• Nhiều người trong đội quân thảm sát cảm thấy ân hận và có tội vì những người vô tội đã thiệt mạng.
  • Quân đội Trung Quốc từng đề nghị chính phủ gọi cuộc biểu tình là “hỗn loạn chính trị” thay vì “nổi loạn phản cách mạng”.
Picture8
Sáng ngày 4/6 tại phía Đông đường Trường An

Cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội Trung Quốc đối với những người biểu tình ôn hòa tại Bắc Kinh 30 năm trước có thể đã cứu được sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng nó đã trở thành một gánh nặng ân hận và tội lỗi đối với nhiều binh tướng của Giải phóng Quân Trung Quốc (PLA).

Ngày nay, đội quân đông đúc nhất thế giới vẫn còn bị ám ảnh bởi thảm kịch Thiên An Môn 1989, bất chấp vô số nỗ lực tái xây dựng lại hình ảnh của mình. Sau màn bắn giết sinh viên đẫm máu, chính quân đội Trung Quốc đã đề nghị chính phủ trung ương không gọi phong trào sinh viên biểu tình vì dân chủ là “nổi loạn phản cách mạng” mà là một thời kỳ “rối loạn chính trị”, theo 2 cựu quan chức PLA nói với tờ Hoa Nam Tảo Báo.

Họ nói rằng việc dùng ngôn ngữ xoa dịu để chỉ sự kiện trên phản ánh nỗi xấu hổ và bất an của những người lính về quyết định đã làm ô uế danh dự và di sản của đội quân này.

Trước thời điểm đó, người lính PLA nhìn chung vẫn được người dân Trung Quốc tôn trọng. Thậm chí trong thập kỷ đầy tai tiếng của Cách Mạng Văn Hóa từ năm 1966, quân đội Trung Quốc phần lớn đã không tham gia. Hơn thế, theo tờ báo Hồng Kông, quân đội đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt thời kỳ đen tối đó và đưa Trung Quốc lên con đường cải cách và mở cửa ra thế giới.

Vụ thảm sát 1989 là chưa có tiền lệ đối với PLA và đã giáng một đòn chí tử lên thanh danh của họ. Ngoài ra, nỗi băn khoăn về tính chính đáng của quyết định dùng xe tăng và súng máy tấn công hàng vạn người biểu tình vẫn còn mãi.

“Tôi tin rằng cuộc đàn áp Thiên An Môn sẽ được cứu xét vào một ngày nào đó – chỉ là vấn đề thời gian. Trách nhiệm cuối cùng sẽ rơi vào những lãnh đạo quân đội đã trực tiếp thi hành quyết định”, một nhà nghiên cứu đã nghỉ hưu tại Viện Khoa học Quân sự của Quân đội Trung Quốc nói với tờ Hoa Nam.

Trong suốt lịch sử của các nền văn hóa khác nhau, việc tuân thủ mệnh lệnh là một nguyên tắc cơ bản của quân đội. Nhưng việc thiếu vắng mệnh lệnh bằng văn bản từ tổng tư lệnh Đặng Tiểu Bình khiến quyết định hành quyết này bị nghi ngờ về tính pháp lý.

Ước tính có đến hàng ngàn thường dân đã mất mạng trong một đêm đẫm máu, từ tối 3/6 đến sáng 4/6.

Cho dù là bao nhiêu, 1 hay 10.000 người bị giết, bắt giết thường dân không có vũ khí vẫn là sai trái”, một sĩ quan PLA nghỉ hưu từng làm việc trong bộ chính trị quân đội nói với SCMP với yêu cầu ẩn danh.

“Nhưng quân đội phải làm việc dơ bẩn này bởi vì quyền lực thống trị của đảng gặp nguy hiểm”.

Theo nhà nghiên cứu quân sự trên, nhiều chỉ huy quân đội có liên quan đến cuộc thảm sát đã nghi ngờ quyết định sử dụng vũ lực để dập tắt biểu tình, đặc biệt là khi mà họ chỉ được cho biết đây là khẩu lệnh từ bên trên mà chưa bao giờ được thấy văn bản mệnh lệnh từ Đặng, chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung Ương.

Việc này còn phức tạp hơn bởi vì tổng bí thư lúc đó là Triệu Tử Dương đã công khai phản đối việc sử dụng quân đội để đàn áp người biểu tình.

Thậm chí phó chủ tịch Ủy Ban Quân sự Dương Thượng Côn và chỉ huy quân đoàn 38 tướng Từ Cần tiên đã phản đối mệnh lệnh dẫn quân đội vào Bắc Kinh khi chưa có giấy trắng mực đen rõ ràng.

Không ai biết chắc có bao nhiêu binh lính đã được đưa tới để dập tắt biểu tình, nhưng theo cuốn sách của học giả Wu Renhua, con số có thể lên tới 200.000.

Sĩ quan PLA đã nghỉ hưu nói rằng mệnh lệnh gửi tới các chỉ huy quân đội là “dọn sạch Quảng trường Thiên An Môn trước 4/6. Bất kỳ ai cản đường chúng ta là kẻ thù của nhà nước.”

“Hầu hết sĩ quan và binh lính chỉ được huấn luyện sử dụng vũ khí hạng nặng như súng máy và xe tăng. Họ còn không biết đến sự tồn tại của những thứ như đạn cao su, hơi cay và các loại vũ khí phi sát thương được dùng để kiểm soát đám đông”, ông nói.

Để thi hành lệnh dọn sạch quảng trường đúng hạn, một số chỉ huy lệnh cho binh lính của mình bắn chỉ thiên để dọa người biểu tình. Đó là điều duy nhất họ có thể nghĩ ra”, ông nói.

Sau một đêm đẫm máu, hình ảnh của đội quân PLA đã bị phá hoại hoàn toàn, và “nhân dân tử đệ binh” – binh đoàn coi trai của chúng ta – trở thành công cụ đáng sợ và ghê tởm của một chế độ giết chóc.

Cuộc đàn áp Thiên An Môn cũng dẫn tới những yêu cầu tách quân đội khỏi đảng, để PLA sẽ là một lực lượng “quốc gia” thay vì chính trị. Nhưng sau một thập kỷ tranh luận, ý kiến này đã bị chặn họng bởi giới lãnh đạo cấp cao vào năm 2007, trong buổi tối kỷ niệm 80 thành lập PLA. Ý tưởng này bị gọi là âm mưu phá hoại chủ nghĩa xã hội của các thế lực thù địch phương Tây và đến nay vẫn là một chủ đề bị cấm bàn đến.

Nhưng bất chấp việc thảo luận về quốc gia hóa quân đội bị cấm, những kêu gọi từ nội bộ PLA nhằm khôi phục thanh danh cho quân đội và cứu xét những gì đã xảy ra đối với phong trào sinh viên này chưa bao giờ dừng lại”, vị cựu sĩ quan chính trị của PLA nói.

Rất nhiều sĩ quan cấp cao tin rằng những sinh viên này không hề định lật đổ đảng – họ chỉ đang yêu cầu có một hệ thống chính trị tốt hơn. Vì thế việc gọi đó là nổi dậy phản cách mạng là sai”.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, vài ngày trước dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn, Bộ Trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa đã nói rằng chính sách dùng vũ lực để dập tắt biểu tình của đảng lúc đó là đúng đắn.

“Mọi người đều quan tâm đến Thiên An Môn sau 30 năm”, ông Ngụy nói tại sự kiện Đối Thoại Shangri La tại Singapore. “Trong 30 năm qua, Trung Quốc dưới Đảng Cộng Sản đã trải qua rất nhiều thay đổi – quý vị có nghĩ rằng chính phủ đã sai lầm khi xử lý Lục Tứ? Có một kết luận cho sự kiện đó. Chính phủ đã kiên quyết ngăn chặn rối loạn”.

Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu quân sự trên thì nhiều lãnh đạo quân đội cấp cao có liên quan đến vụ đàn áp vẫn cảm thấy “xấu hổ và tội lỗi” đối với những sinh mạng đã bị giết chết.

Không ai trong những người đó tại PLA cảm thấy vinh quang vì đã tham gia vào cuộc đàn áp. Thay vào đó họ đều tích tụ một nỗi xấu hổ sâu sắc”.

Trọng Đức (Theo SCMP)

Xem thêm: