Mới đây, các luật sư cao cấp tham gia cố vấn Tòa án Nhân dân Độc lập đã thúc giục cơ quan nhân quyền tối cao của Liên Hợp Quốc điều tra tội ác mổ cướp nội tạng phi pháp từ người tập Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

iên Hợp Quốc nghe trình bày về tội ác mổ cướp nội tạng
Ngày 24/9, luật sư Hamid Sabi tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva đã công bố kết quả điều tra của Tòa án Nhân dân Độc lập cho thấy chính quyền ĐCSTQ vẫn đang bức hại các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số, thậm chí là thu hoạch và buôn bán nội tạng người theo quy mô công nghiệp (Ảnh chụp màn hình video)

Theo Telegraph, ngày 24/9, Luật sư Hamid Sabi, cố vấn của Tòa án Độc lập, khi phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva đã công bố kết quả điều tra của Tòa án Nhân dân Độc lập cho thấy, chính quyền ĐCSTQ vẫn đang bức hại các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số, thậm chí là thu hoạch và buôn bán nội tạng người theo quy mô công nghiệp.

Đây là phán quyết cuối cùng của Tòa án Nhân dân Độc lập hồi cuối tháng 6 vừa qua và lần đầu tiên được đệ trình lên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ngoài Telegraph, một số kênh truyền thông lớn như Reuters hay Independent cũng đưa tin về sự kiện này.

Ông Hamid Sabi nhấn mạnh: “Hồi tháng 6, kết quả điều tra của Tòa án Độc lập cho thấy, không còn nghi ngờ gì về việc ĐCSTQ phạm tội ác chống lại loài người khi mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, trong đó có người tập Pháp Luân Công và người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.”

Ông Sabi kêu gọi Liên Hợp Quốc cần phải có hành động khẩn cấp. Ông nói rằng, các quốc gia thành viên trong Liên Hợp Quốc có “nghĩa vụ pháp lý” trong việc ngăn chặn tội ác của ĐCSTQ.

Ngày 17/6 năm nay, “Tòa án Độc lập” quốc tế điều tra về vấn nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ tại Luân Đôn đã công bố, không còn nghi ngờ gì về việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ tù nhân lương tâm suốt nhiều năm nay. Đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy ĐCSTQ mổ cướp tạng của người tập Pháp Luân Công ít nhất 20 năm qua, và tội ác này hiện vẫn đang tiếp diễn.

Tòa án Độc lập do Ngài Geoffrey Nice QC làm chủ tọa. Ông từng là công tố viên tại tòa án hình sự quốc tế Nam Tư cũ, đồng thời là người đứng đầu vụ kiện chống lại Slobodan Milošević (Tổng thống Nam tư cũ, lãnh đạo đảng cầm quyền XHCN Serbia, bị kết tội diệt chủng và thảm sát). Ông đã lắng nghe và thu thập các bằng chứng từ các nhà điều tra nhân quyền, các chuyên gia y tế và các nhân chứng có liên quan, sau đó đưa ra phán quyết cuối cùng.

Theo phán quyết, những người bị giam giữ “đã bị giết hại và bị… trích mổ lấy thận, gan, tim, phổi, giác mạc trong khi còn sống và biến thành hàng hóa để bán”. Toà án cho biết, cũng có bằng chứng xác minh cho thấy chính quyền Trung Quốc cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, cũng như người Tây Tạng và các nhóm Kitô hữu.

Không những thế, gần đây cộng đồng quốc tế cũng chú ý và lên án đến chiến dịch giam giữ và đưa hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng phía Bắc Tân Cương vào các trại cải tạo giáo dục. Toà án đã tìm được bằng chứng rằng những người này bị “sử dụng như một ngân hàng nội tạng“ và bị kiểm tra sức khỏe định kỳ.

ĐCSTQ đã nhiều lần phủ nhận việc lạm dụng các biện pháp cấy ghép nội tạng phi đạo đức và khẳng định đã ngừng sử dụng nội tạng từ tử tù vào năm 2015. Nhưng cộng đồng quốc tế vẫn luôn đặt nghi vấn trước tuyên bố này của chính quyền Bắc Kinh. 

Hôm thứ Ba (24/9), khi phát biểu tại một sự kiện khác của Liên Hợp Quốc, Ngài Geoffrey Nice QC cũng nhấn mạnh, các bằng chứng do Tòa án Độc lập đưa ra cũng có nghĩa là cộng đồng quốc tế “không còn lý do để né tránh sự thật mà trước đây họ vẫn không muốn thừa nhận.”

Tòa án còn tiết lộ, theo ước tính, ngành cấy ghép nội tạng đã mang về cho Trung Quốc hơn 1 tỷ USD (801,4 triệu Bảng) mỗi năm. Ngài Geoffrey kêu gọi Hiệp hội Cấy ghép Quốc tế và các hiệp hội y tế quốc gia liên quan đến phẫu thuật cấy ghép “đối mặt với những nội dung công bố trong bản án của Tòa án Độc lập và có hành động cụ thể.”

Hiện một số quốc gia, bao gồm Ý, Tây Ban Nha, Israel và Đài Loan, đã có những biện pháp chế tài nhằm hạn chế những ai đang muốn đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng.

Tổ chức Liên minh Quốc tế Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép tạng ở Trung Quốc (ETAC), đồng thời cũng là tổ chức đã khởi xướng Tòa án Độc lập cho biết, họ hy vọng có thể đệ trình một dự luật riêng dành cho việc ngăn chặn hành vi du lịch cấy ghép nội tạng phi đạo đức tại Quốc hội Anh vào tháng 10 này. Giám đốc điều hành ETAC Susie Hughes ho biết, tổ chức này hy vọng những phát hiện của mình sẽ thúc đẩy Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thành lập một Ủy ban điều tra về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc.

Trong bài phát biểu của mình tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Luật sư Hamid Sabi nhấn mạnh rằng tội ác mổ cướp nội tạng từ các nhóm dân tộc thiểu số “được xác định là tội diệt chủng”, có thể so sánh với các ví dụ khác về các cuộc đàn áp tôn giáo, đàn áp sắc tộc quy mô lớn trong lịch sử gần đây.

Ông nói thêm rằng nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã, thảm sát người Khmer đỏ hay thảm sát ở Rwanda đều không tàn bạo hơn việc lấy đi trái tim và các cơ quan tạng khỏi thân thể đang còn sống của những người lương thiện, vô tội. “Đây là một trong những tội ác tàn bạo quy mô lớn nghiêm trọng nhất trong thế kỷ này,” ông Hughes khẳng định.

Telegraph còn đưa tin về một trường hợp nữ học viên Pháp Luân Công Feng Hollis (Hollis Phùng) bị bức hại tàn khốc. Bà Phùng bị bắt giữ vào năm 2005 và thường xuyên bị đưa đi kiểm tra y tế trong tù. Dù không có phiên tòa xét xử nào nhưng bà vẫn bị đưa vào trại cải tạo lao động 2 năm. Hôm thứ ba (24/9) bà cũng phát biểu tại một sự kiện khác do các tổ chức phi chính phủ tổ chức. 

Trong bài phát biểu, bà Phùng nhấn mạnh Liên Hợp Quốc và Hiệp hội Cấy ghép tạng Quốc tế phải có hành động trước phán quyết của Tòa án Độc lập.

Khi còn bị giam trong tù, cứ khoảng 3 đến 5 tháng, bà Phùng lai phải kiểm tra sức khỏe định kỳ. Một ngày, cảnh sát đã buộc những người tập Pháp Luân Công phải ngồi vào một xe khách che kín rèm. “Chúng tôi bị buộc chặt tay và đầu cố định vào ghế ngồi phía trước. Sau đó, chúng tôi bị đưa đến một bệnh viện gần đó.”

Trong thời gian đó, bệnh viện tiến hành cái gọi là “hệ thống giáo dục lại”. “Họ ép chúng tôi phải lấy máu và đựng trong một ống nghiệm nhỏ. Sau đó, họ kiểm tra cân nặng và huyết áp của tôi. Tôi cũng phải tiến hành siêu âm thận, chụp X-quang, điện tâm đồ và xét nghiệm nước tiểu.”

“Đôi khi, họ không cho phép tôi ăn sáng trước khi kiểm tra thể chất. Trong thời gian đó, tôi cũng bị ép buộc phải làm việc trong suốt thời gian dài. Đây chỉ là một ví dụ đã xảy ra với tôi.”

Tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva, ông Hamid Sabi còn khẳng định: “Cấy ghép nội tạng để cứu sống con người chính là một thành tựu của khoa học và xã hội, nhưng nếu giết người để lấy nội tạng thì đó là hành vi phạm tội.” “Giải quyết hành vi phạm tội này không chỉ là nghĩa vụ pháp luật của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, mà còn là trách nhiệm của Hội đồng Bảo an.”

Video phát biểu của Luật sư Hamid Sabi tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc:

Minh Ngọc

Xem thêm: