Reuters, dẫn nguồn từ truyền thông Hàn Quốc, cho biết ngay sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội, Tổng thống Moon Jae-in đã nhanh chóng bắt nhịp công việc. Vị cựu luật sư nhân quyền hôm thứ Năm 11/5 đã có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc và thúc giục các bên đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Trong buổi lễ nhậm chức tại Quốc hội hôm thứ Tư 10/5, ông Moon Jae-in tuyên bố trong vai trò tổng thống, ông sẽ lập tức giải quyết các mâu thuẫn an ninh, điều khiến người Hàn lo sợ về nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Ngay trong đêm thứ Tư (10/5), ông Moon đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nội dung của cuộc gọi điện thoại kéo dài 30 phút không được tiết lộ.

Hôm sau, (11/5) tân Tổng thống Hàn Quốc lại có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sau đó là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Các cuộc điện đàm này đều xoay quanh sự phát triển nhanh các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên và các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ).

Phát ngôn viên của ông Moon, ông Yoon Young-chan dẫn lời Tổng thống tân cử Hàn Quốc nói với Chủ tịch Tập rằng: “Giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên phải toàn diện và liên tục, với áp lực và các biện pháp trừng phạt được sử dụng song song cùng với các cuộc đàm phán”.

Các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên cũng là một cách để đưa Bình Nhưỡng tới bàn đàm phán nhằm mục đích loại bỏ vũ khí hạt nhân của họ”. Ông Yoon nói trong cuộc họp báo ngắn và cũng thêm rằng ông Tập đã biểu lộ đồng ý với trao đổi của Tổng thống Moon Jae-in.

Cũng liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên, việc Hàn Quốc đồng ý để Hoa Kỳ triển khai hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ của mình đã khiến mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh có những căng thẳng nhất định.

Trung Quốc cho rằng hệ thống THAAD sẽ gây nguy hại đến an ninh của mình vì radar của THAAD có thể thăm dò sâu vào lãnh thổ Trung Quốc và cũng nói hệ thống này khó ngăn chặn được mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

Trong tiến trình tranh cử, ông Moon đã hứa sẽ xem xét lại THAAD và trong cuộc trao đổi với Chủ tịch Tập, Tổng thống Hàn Quốc đã nói rằng Bắc Triều Tiên phải chấm dứt ngay các động thái khiêu khích trước khi những mẫu thuẫn về triển khai THAAD được giải quyết.

Trong cuộc điện đàm này, ông Tập cũng đã giải thích lập trường của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên. Ông Yoon nói như vậy nhưng cũng không nêu rõ chi tiết phát ngôn của Chủ tịch Trung Quốc.

Ông Yoon chỉ trích dẫn thêm rằng: “Tổng thống Moon nói ông hiểu sự chú ý và quan ngại của Trung Quốc về việc triển khai hệ thống THAAD, và nói rằng ông hy vọng hai nước có thể nhanh chóng tăng cường trao đổi thông tin để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau”.

Bộ ngoại giao Trung Quốc nói Chủ tịch Tập đã trao đổi với Tổng thống Moon rằng Hàn Quốc và Trung Quốc nên tôn trọng mối quan ngại của nhau, gác lại sự khác biệt, tìm kiếm nền tảng chung và xử lý các mẫu thuẫn một cách thích hợp.

Ông Moon cũng đề cập tới việc các doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong giao thương với Trung Quốc liên quan đến THAAD và đề nghị ông Tập “chú ý đặc biệt” để giảm bớt những lo ngại đó. Trung Quốc trước đó phủ nhận cáo buộc cho rằng họ đang trả đũa các doanh nghiệp Hàn Quốc vì THAAD.

Quan hệ song phương với Hoa Kỳ cũng là điều ông Moon đặc biệt quan tâm. Lập trường mềm mỏng với Bắc Triều Tiên của ông Moon tương phản với cách tiếp cận hiện tại của chính quyền Trump trong vấn đề Bình Nhưỡng. Chủ trương của Tổng thống Mỹ là đẩy mạnh áp lực lên Bình Nhưỡng thông qua việc cô lập và trừng phạt và không loại trừ dùng biện pháp vũ lực.

Mặc dù, ông Trump cũng từng tuyên bố “vinh dự” gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong hoàn cảnh phù hợp, nhưng về cơ bản chính quyền Trump vẫn nói rằng họ không thấy giá trị của việc nối lại các cuộc đàm phán quốc tế với Bình Nhưỡng ở hoàn cảnh hiện tại và cho biết trước tiên Bắc Triều Tiên phải cam kết rõ ràng việc thực hiện phi hạt nhân hóa.

Sau cuộc điện đàm Moon – Trump đêm thứ Tư, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Katina Adams cho biết Washington đã hợp tác chặt chẽ với Seoul về vấn đề Bắc Triều Tiên và sẽ tiếp tục làm như vậy.

Chúng tôi vẫn cởi mở đối với các cuộc đàm phán với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) nhưng cần phải thấy rằng DPRK sẽ ngừng tất cả hoạt động bất hợp pháp và hành vi hung hăng trong khu vực”. bà Katina nhấn mạnh.

Về cuộc điện đàm giữa ông Moon và Thủ tướng Abe, Theo Phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Koichi Hagiuda, Thủ tưởng Abe đã nói với Tổng thống Hàn Quốc rằng: “Mối đe dọa từ sự phát triển tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã bước vào một giai đoạn mới. Cách ứng phó với Bình Nhưỡng … là một vấn đề khẩn cấp. Tôi muốn hợp tác chặt chẽ với tổng thống [Hàn Quốc]để đạt được phi hạt nhân hoá Bắc Triều Tiên”.

Nhưng ông Abe cũng nói rằng “đối thoại chỉ vì để đạt mục đích đối thoại sẽ không có ý nghĩa”, và ông kêu gọi Bắc Triều Tiên hãy chứng minh “hành động chân thành và cụ thể”. Ông Hagiuda dẫn lời như vậy và nói thêm rằng ông Moon chia sẻ các quan điểm của Thủ tướng Abe.

Ông Moon chọn con đường hòa giải với Bắc Triều Tiên hơn những người tiền nhiệm theo đường lối bảo thủ và ông cũng ủng hộ các cuộc đàm phán. Ông từng nói rằng sẽ tới Bình Nhưỡng “nếu điều kiện phù hợp”.

Tân Bình

Xem thêm: