Donald Trump sẽ không cứ thế mà bỏ rơi Châu Á.

Với sự lộ diện các động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, giới phân tích càng lúc càng lo ngại trước điều được cho là sự thờ ơ tương đối của tân chính quyền Mỹ đối với Đông Nam Á so với thời Obama.

Tuy nhiên, chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 30/03 cho rằng nhìn kỹ hơn thì sẽ thấy là chính sách ngoại giao châu Á của chính quyền Donald Trump sẽ tiếp nối của đường lối ngoại giao Mỹ nói chung, chứ không phải là một sự đoạn tuyệt như nhiều người bi quan thường nghĩ. Trong chiều hướng đó, tờ báo đã nêu bật 5 điểm mà Hoa Kỳ cần chú ý trong chính sách Đông Nam Á của mình.

Theo bài phân tích dài mang tựa đề “Thử thách thực sự tại Đông Nam Á của Trump – Trump’s Real ASEAN Test”, tân tổng thống Mỹ Donald Trump thoạt đầu đã khiến cả Đông Nam Á lo ngại với ba quyết định được cho là phản ánh một chính sách đối ngoại theo kiểu Nước Mỹ trên hết: Rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định TPP, đặt lại câu hỏi về chính sách Một nước Trung Hoa duy nhất và cấm cửa công dân từ 7 nước Hồi Giáo (dẫn tới những tin đồn vô căn cứ về khả năng mở rộng ra một số quốc gia Đông Nam Á).

Tuy vậy, theo The Diplomat, phải thấy rằng chính quyền Donald Trump chỉ mới ở những ngày đầu, và chính sách đối ngoại còn đang thành hình, trong bối cảnh đó, đã có những dấu hiệu tích cực xuất hiện.

Đầu tháng Ba này, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gặp các đại sứ và đại biện của các quốc gia ASEAN tại Washington, và đã  trấn an về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực.

Sắp tới đây sẽ có hai sự kiện quan trọng: Phó tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ thăm Indonesia trong khuôn khổ một vòng công du châu Á rộng lớn hơn, và một cuộc họp giữa ngoại trưởng Tillerson và các đồng nhiệm ASEAN.

 Theo The Diplomat, vào lúc chính sách Đông Nam Á của chính quyền Trump bắt đầu hình thành, điều quan trọng là chính sách đó phải giúp Mỹ duy trì được vai trò một cường quốc Thái Bình Dương, có năng lực và quyết tâm củng cố an ninh, thịnh vượng và dân chủ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, biết cộng tác với nước Đông Nam Á để đối phó với những thách thức chung theo chiều hướng vừa thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ nhưng vẫn bảo đảm sao cho các đối tác giữ được quyền tự chủ và tự do hành động của họ.

Muốn thế thì chính sách ngoại giao của Trump phải bao gồm 5 phương diện:

Tiếp tục ‘xoay trục’ sang Châu Á

Trước tiên, theo The Diplomat, chính quyền Trump phải đảm bảo rằng Hoa Kỳ vẫn tập trung vào châu Á.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, châu Á vươn lên và ngày càng khẳng định tầm quan trọng của mình trên thế giới, nhưng thường không được phản ánh phù hợp trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ bởi Washington thường xuyên bị phân tâm vì lo lắng đến các khu vực khác như Trung Đông.

Chính sách tái xoay trục của ông Obama là một nỗ lực nhằm điều chỉnh lại vấn đề, với việc Mỹ ưu tiên cho châu Á nhưng vẫn tiếp tục giải quyết các mối quan ngại ở các nơi khác trên thế giới.

Mặc dù có thể không chịu dùng thuật ngữ “xoay trục”, nhưng chính quyền Trump nên giữ lại tinh thần của nó, trấn an đồng minh bằng các cam kết duy trì hiện diện Hoa Kỳ tại khu vực  Châu Á Thái Bình Dương.

Ngày nay, khi nói chuyện với một quan chức ngoại giao Đông Nam Á, khó tránh được đề tài Hoa Kỳ lại có thể bị lôi cuốn vào khu vực khác – có thể là Trung Đông – và xa rời châu Á.

Theo The Diplomat, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump là làm sao truyền đạt được quan điểm Nước Mỹ Trên Hết của ông Trump không mâu thuẫn với một chính sách đối ngoại theo hướng Châu Á Trước Hết.

Tái thiết sức mạnh Hoa Kỳ

Điểm thứ hai là chính quyền Trump cần phải vực dậy sức mạnh siêu cường số một của Hoa Kỳ vốn là cơ sở giúp Mỹ dấn thân lâu dài vào vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Cho dù những dự báo về ngày tàn của Mỹ sau khi Trump đắc cử đã bị phóng đại quá mức, phải nói là sự thiếu ổn định trong khả năng tài chính và bất ổn chính trị tại Washington mà chúng ta đã chứng kiến trong vài năm qua đã làm tăng thêm nỗi lo về khả năng tiếp tục hiện diện tại Châu Á của cường quốc này.

Về phương diện quân sự, điều này đang được tiến hành với triển vọng rất khả quan nhờ ngân sách quốc phòng dồi dào hơn, và quan điểm quân sự diều hâu hơn so với ông Obama. Nhưng vế quân sự phải được cân bằng với những động thái trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao.

Về phía kinh tế, chính quyền Trump phải giải quyết các vấn đề mang tính chất cơ cấu như phát triển cơ sở hạ tầng và đưa ra được một chính sách thương mại phù hợp hơn với mong muốn của đa số dân Mỹ. Việc rút ra khỏi Hiệp Định TPP buộc chính quyền phải tiến bước với một số sáng kiến kinh tế thay thế, rất có thể là một loạt các thỏa thuận song phương quan trọng, “công bằng” hơn mà ông Trump đã tuyên bố.

Cân bằng quan hệ với Trung Quốc

Tiếp theo, theo Diplomat, chính quyền Trump phải tìm được sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc để có thể khiến ASEAN yên tâm.

Mặc dù nhiều Mỹ vẫn thường cho thấy là mới đầu họ luôn gặp khó khăn khi xử lý quan hệ với Trung Quốc, tuy nhiên, dù đúng hay sai, thì nhiều nhà quan sát Đông Nam Á đều đã có cảm giác là chính quyền Trump thay đổi quá đột ngột, từ một lập trường cực kỳ hiếu chiến, ngay lập tức chuyển sang một thái độ quá mềm mỏng. Điều này khiến họ lo ngại tới một kịch bản Trump sẽ thỏa thuận với Bắc Kinh để đạt mục tiêu Triều Tiên và không ngại hy sinh các khu vực khác, chẳng hạn Đông Nam Á.

Mặc dù có thể những nỗi lo ngại đó hoàn toàn sai lầm, nhưng nếu không được trấn án, các quan điểm như vậy có thể hình thành chính sách ngoại giao nguy hiểm của khu vực trong quan hệ với Trung Quốc. Điều đó không tốt cho Mỹ, hãy nhìn vào ví dụ Philippines.

Chính quyền của tổng thống Obama được cho là đã làm tốt hơn trong việc lôi kéo Trung Quốc thay vì đối đầu trên những vấn đề không cần thiết. Chính quyền Trump cần sớm tìm ra thế cân bằng tốt hơn và báo hiệu điều này cho khu vực biết, bởi vì điều đó sẽ quyết định cách tiếp cận của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc.

Chính vì thế, các nước Đông Nam Á dán mắt theo dõi cuộc gặp giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình, vừa thông báo vào tháng 4, tại khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Florida. Các lằn ranh trong quan hệ Mỹ-Trung sẽ có tác động lớn đến chính sách ngoại giao của khu vực Đông Nam Á nhỏ bé đối với người khổng lồ láng giềng Trung Quốc.

Thận trọng xử lý các mối đe dọa

Điểm thứ tư là chính quyền Trump nên dấn thân vào vùng Đông Nam Á không chỉ thông qua lăng kính của những mối đe dọa hạn hẹp đối với Mỹ, mà là nhằm vào những lợi ích lâu dài.

Đó là việc yêu cầu các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN cố gắng nhiều hơn để giúp Hoa Kỳ giải quyết những vấn đề quan trọng đối với lợi ích của Hoa Kỳ – chống lại Nhà Nước Hồi Giáo hay đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Trump cũng phải thấy rằng một chính sách Trung Quốc không cân bằng, hoặc là một mối đe dọa liên quan đến chủ nghĩa khủng bố bị đánh giá là quá mức, cũng có thể khiến cho cư dân các nước Đông Nam Á thiếu tích cực trong việc ủng hộ Mỹ, hay cũng như hạn chế phạm vi hoạt động của giới hoạch định chính sách…

Tương tự như vậy, ngay cả khi việc ông Trump tham gia các hội nghị thượng đỉnh tại châu Á còn được chú ý hơn Obama, thì chính quyền của ông phải chứng minh rằng họ ủng hộ chính sách đa phương ở Đông Nam Á . Cho dù ASEAN là một tổ chức rời rạc và chậm chạp, thì các nước Đông Nam Á và ASEAN là một tác nhân quan trọng trong việc giúp ông Trump và các cố vấn của ông đối phó với những thách thức mà họ cho là quan trọng như khủng bố và an ninh hàng hải.

Đảm bảo nhân quyền và dân chủ

Điểm cuối cùng là chính quyền Trump cần bảo đảm rằng dân chủ và nhân quyền vẫn là trụ cột của chính sách châu Á của Mỹ. Ông Trump thường được mô tả là ít quan tâm đến việc thúc đẩy giá trị của Mỹ mà chỉ quan tâm đến những quyền lợi thương mại nhỏ hẹp.

Theo The Diplomat, xử sự không đúng trên vấn đề các quyền thật sự là một sai lầm, vì việc vứt bỏ các giá trị Mỹ đối với các quốc gia trong khu vực này, như Thái Lan và Philippines …, có thể làm giảm sức ép của Hoa Kỳ lên tiến trình phát triển của từng quốc gia.

Vạch ra một đường lối rõ ràng cũng giúp đội ngũ của ông Trump đi trước các sự kiện, với các cuộc bầu cử ở Malaysia và Campuchia trong năm tới đây, với khả năng diễn ra những thay đổi quan trọng. Về lâu dài, các quốc gia ASEAN thịnh vượng với nền dân chủ khởi sắc, chắc chắn sẽ hướng về phía Mỹ nhiều hơn là về phía một Trung Quốc thường bị lên án là độc tài.

Theo The Diplomat, RFI

Xem thêm: