Nepal là một quốc gia nằm khép kín trong lục địa, không có biển, kẹp giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đất nước này có truyền thống dựa vào các cảng biển Ấn Độ để giao thương với các quốc gia khác, vì Nepal và Ấn Độ đã có mối quan hệ thân thiện từ những năm 1950.

Nhưng bây giờ, mối quan hệ Ấn Độ – Nepal có vẻ đã bị xen ngang bởi Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh công bố thỏa thuận thương mại mới với Nepal.

Embed from Getty Images

Trung Quốc và Nepal đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Nepal K.P. Sharma hồi tháng 6/2018.

Hiệp định Giao thông và Vận tải (TTA), được ký kết sau một cuộc họp ở thủ đô Kathmandu của Nepal vào tuần trước giữa các quan chức Nepal và Trung Quốc, sẽ cho phép Nepal sử dụng bốn cảng biển và ba cảng đất liền của Trung Quốc để giao thương với quốc tế, theo một bài báo phát hành ngày 7 tháng 9 của tờ báo tiếng Anh The Himalayan Times của Nepal.

Nepal hiện có thể sử dụng các cảng biển ở các thành phố của Trung Quốc như Thâm Quyến, Liên Vân Cảng, Trạm Giang và Thiên Tân. Cả Thâm Quyến và Trạm Giang đều nằm ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, trong khi Liên Vân Cảng nằm ở tỉnh Giang Tô, dọc theo bờ biển phía đông, Trung Quốc. Thiên Tân có khoảng cách ngắn nhất trong số bốn cảng, cách biên giới Nepal khoảng 3.300km.

Ba cảng đất liền nằm ở các thành phố Lan Châu, tỉnh Cam túc, miền tây bắc Trung Quốc và hai thành phố Lhasa và Shigatse, ở Khu Tự trị Tây Tạng, miền tây nam Trung Quốc.

Theo thỏa thuận, các thương nhân Nepal sẽ được phép sử dụng bất kỳ phương thức vận tải nào, chẳng hạn như đường sắt và đường bộ, để tiếp cận các cảng này. Đối với cảng đất liền ở thành phố Shigatse, chính quyền Trung Quốc sẽ cấp giấy phép cho các nhà khai thác xe tải và container vận chuyển hàng hóa đến và đi từ thành phố này đến Nepal. Bài báo trên Thời báo Himalayan không giải thích tại sao ở thành phố Shigatse cần giấy phép, nhưng các thành phố khác thì không.

Truyền thông Ấn Độ đã đặt dấu hỏi về động cơ của Trung Quốc thông qua TTA với Nepal. Theo trang tin tức Ấn Độ Opindia, chi phí vận chuyển sẽ cao hơn khi sử dụng các cảng Trung Quốc so với các cảng Ấn Độ, vì khoảng cách xa hơn từ biên giới Nepal. Ví dụ, khoảng cách đến Kolkata, thủ phủ của bang Tây Bengal của Ấn Độ, khoảng 774km, và khoảng cách đến Visakhapatnam, một thành phố cảng của bang Andhra Pradesh, là gần 1.194 km, trong khi cảng Thiên Tân, gần Nepal nhất cũng cách biên giới tới 3.300km.  

Hiệp định thương mại chỉ là một trong một loạt các khoản đầu tư và dự án mà Trung Quốc đã đổ vào đất nước Himalaya, vì Bắc Kinh coi Nepal là một quốc gia chiến lược trong sáng kiến ​​Một Vành đai, Một Con đường.

Một Vành đai, Một Con đường (OBOR)

Bắc Kinh lần đầu công bố OBOR vào năm 2013, một dự án xây dựng các tuyến thương mại nối Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Phi, Châu Âu và Mỹ Latin. Bắc Kinh đặt mục tiêu tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tại hơn 60 quốc gia.

Vào tháng 3 năm 2015, Bắc Kinh đã chi tiết các kế hoạch OBOR của mình bằng cách công bố một loạt các biện pháp và mục tiêu cho các vùng khác nhau ở Trung Quốc để thực hiện. Theo Tân Hoa Xã, mục tiêu cho khu vực tây nam Trung Quốc là “thúc đẩy hợp tác thương mại và du lịch giữa Tây Tạng và Nepal và các nước láng giềng khác”.

Kể từ đó, tiền và khách du lịch Trung Quốc đã đổ vào Nepal. Trong ba tháng đầu năm nay, số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Nepal đứng đầu với 40.976 lượt khách, lần đầu tiên vượt qua số du khách Ấn Độ tới Nepal, theo tờ nhật báo Kathmandu Post của Nepal.

Về các dự án cơ sở hạ tầng OBOR, vào tháng 4 năm 2016, sân bay quốc tế Pokhara ở miền trung Nepal bắt đầu được triển khai xây dựng sau khi Bộ Văn hóa, Du lịch và Hàng không dân dụng Nepal trao hợp đồng cho Công ty Cơ khí CAMC của nhà nước Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, kinh phí xây sân bay này được Nepal vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, với số vốn vay là 215,96 triệu USD. Sân bay Pokhara dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2021.

Sau đó, vào tháng 3 năm 2017, Trung Quốc cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nepal 8,2 tỷ USD, theo tờ China Daily – cơ quan của nhà nước Trung Quốc.

Vào tháng Sáu vừa qua, hai nước đã ký tám thỏa thuận đầu tư trị giá 2,4 tỷ USD trong chuyến thăm của Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli đến Bắc Kinh, theo tờ báo Hindustan Times của Ấn Độ. Trong số các thỏa thuận này có các kế hoạch các công ty Trung Quốc xây dựng một nhà máy xi măng và một số dự án thủy điện ở Nepal.

Cũng có những cuộc đàm phán về việc xây dựng đường sắt nối Kathmandu và Gyirong, một quận ở Tây Tạng, theo một bài báo ngày 9 tháng 9 của tờ báo Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng đã đề xuất xây dựng một mạng lưới đường sắt ở Nepal, bao gồm một tuyến đường sắt giữa thành phố Kerung và Kathmandu ở phía đông bắc, Nepal. Chi phí xây dựng ước tính ít nhất là 2,2 tỷ USD, theo một bài báo ngày 26 tháng 8 của tờ nhật báo tiếng Anh Kathmandu Tribune của Nepal.

Bẫy nợ

Với sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc, có những lo ngại ở Nepal rằng đất nước có thể rơi vào bẫy nợ, giống như những gì đã xảy ra ở Sri Lanka, theo một bài bình luận ​​ngày 20 tháng 6 đăng trên trang tin tức tiếng Anh My Republica, Nepal. Vào tháng 12 năm 2017, Sri Lanka đã phải trao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho Trung Quốc, sau khi không trả được 6 tỷ USD tiền vay và chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu. Cảng Hambantota cũng là dự án nằm trong Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường.  

Bài báo nêu trên cũng chỉ ra Sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksa của Sri Lanka, một dự án khác thuộc OBOR, hiện là sân bay thưa vắng nhất thế giới và đã chịu thiệt hại tài chính nặng nề. Sân bay quốc tế Pokhara của Nepal có thể kết thúc trong tình huống tương tự, bài báo trên My Republica cảnh báo.

Trước khi bắt tay vào các dự án lớn theo [OBOR], Nepal cần phải đánh giá một cách cẩn thận tác động có thể có của chúng đối với nền kinh tế của chúng ta“, bài viết kết luận.

Jagdish Chandra Pokharel, cựu phó chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Quốc gia của chính phủ Nepal, cũng cảnh báo rằng đầu tư của Trung Quốc không có lợi cho Nepal. Ông Pokharel đã đưa ra nhận xét trong một bài bình luận ​​được đăng trên tờ Nepal Annapurna Post. Đầu tư của Trung Quốc là “một mối nguy hiểm” và “lấy cảm hứng từ một quyết định chính trị” – khác với việc vay tiền từ Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Pokharel viết.

Vấn đề Tây Tạng

Trong một bài báo ngày 14 tháng 8 năm 2017 của tờ Hoàn cầu Thời báo, động cơ cơ bản của Trung Quốc sau khi hợp tác với Nepal được tuyên bố mạnh mẽ: “Nepal, giáp với Khu Tự trị Tây Tạng, tây nam Trung Quốc, đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chống lại ‘những phần tử ly khai’ Tây Tạng”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chiếm đóng Tây Tạng từ năm 1959, tuyên bố khu vực này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. ĐCSTQ đã ban hành luật lệ kiểm soát nghiêm ngặt cuộc sống của người Tây Tạng và dán nhãn những người xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là lãnh đạo tinh thần của họ là “những kẻ ly khai”. Trong bối cảnh các nhà chức trách Trung Quốc ngày càng tăng cường đàn áp, một số người Tây Tạng đã vượt biên đến Nepal để tìm kiếm tự do tôn giáo.

Theo Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng, một nhóm vận động phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, Trung Quốc đã tài trợ xây dựng một học viện đào tạo Lực lượng Cảnh sát vũ trang Nepal. Các viên chức từ học viện này có nhiệm vụ “ngăn chặn người Tây Tạng xâm nhập vào Nepal”.

Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng cho hay: “Có một mối tương quan trực tiếp giữa đầu tư và viện trợ sâu rộng từ Trung Quốc và tình hình người Tây Tạng ở Nepal“.

Theo The Epoch Times,

Minh Khuê biên dịch

Xem thêm: