Năm 1995, tôi được làm việc tại Thượng viện Hoa Kỳ về Đạo luật Di dời Đại sứ quán Jerusalem (JERA) với một nhóm đồng nghiệp lưỡng đảng, bao gồm cả Lãnh đạo Đa số Thượng viện Bob Dole từ Kansas và Thượng nghị sĩ Pat Moynihan từ New York.

USembassy Jerusalem 2
Lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem tổ chức vào ngày 14/5. (Ảnh qua Fox News)

Dự luật của chúng tôi đánh giá rằng “Mỗi quốc gia có chủ quyền, theo thông lệ và luật pháp quốc tế, có thể tự chọn thủ đô của họ”, và “Kể từ năm 1950, Thành phố Jerusalem đã trở thành thủ đô của Nhà nước Israel”. Trên thực tế, tại thời điểm đó, Israel – một chế độ dân chủ tương đồng và là một trong những đồng minh thân thiết nhất của chúng ta trên thế giới – lại là nơi duy nhất trên thế giới mà chúng ta không đặt đại sứ quán tại thành phố mà đất nước chủ nhà chọn là thủ đô của họ.

Nhằm mục đích loại bỏ sự bất bình đẳng đó, luật JERA của chúng ta đã yêu cầu “Hoa Kỳ nên công nhận Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Israel và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Israel nên được thành lập tại Jerusalem”. Có sự ủng hộ rộng rãi từ lưỡng đảng trong quốc hội dành cho JERA, nhưng từ chính phủ thì không. Một phần lý do cho sự phản đối đó là cuộc đấu tranh truyền thống nhằm giành ảnh hưởng về chính sách đối ngoại giữa Quốc hội và tổng thống. Nhưng phần lớn nguyên nhân phản đối là tùy vào từng thời điểm lịch sử cụ thể.

Hai năm trước đó vào tháng 9 năm 1993, cái gọi là Tuyên bố Nguyên tắc của Chính phủ Lâm thời (còn được gọi là Hiệp ước Oslo) đã được ký kết tại Nhà Trắng bởi Ngài Yitzhak Rabin và Ngài Yassir Arafat. Nó đặt ra một thời gian biểu cho việc giải quyết các vấn đề có “tình trạng tối hậu“, bao gồm cả Jerusalem. Lúc đó, có hy vọng cao cho một giải pháp hai nhà nước vĩnh viễn giữa Israel và Palestine. Những người phản bác Đạo luật Di dời Đại sứ quán Jerusalem nói rằng việc xác định tình trạng của Jerusalem sẽ làm giảm bớt hoặc dập tắt những hy vọng đó.

Chúng tôi, những người ủng hộ JERA nói rằng điều đó rõ ràng là không đúng, rằng đạo luật này của chúng ta không ảnh hưởng tới việc thực thi Hiệp ước Oslo, mà chỉ đơn giản coi Israel như mọi quốc gia khác trên thế giới, và tôn trọng quyền được chọn thủ đô của họ. Trên thực tế, Hoa Kỳ có sở hữu một mảnh đất ở phía Tây Jerusalem, nơi mà chúng ta dự định sau này sẽ xây dựng đại sứ quán, và mảnh đất đó là một phần của Isreal từ khi nó tái thiết vào năm 1948. Trừ khi người ta nghĩ rằng một giải pháp hai quốc gia sẽ liên quan đến việc Israel cai trị chủ quyền trên mảnh đất Jerusalem vốn đã là của Israel kể từ năm 1948, mà không ai nghĩ như vậy cả, thì không có cách nào mà Luật Đại sứ quán Jerusalem lại có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán cuối cùng theo Hiệp định Oslo. Trên thực tế, chúng tôi đã tranh luận tại Quốc hội, việc di chuyển đại sứ quán của chúng ta đến Jerusalem có thể mở đường cho một giải pháp hai quốc gia bằng việc làm cho Israel tin tưởng rằng quá trình hòa bình mà chúng ta hỗ trợ sẽ không dẫn đến việc quyền của Israel đối với thủ đô lịch sử của họ bị xóa bỏ.

Tuy nhiên, chính phủ Bill Clinton tuyên bố rằng sự tập trung chưa đủ chín muồi vào Jerusalem có thể ảnh hưởng xấu tới các cuộc đàm phán và làm phức tạp hóa cơ hội hòa bình, do vậy Tổng thống Clinton sẽ phủ quyết đạo luật JERA.

Để tránh sự phủ quyết đó, một thỏa hiệp đã được thoả thuận trên cơ sở thực tiễn hành động và được ban hành nhưng không dựa trên sự thực hay nguyên tắc. Một phần mới đã được bổ sung vào luật JERA, cho phép tổng thống Clinton và những người kế nhiệm ông có thể đình chỉ hiệu lực của luật sau mỗi sáu tháng nếu xác định rằng việc đình chỉ đó là “cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.

Luật JERA sửa đổi đó đã được thông qua tại Thượng viện với số phiếu 93-5 và Hạ viện với số phiếu 374-37. Tổng thống Clinton vẫn từ chối ký vào luật nhưng để nó có hiệu lực mà không có chữ ký của ông mười ngày sau đó theo đúng quy trình pháp luật Mỹ. Vào thời điểm đó, tổng thống cho biết đạo luật này “có thể cản trở tiến trình hòa bình. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra và sẽ sử dụng quyền hạn miễn trừ của luật này để tránh thiệt hại cho tiến trình hòa bình”.

Đó chính xác là những gì Tổng thống Clinton và những người kế nhiệm ông, Tổng thống Bush và Obama, đã lặp lại trong vòng 22 năm sau đó, cho đến ngày 6/12/2017 khi Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và ra lệnh cho Đại sứ quán Mỹ chuyển đến thủ đô đó. Vào ngày 23 tháng 2 năm nay, Tổng thống Trump đã thông báo rằng Đại sứ quán Mỹ sẽ mở tại Jerusalem vào ngày 14 tháng 5 năm 2018, trùng với Kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Độc lập của Israel.

Trong thế giới Ả Rập, các lo ngại đã được thể hiện nhưng trọng tâm của thế giới Ả Rập, giống như Israel, lại là về mối đe dọa lớn từ Iran. Đúng là hy vọng cho quá trình hòa bình ngày nay thấp hơn nhiều so với năm 1995, mặc dù chính quyền Trump tiếp tục làm việc một cách đúng đắn vì một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Tóm lại, cuối cùng khi Tổng thống Trump thực hiện Đạo luật Di dời Đại sứ quán Jerusalem năm 1995, bầu trời – theo như chúng ta biết – đã không sập, như nhiều người vẫn dự đoán.

Có một bài học lớn hơn học được từ câu chuyện này. Hoa Kỳ vẫn là dân tộc mạnh mẽ nhất trên thế giới và không bao giờ nên do dự trong việc đưa ra các quyết sách ngoại giao quan trọng mà chúng ta tin tưởng là nhất quán với các giá trị và lợi ích của dân tộc chúng ta chỉ vì các phán đoán của người khác về những tình huống xấu nhất có thể xảy ra với các quyết sách đó. Nếu không, chúng ta có thể mất đi sức mạnh dân tộc và thỏa hiệp các lợi ích và giá trị của dân tộc mình.

Bài học đó đáng ghi nhớ trong nhiều quyết sách đối ngoại khác mà Tổng thống Trump đã đưa ra hoặc sẽ sớm thực hiện, bao gồm cả việc kéo Mỹ ra khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran và sẽ tiến hành cuộc đàm phán với Bắc Hàn.

Tác giả: Joseph Lieberman (Ông Lieberman là Thượng nghị sĩ Mỹ từ năm 1989 – 2013, hiện tại là một người Độc lập nhưng trước đây thuộc Đảng Dân chủ. Ông Lieberman đã được Đảng Dân chủ đề cử cho vị trí Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2000).

Nhật Hạ biên dịch

Xem thêm: