Trong 5 ngày “đi sứ” Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người ngày càng bị chỉ trích trong nước vì thái độ “khúm núm” yếu nhược trước Bắc Kinh đã phải nhận nhiệm vụ nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) năm 2016 xử Philippines thắng kiện trong vụ kiện Trung Quốc xâm phạm biển Đông. 

Embed from Getty Images

Tuy nhiên trong buổi gặp mặt trực tiếp tại Bắc Kinh, ông Tập đã thẳng thắn kêu gọi ông Duterte rằng hãy “đặt sang một bên” tranh chấp hàng hải giữa hai nước và thay vào đó tập trung vào đẩy mạnh dự án khai thác dầu khí chung giữa hai nước ở biển Đông. 

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập cũng không quên nhắc nhở người đồng cấp của mình hãy vững tâm “đừng để bị ảnh hưởng bởi các thế lực bên ngoài”, tập trung vào việc hợp tác kinh tế song phương, triển khai dự án khai thác dầu khí chung ở biển Đông và hoàn tất đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử trên biển vào năm 2021. 

Việc ông Duterte ngỏ ý muốn hợp tác với Trung Quốc khai thác dầu khí tại một số khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines như vùng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) đã gây phân hóa sâu sắc công luận nước này, trong khi phán quyết của The Hague năm 2016 đã bác bỏ hoàn toàn các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông, trong đó có vùng Bãi Cỏ Rong. 

Tổng thống Duterte, người khẳng định Manila không có cơ hội chiến thắng Trung Quốc trong một cuộc chiến trên biển đã coi đây là một giải pháp có thể giúp làm dịu tình hình Biển Đông, hóa giải nguy cơ xung đột, biến đối thủ thành đối tác. Điều này đã khiến nhiều người dân, thậm chí giới chính trị gia lên án tổng thống Duterte phản bội tổ quốc, nhân nhượng chủ quyền đổi lấy các lợi ích kinh tế.

Theo báo Inquirer, phủ tổng thống Philippines nhấn mạnh là tổng thống Duterte đã khẳng định trước ông Tập Cận Bình rằng phán quyết The Hague “có tính quyết định, ràng buộc và không thể khiếu nại”. Tuy nhiên tuyên bố lại nói rằng trong những lần hội kiến tới, ông Duterte sẽ không nêu trở lại vấn đề này với Trung Quốc.

Người phát ngôn của ông Duterte hôm thứ Sáu (30/9) cho biết ông Tập trả lời bằng việc nhất mạnh lập trường của Bắc Kinh là không công nhận phán quyết của PCA năm 2016. 

Mới đây nhất hôm 1/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới tái khẳng định rằng lập trường của Bắc Kinh về biển Đông vẫn không thay đổi. 

“Thực tế đã chứng minh rằng nếu chúng tôi xử lý phù hợp vấn đề này, nó sẽ là điều tốt cho ổn định và hòa bình khu vực”, ông Cảnh nói trong một cuộc họp báo.

Ngoài ra, theo SCMP, ông Tập còn nói với ông Duterte rằng Trung Quốc sẵn sàng nhập thêm hoa quả tươi và các nông sản khác từ Philippines, đồng thời sẽ cử các chuyên gia nông nghiệp và ngư nghiệp tới giúp Philippines phát triển các ngành này. 

Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý tiếp tục hợp tác trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông và phát triển khu công nghiệp, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. 

Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague ngày 12/7/2016 ra phán quyết có lợi cho Manila trong vụ kiện về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông.

PCA bác bỏ yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc và ủng hộ vụ kiện của Philippines do Tổng thống khi đó của nước này, ông Benigno Aquino, khởi xướng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc có phản ứng gay gắt, nói rằng phán quyết này “vô giá trị” cũng như “không có tính cưỡng hành”.

Theo giới phân tích, sau khi lên làm tổng thống Philippines, người kế nhiệm ông Aquino, ông Rodrigo Duterte, dường như “làm ngơ” thắng lợi này và “xích lại” gần hơn với Trung Quốc.

Philippines là láng giềng hữu nghị của Trung Quốc và là đối tác quan trọng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Kể từ khi ông Duterte nhậm chức, quan hệ Trung Quốc và Philippines đã được củng cố và tăng cường”, phát ngôn viên Cảnh Sảng nói.

Trọng Đức

Xem thêm: