Trưởng ban giải cứu Thái Lan, ông Narongsak Osottanakorn, đã lên tiếng chỉ trích các hành vi không phù hợp với đạo đức nghề báo của một vài cơ quan truyền thông trong vụ giải cứu 12 cầu thủ nhí và HLV ra khỏi hang ở Chiang Rai, bao gồm việc sử dụng thiết bị bay drone và thiết bị thu radio, được cho là đã có thể gây thêm khó khăn cho cuộc giải cứu.

36986386 1723310754372310 439891714392457216 n
Báo chí tác nghiệp trong vụ giải cứu ở Thái Lan (Ảnh: Facebook Kowit Boondham)

Cuộc giải cứu 12 cậu bé thành viên đội bóng Heo Rừng cùng HLV ra khỏi hang Tham Luang ở tỉnh Mae Sai, thành phố Chiang Rai, Thái Lan trong suốt tuần qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả thế giới, thu hút hàng trăm phóng viên của các kênh truyền thông lớn đến đưa tin.

Trong cuộc đua để là đơn vị truyền thông đầu tiên đưa đến độc giả những hình ảnh và thông tin mới nhất về cuộc giải cứu, giới chức Thái Lan cho rằng một vài cơ quan truyền thông đã “vượt quá giới hạn” trong việc thu thập thông tin.

Vào ngày Chủ nhật vừa qua, đã có hai vụ tác nghiệp của truyền thông bị lên án gay gắt: một là việc sử dụng thiết bị bay drone được cho là đã gây cản trở tới việc cứu hộ của máy bay trực thăng, và hai là việc nghe lén radio của cảnh sát tham gia cuộc giải cứu.

Theo Bangkok Post, một hãng tin không được nêu tên đã điều khiển thiết bị bay drone của mình gần trực thăng cứu hộ dùng để chở các cậu bé từ cửa hang tới bệnh viện ở Chiang Rai vì muốn có những hình ảnh của 4 cậu bé đầu tiên được đưa ra khỏi hang.

36853537 1720347101335342 3595290271346065408 n
Hình ảnh chiếc drone bay cùng máy bay trực thăng chở các cầu thủ nhí đến bệnh viện (Ảnh: Facebook Kowit Boondham)

Trong khi đó, một hãng tin khác đã phát sóng một đoạn hội thoại giữa các nhân viên cảnh sát liên quan trong khi đang làm nhiệm vụ bằng cách xâm nhập vào sóng radio và nghe lén họ.

Ngày 9/7, ông Narongsak Osottanakorn, trưởng ban giải cứu, đã ngay lập tức lên án và gửi một cảnh báo nghiêm khắc tới những hãng tin vi phạm, đồng thời đề nghị tiến hành điều tra.

Ông Narongsak cho biết thiết bị bay không phép và việc tự ý tiếp cận trái phép vào sóng radio của cảnh sát là những hành vi vi phạm pháp luật.

“Không cần thiết phải cạnh tranh để [là nơi đưa tin] nhanh nhất,” ông nhấn mạnh.

vi cuu tinh truong va nhung nguoi hung tham lang trong cuoc giai cuu doi bong thai 0
Ông Narongsak Osotthanakorn đang kiểm tra thời gian trong một cuộc họp báo truyền thông tại hang Tham Luang ở huyện Mae Sai, Chiang Rai, ngày 4/7. (Ảnh: Patipat Janthong/bangkokpost.com)

Một thành viên của hội đồng đạo đức [nghề nghiệp] báo chí của Hiệp hội Phóng viên Thái Lan (TJA), ông Banyong Suwanpong, nói rằng các cơ quan báo chí cần giữ gìn các nguyên tắc về đạo đức nghề nghiệp và sự liêm khiết khi đưa tin.

“Họ cần tôn trọng những nhân viên tham gia cứu hộ và tác nghiệp sao cho không gây cản trở tới hoạt động cứu hộ cũng như những người liên quan. Họ cũng cần phải tôn trọng quyền cá nhân và sự riêng tư của những đứa trẻ và người thân của chúng,” ông Banyong nói.

Ông Banyong cho biết thêm: “Cạnh tranh là điều bình thường. Tôi hiểu rằng ai cũng muốn có lợi nhuận, nhưng họ không cần thiết phải trở nên ích kỷ để có được điều đó. Phương pháp tác nghiệp phải đúng mực và không xâm phạm tới quyền của người khác.”

Ở một góc độ khác, giảng viên Đại học Báo chí và Truyền thông Thammasat, ông Warat Karuchit, cho rằng không chỉ nên lên án các phóng viên hiện trường vì những hành vi vi phạm đó, mà còn cần lên án ban biên tập, chủ sở hữu và những nhà tài trợ cho các hãng tin đó.

“Mọi người hiện chỉ đang chĩa mũi dùi vào những phóng viên vì những phương pháp tác nghiệp vô nguyên tắc của họ để có được tin tức, mà quên mất những ông chủ và những nhà tài trợ của họ, những người luôn thúc giục và khuyến khích phóng viên của mình cạnh tranh với các hãng tin khác để có được tin tức sớm hơn, độc hơn nhằm có được thứ hạng cao.”

“Những phóng viên tại hiện trường có thể được coi là nạn nhân của sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng tin,” ông Karuchit nhận định, và cho rằng ban biên tập và những người sở hữu các hãng tin cần đưa ra những tiêu chuẩn và quy tắc phù hợp cho việc đưa tin của phóng viên, đồng thời đảm bảo các phóng viên không được phép đưa tin một cách vô nguyên tắc.

Trước đó, ngày 4/7, Hội đồng Báo chí quốc gia Thái Lan (NPCT) cũng đã kêu gọi và khuyến cáo giới truyền thông nên có cách tiếp cận lành mạnh, đúng mực, không chạy theo thị hiếu mà gây ảnh hưởng đến công tác cứu hộ cũng như tâm lý của các thành viên đội bóng cùng gia đình họ.

Cơ quan trên đề nghị giới báo chí cần tham khảo bác sỹ và chuyên gia tâm lý để có thể có các hiểu biết về khía cạnh này nhằm tránh đưa ra các câu hỏi không phù hợp, gây ra sự hiểu nhầm hay các sang chấn tâm lý khác. NPCT cảnh báo việc “đào xới” các thông tin và hình ảnh có thể xâm phạm các quyền lợi của nạn nhân.

Trước đó, một số phóng viên đã cố tìm thân nhân của các thành viên đội bóng để phỏng vấn và chụp ảnh khiến nhà chức trách phải đặt ra các biển cấm và đưa những người này sang một khu vực cách ly.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: