Hôm Chủ nhật (2/7), Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã điều một tàu khu trục tuần tra tiến vào khu vực 12 hải lý của một hòn đảo tại Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Thông tin trên được hai quan chức quân đội Mỹ giấu tên xác nhận với tờ Fox News. Đây là lần thứ hai kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, Mỹ cử tàu chiến tuần tra trên vùng biến chiến lược, giàu tài nguyên tại biển Đông bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Các tàu chiến của Trung Quốc luôn thường trực trên vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa

Fox News cho hay chiếc tàu chiến Mỹ thực hiện tuần tra hàng hải lần này là tàu USS Stethem, một loại tàu khu trục có mang tên lửa dẫn đường, xuất phát từ căn cứ của Hoa Kỳ tại Nhật Bản, tiến tới khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn, một hòn đảo tự nhiên thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm sau cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Các quan chức Mỹ nói với Fox News rằng, phía Trung Quốc đã điều một tàu chiến rượt đuổi tàu khu trục USS Stethem trong hành trình “tự do hàng hải” gần đảo Tri Tôn.

Khu vực 12 hải lý quanh đảo được coi là lãnh thổ mở rộng của một quốc gia sở hữu nó theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Trung Quốc đang chiếm đóng đảo Tri Tôn và cho rằng họ có quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng lãnh hải này. Việc Washington tiến hành tuần tra tại đây mà không thông qua Bắc Kinh là chỉ dấu cho thấy Hoa Kỳ không chấp nhận  yêu sách của Trung Quốc.

Động thái này diễn ra khi chính quyền Trump dường như đã mất kiên nhẫn với Bắc Kinh về việc nước này vẫn tiếp đẩy mạnh quân sự hóa ở biển Đông. Hơn nữa, Washington cũng đã nản lòng trước sự thất bại của Bắc Kinh trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên nên có thể chính sách tổng thế của Mỹ với Trung Quốc đã chuyển hướng.

Trung Úy Matt Knight, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ không xác nhận hoạt động tuần tra mà hải quân mỹ đang tiến hành gần đảo Tri Tôn, nhưng cũng nói với Fox News rằng: “Chúng tôi thực hiện hoạt động ‘tự do hàng hải’ (FONOP) thông thường và thường xuyên, như chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục làm trong tương lai“.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris, trong một bài phát biểu hôm thứ Tư (28/6) tại Brisbane, nơi Hoa Kỳ đang tham gia cuộc tập trận quân sự lớn nhất từng có với quân đội Úc, đã nói rằng: “Các hòn đảo giả không nên được tin tưởng bởi những con người thực. Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để làm xói mòn các trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc đã được công nhận”.

Lần gần nhất hải quân Hoa Kỳ tuần tra biển Đông là vào cuối tháng Năm vừa qua.

Vào ngày 24/5, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Dewey đã di chuyển vào khu vực 12 hải lý gần Đá Vành Khăn, một hòn đảo nhân tạo, thuộc quần đảo Trường Sa, cũng đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Sau hoạt động đó của hải quân Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hai tàu khu trục của Trung Quốc đã “cảnh báo và rượt đuổi” tàu USS Dewey khi cho rằng tàu chiến Mỹ đã đi vào vùng biển “không được phép“.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Nhiệm Quốc Cường (Ren Guoqiang), thời điểm đó đã nói rằng: “Chúng tôi đã mạnh mẽ chống lại hành vi mang tính quân sự của Hoa Kỳ, thúc đẩy quân sự hoá khu vực và chúng tôi đã có hành động đáp trả nghiêm túc”.

Động thái tuần tra biển Đông hôm Chủ nhật (2/7) của Hoa Kỳ diễn ra chỉ vài ngày sau khi tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Washington, hôm 29/6 công bố Trung Quốc đã và đang xây dựng hàng loạt cơ sở quân sự mới trên các đảo tranh chấp tại biển Đông.

AMTI cho biết các ảnh chụp vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc đang xây nhà chứa tên lửa, ra-đa và các thiết bị liên lạc trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa. Cả 3 đảo đá này đều là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc, và đều đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo.

Trong tuần này, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức.

Xuân Thành

Xem thêm: