Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa hôm thứ Sáu (1/12) đã chỉ định nhiều tướng lĩnh quân đội vào các vị trí hàng đầu trong nội các mới. Động thái này khiến ngoại giới cho rằng đây là hành động “ban thưởng” cho vai trò của quân đội trong việc loại bỏ cựu Tổng thống Robert Mugabe.

Embed from Getty Images

Tổng thống Mnangagwa trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Sân vận động Quốc gia tại Thủ đô Harare hôm 24/11.

Tổng thống Mnangagwa, từng là chỉ huy trưởng lực lượng an ninh Zimbabwe với biệt danh “Cá sấu”, đã bổ nhiệm Tướng Sibusiso Moyo giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Moyo chính là nhân vật đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia thông báo về việc quân đội tiếm quyền Tổng thống Robert Mugabe hôm 15/11.

Trong khi đó, chỉ huy không lực Zimbabwe, Tướng Perrance Shiri sẽ được đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp và các vấn đề đất đai.

Ông Shiri được người dân Zimbabwe biết đến là cựu chỉ huy “Lữ đoàn 5”, từng được đào tạo tại Bắc Triều Tiên, giữ vai trò trung tâm trong vụ thảm sát Gukurahundi ở Matabeleland vào năm 1983, khiến khoảng 20.000 thường dân thiệt mạng.

Ngoài các ông Moyo và Shiri, những lãnh đạo của hiệp hội cựu chiến binh đầy quyền lực, những người thúc đẩy ông Mugabe từ chức sau khi quân đội can thiệp, cũng được bổ nhiệm các vị trí trong nội các mới. Đáng chú ý nhất là ông Chris Mutsvangwa – Chủ tịch hiệp hội cựu chiến binh, sẽ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Thông tin.

Bên cạnh việc trọng dụng các tướng lĩnh quân đội, Tân Tổng thống Mnangagwa cũng giữ lại nhiều bộ trưởng dưới thời Tổng thống Mugabe.

Ông Mnangagwa đã đưa ông Patrick Chinamasa trở lại vị trí Bộ trưởng tài chính sau khi ông này đã được điều chuyển sang Bộ An ninh mạng từ đầu năm nay.

Ông Chinamasa đứng đầu lĩnh vực tài chính Zimbabwe từ năm 2013 và trong suốt thời gian đảm nhiệm vị trí này, nhân vật vốn là luật sư này đã không thể vực dậy nền kinh tế trì trệ của Zimbabwe.

Với những động thái sắp xếp nội các nêu trên, nhiều nhà phê bình đánh giá rằng những gì Tân Tổng thống Mnangagwa đang làm vẫn là “bình mới, rượu cũ”.

Nhà phân tích chính trị Alex Magaisa tại London đăng tweet rằng: “Đối với phần lớn nhà quan sát, điều này giống như một sự ban thưởng cho quân đội và không khác gì việc quân đội đang khẳng định quyền lực của họ”.

Người dân Zimbabwe đã hy vọng sẽ có sự thay đổi lớn sau kỷ nguyên Mugabe. Sau tất cả, dường như đã không có một cuộc cách mạng nào cả?” ông Magaisa viết thêm trên Twitter.

Cựu Bộ trưởng thông tin Jonathan Moyo, người thuộc phe phái của bà Grace Mugabe đăng tweet: “Ngay cả Nigeria cũng không có nhiều tướng lĩnh quân đội trong nội các sau đảo chính”.

Một điểm mới của nội các Tổng thống Mnangagwa so với thời ông Mugabe là số lượng Bộ trưởng đã giảm từ 33 xuống 22.

Nhiệm vụ trước mắt của chính phủ Mnangagwa rất nặng nề khi vừa phải giải quyết các vấn đề khó khăn trong nước, vừa phải tạo niềm tin với quốc tế để thu hút đầu tư. Ông Mnangagwa sẽ phải sớm vực dậy nền kinh tế để có được sự ủng hộ của người dân cho cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào năm 2018.

Tân Bình

Xem thêm: