Việt Nam và Mỹ vừa cam kết sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng sau cuộc gặp giữa 2 người lãnh đạo quân đội 2 nước tại Washington. Mỹ cam kết sẽ cho tàu sâu bay ghé thăm Việt Nam vào năm sau trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông ngày càng leo thang.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đón người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Lầu Năm Góc ngày 8/8/2017

Hôm thứ Ba (8/8), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói với người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch trong chuyến thăm Hoa Kỳ rằng quan hệ quốc phòng mạnh mẽ giữa 2 nước là dựa vào lợi ích chung, trong đó có tự do hàng hải tại biển Đông.

Bộ trưởng [Mattis] hoan nghênh sự tham gia và vai trò lãnh đạo ngày càng tăng của Việt Nam tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương“, tuyên bố của Lầu Năm Góc viết.

Hai lãnh đạo quân sự đã đồng ý rằng Mỹ sẽ gửi tàu sân bay tới Việt Nam vào năm 2018 – hoạt động giao lưu quân sự loại này lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Hồi tháng 5, Tổng thống Donald Trump đã thảo luận với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về khả năng Việt Nam sẽ đón hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ khi ông Phúc tới Nhà Trắng, và hiện vấn đề này đã được hai vị tướng quân sự hai nước kết luận.

Reuters dẫn lời người phân tích chính trị Hoang Hoa Hop tại Hà Nội cho rằng hợp tác an ninh Mỹ-Việt là nhất quán với chiến lược ngoại giao cởi mở với tất cả các nước của Việt Nam.

Tuy nhiên, “Việt Nam không bằng lòng thỏa hiệp vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và cũng sẽ có những sự chuẩn bị của riêng mình“, ông Hop nói.

Gần đây Trung Quốc tỏ thái độ tức giận bởi các biểu hiện gia tăng về hợp tác an ninh giữa Việt Nam với các đối thủ của Trung Quốc như Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ, cũng như các hoạt động của Việt Nam trên vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Căng thẳng với Trung Quốc tăng nhanh từ hồi tháng 6, trong khi Việt Nam tổ chức thăm dò khoan dầu tại Bãi Tư Chính trên biển Đông mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Việc khai thác đã dừng lại sau đó, theo xác nhận của công ty đối tác với Việt Nam là Repsol.

Sau khi Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác đạt được một tuyên bố chung tuần này, trong đó có nêu quan ngại về các hoạt động quân sự hóa biển Đông, Trung Quốc đã tỏ thái độ không hài lòng. Một cuộc cuộc gặp song phương ngoại giao Trung-Việt bên lề hội nghị tại Philippines đã bị phía Trung Quốc hủy bỏ. Trung Quốc cũng nêu vấn đề rằng chính Việt Nam cũng đang xây dựng và cải tạo các thực thể trên biển Đông.

Trong quá khứ, Bắc Kinh nhiều lần tỏ ra nhạy cảm khi ASEAN chỉ hơi nhắc đến hoạt động cải tạo, quân sự hóa của họ trên biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố gần hết chủ quyền của vùng biển giàu tài nguyên và có hải tuyến chiến lược quan trọng này bằng cái gọi là quyền lịch sử. Bốn trong năm quốc gia có tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc là thành viên của ASEAN.

Hôm thứ Hai, một thỏa thuận khung về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc đã đi đến đồng thuận, tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng ASEAN bị yếm thế vì bộ quy tắc này không có giá trị pháp lý.

Úc, Nhật, Mỹ đã lên tiếng khuyến khích hai bên, ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trở thành có ràng buộc pháp lý và tuyên bố họ phản đối các hành động “ép buộc đơn phương”.

Đức Trí (t/h)

Xem thêm: