc quân sự hoá rất nhanh: Trung Quốc.

Khi ấy, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã mạnh mẽ tăng cường lực lượng tên lửa tầm ngắn (SRBM, từ 300km đến 600km) và tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM, 1.000km đến 3.000km). Vào năm 2010, PLA đã có khoảng 1.200 tên lửa tầm ngắn DF-11s và DF-15s, chĩa vào Đài Loan.

Được trợ giúp của công nghệ tên lửa Pershing II của Mỹ có được bằng hoạt động gián điệp, PLA đang triển khai nhiều đầu đạn điều hướng bằng radar có độ chính xác cao và các đầu đạn chống tàu chiến mới trên các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 1.500km. Cùng lúc, PLA cũng đồng thời bố trí các tên lửa hành trình có độ chính xác cao GLCM DH-10 1500km.

PLA còn có nhiều loại tên lửa khác, như DF-16 tầm 800-1.000km, có thể bay với nhiều tốc độ lớn hơn để đánh bại những máy bay đánh chặn tên lửa của Đài Loan. Tiếp đó, vào năm 2014, PLA trình làng tên lửa tầm trung DF-26 4.000km, tuyên bố rằng chúng được trang bị các đầu đạn hạt nhân chống tàu chiến.

Trong năm qua, có tiết lộ PLA đã triển khai loại tên lửa tầm trung DF-17 800km mới, cho rằng nó được trang bị tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân bội âm (HGV), loại tên lửa này rất linh hoạt khiến nó rất khó bị hạ gục bởi những tên lửa phòng thủ hiện tại. Hơn nữa, hải quân PLA có ý định triển khai những tên lửa đạn đạo có trang bị HGV tầm xa trên các tàu chiến của họ, các nguồn tin của Trung Quốc nói.

Nhưng đó không phải là tất cả, Trung Quốc đang đóng vai trò trong việc giúp Bắc Hàn duy trì cả tên lửa đạn đạo tầm gần và xuyên lục địa (ICBM) của họ.  Các tên lửa ICBM dùng nhiên liệu hóa lỏng Hwasong-14 và Hwasong-15 của Bắc Hàn được lắp trên những thiết bị phóng (TEL) do Trung Quốc chế tạo, trong khi các ICBM và MRBM tương lai của Bình Nhưỡng cũng sẽ được lắp trên các TEL do Bắc Kinh chế tạo. Điều đó đã làm dấy lên mối quan ngại chính đáng là Trung Quốc cũng giúp Bắc Hàn phát triển tên lửa, đặt ra mối đe dọa gián tiếp  cho Mỹ và các đồng minh Châu Á.

Một số tên lửa SRBM, MRBM và IRBM của PLA được trang bị các đầu đạn hạt nhân. Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về khả năng quân sự của Trung Quốc không đề cập đến các SRBM trang bị hạt nhân, nhưng ghi nhận rằng các MRBM và IRBM có thể có đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, báo cáo này không đưa ra con số các đầu đạn hạt nhân tầm ngắn, loại hiện đang gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cho lực lượng quân sự của Mỹ đóng tại Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam. Chúng cũng làm xói mòn niềm tin của các đồng minh vào chính sách kìm hãm hạt nhân mở rộng của Mỹ.

Suốt thập kỷ qua, các nhà kiểm soát vũ khí Mỹ và Nga và một số người có quan điểm bảo thủ, rất quan tâm đến việc thuyết phục Trung Quốc tham gia Hiệp ước INF, với hy vọng xoá bỏ cuộc chạy đua tên lửa kéo dài. Câu trả lời lâu nay của Bắc Kinh đối với những đề nghị, nhất là việc tham gia vào các thỏa thuận kiểm soát quân sự là kho vũ khí của họ quá nhỏ bé khiến họ “miễn dịch” với những thoả thuận như vậy, và cho rằng Nga và Mỹ nên giảm bớt kho vũ khí của họ trước. Bắc Kinh cũng từ chối công khai bất kỳ số liệu nào về con số hay việc triển khai vũ khí hạt nhân của họ và thường xuyên cự tuyệt các nỗ lực của Mỹ để bắt đầu những thảo luận sơ bộ về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Mặc dù những lo ngại về lực lượng tên lửa đang lớn mạnh của Trung Quốc làm xói mòn sự ủng hộ của Nga đối với hiệp ước INF, nhưng Moscow đã nhanh chóng quay sang lên án việc triển khai lực lượng phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu là vi phạm Hiệp ước INF, để bào chữa cho những tên lửa mới của họ như tên lửa GLCM SSC-8/R-500 tầm 1.000km trở lên.

Đồng thời Nga còn quyết định tăng cường sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, với “bồi thêm” về hợp tác quân sự và chiến lược. Cho tới nay, họ đã cùng tổ chức hai cuộc tập trận  chỉ huy hệ thống “phòng thủ tên lửa”, làm tăng thêm sự lo ngại về khả năng hợp tác “tấn công bằng tên lửa”.

Mặc dù Mỹ đã có lý do chính đáng để rút khỏi hiệp ước INF từ cuối nhiệm kỳ chính quyền Obama, nhưng phải đến Tổng thống Trump mới loại bỏ được trở ngại này đối với lợi ích an ninh Mỹ. Quân đội Mỹ đã công bố những kế hoạch phát triển tên lửa SRBM mới hiệu quả hơn và tuyên bố họ sẽ phát triển các tên lửa MRBM mới, điều không thể làm được dưới Hiệp ước INF.

Quyết định năm 2010 của tổng thống Obama phá huỷ những tên lửa hạt nhân tầm gần  cuối cùng, tên lửa hành trình Tomahawk trên tàu trong kho vũ khí của Mỹ, dường như đã khuyến khích Nga và Trung Quốc mở rộng các kho tên lửa tầm ngắn của họ, điều mà khiến quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi hiệp ước INF trở nên rất cấp thiết. Quân đội Mỹ hiện muốn triển khai nhiều hơn tên lửa SRBM mới hiệu quả hơn và khẳng định họ cũng sẽ phát triển tên lửa MRBM mới, điều không thể làm được dưới Hiệp ước INF.

Những tên lửa như vậy là cần thiết để ngăn cản sự hung hãn về tên lửa hạt nhân của Bắc Hàn và đồng thời ngăn cản Trung Quốc lợi dụng cơ hội tấn công Đài Loan.

Bằng cách triển khai các tên lửa mặt đất, biển và đối không mới với những đầu đạn hạt nhân chiến thuật, Mỹ có thể thiết lập sự cân bằng quyền lực mới ở Châu Á. Lịch sử Hiệp ước INF cho thấy chỉ khi đó, Trung Quốc và Nga mới có thể quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí.

Tác giả:  Richard D. Fisher

Richard D.Fisher là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, là tác giả cuốn “Hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc: Xây dựng để vươn ra khu vực và toàn cầu”, Stanford, 2010.

Bài viết đăng lần đầu trên The Epoch Times

Dung Lê biên dịch

Xem thêm: