Quân đội Mỹ cho biết hôm thứ Tư (28/8) một tàu khu trục Hải quân Mỹ đã di chuyển gần các hòn đảo do Trung Quốc chiếm đóng để thực hiện hoạt động tuần tra Biển Đông. Động thái này của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn về yêu sách chủ quyền tại vùng biển chiến lược Đông Nam Á.

Tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép. (Ảnh từ Military Wiki)

Chỉ huy Reann Mommsen – một phát ngôn viên của Hạm đội 7 của Hải Quân Mỹ đóng tại Nhật Bản nói với Reuters rằng tàu Hải quân Mỹ Wayne E. Meyer – một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Chữ Thập và Đá Vạnh Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông.

Bà Mommsen nói thêm rằng hoạt động này của tàu khu trục Hải quân Mỹ được tiến hành nhằm “thách thức các yêu sách hàng hải quá mức và duy trì tiếp cận các vùng biển theo quy định của luật pháp quốc tế”.

Hoạt động tự do hàng hải của quân đội Mỹ tại Biển Đông đến trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung đang leo thang căng thẳng từ tuần trước khi hai bên tiếp tục đánh thuế trả đũa qua lại lên hàng hóa của nhau.

Quân đội Mỹ từ lâu luôn khẳng định lập trường nhất quán rằng các hoạt động tự do hàng hải của họ được thực hiện trên khắp thế giới, trong đó có các vùng biển mà đồng minh của Mỹ tuyên bố chủ quyền. Washington cũng nhiều lần tuyên bố rằng họ tách bạch hoạt động này với các cân nhắc chính trị.

Động thái tuần tra hàng hải này của Mỹ cũng đến vào thời điểm Trung Quốc đang gia tăng “bắt nạt” các nước láng giềng khác cũng có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Hai ngày trước khi thực hiện hoạt động tự do hàng hải trại Trường Sa, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát đi tuyên bố nói rằng Trung Quốc đang thực hiện “can thiệp cưỡng bức” đối với các hoạt động dầu khí tại vùng biển của Việt Nam.

Theo Reuters, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26/8 có đoạn nói: “Gần đây, Trung Quốc đã sử dụng lại can thiệp cưỡng bức đối với các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam trên Biển Đông.

Ngũ Giác Đài nói rằng các hoạt động của Bắc Kinh là đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đưa ra trong bài phát biểu ở Singapore vào đầu năm nay rằng Trung Quốc sẽ “tuân thủ con đường phát triển hòa bình”.

Trung Quốc sẽ không giành được niềm tin của các nước láng giềng, cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng việc duy trì chiến thuật bắt nạt,” tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ nói thêm.

Tuyên bố chỉ trích Trung Quốc bắt nạt Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ được phát đi chỉ vài ngày sau khi có thông tin cho biết tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 Trung Quốc hôm thứ Bảy (24/8) đã mở rộng hoạt động gần bờ biển Việt Nam hơn. Theo Reuters, các tàu của Trung Quốc ở vị trí cách đảo Phú Quý, Việt Nam khoảng 102km và cách bờ biển Phan Thiết khoảng 185km.

Trước đó một tuần, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc leo thang bắt nạt Việt Nam trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus hôm 22/8 đã bày tỏ quan ngại của chính phủ Mỹ đối với việc Bắc Kinh liên tục quấy nhiễu và gây sức ép lên hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam.

Ngoài việc xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Trung Quốc cũng đang cho tàu khảo sát tiến vào EEZ của Philippines.

Nhà phân tích Ryan Martinson thuộc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc viết trên Twitter hôm 24/8 rằng tàu Hải dương Trung Quốc Zhang Jian đã trở lại EEZ của Philippines. Con tàu này được cho là đã hoạt động cách bờ biển phía Đông Philippines khoảng 80 hải lý từ ngày 3/8 đến ngày 5/8.

Theo Reuters, Trung Quốc hôm thứ Ba (27/8) đã từ chối yêu cầu cho một tàu chiến của Mỹ đến thăm thành phố cảng Thanh Đảo, Trung Quốc. Vào tháng trước, Bắc Kinh cũng đã bác bỏ đề nghị cho một tàu chiến Mỹ cập cảng Hồng Kông.

Xuân Thành

Xem thêm: