Vào chiều thứ Ba 8/5 (giờ Mỹ), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức thông báo rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Đây được coi là một trong những quyết định đem lại nhiều hệ lụy nhất của ông Trump kề từ khi nhậm chức. Vậy tại sao Tổng thống Mỹ đương nhiệm lại rút khỏi thỏa thuận này và điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Embed from Getty Images

Cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Ngoại trưởng John Kerry là những nhân vật chính của Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Ông Trump đã phát đi tín hiệu không hài lòng về thỏa thuận hạt nhân Iran từ nhiều tháng qua, và đã gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất”. Các đồng minh Châu Âu của Mỹ như Pháp, Đức và Anh thời gian qua đã cố gắng thuyết phục ông Trump tiếp tục ở lại thỏa thuận bằng lời hứa về việc cải thiện các điều khoản, nhưng ngay từ đầu dường như ai cũng suy đoán được rằng những cam kết của các lãnh đạo Châu Âu chưa đủ thuyết phục ông Trump.

Thỏa thuận Iran và lý do tại sao ông Trump quyết định rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này là vô cùng phức tạp và chưa nhiều người có lý giải thấu đáo về việc này.

Dưới đây là lý giải của nhà báo Alex Ward của tờ Vox (Mỹ) về nguyên nhân chính khiến ông Trump đưa ra quyết định quan trọng này, cùng các vấn đề liên quan khác.

Thỏa thuận hạt nhân Iran là gì?

Một cách đơn giản, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 được biết đến với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân trong vòng ít nhất một thập kỷ.

Vào ngày 14/7/2015, một nhóm các cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu đã đồng ý dỡ bỏ các chế tài khắc nghiệt áp đặt lên các chương trình hạt nhân Iran và cho phép chế độ Tehran được tiếp cận nhiều hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Đổi lại, Iran đã đồng ý thực hiện các bước cụ thể để kiềm chế chương trình hạt nhân của mình, giới hạn chương trình đó tới các ứng dụng hòa bình được giám sát nghiêm ngặt, và phải cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thanh sát toàn diện các cơ sở hạt nhân trọng yếu để đảm bảo việc tuân thủ.

Một vài bước mà Iran thực hiện theo thỏa thuận 2015 như sau:

  • Iran đã có khoảng 20.000 máy ly tâm, nhưng thỏa thuận 2015 cho biết Iran không thể sử dụng khoảng hơn 5000 máy trong số đó – và các máy còn lại cũng thuộc loại cũ kỹ và ít hữu dụng nhất. Điều đó gây khó cho Iran trong việc tạo ra bom hạt nhân nếu họ muốn thực hiện trong thời điểm hiện tại.
  • Iran đã từ bỏ 97% lượng uranium đã làm giàu của họ, nhưng cũng giữ lại khoảng 300 kilogram trong 10.000 kilogram uranium lưu kho và số lượng uranium được giữ lại chỉ làm giàu 3,67%, trong khi uranium được sử dụng trong bom hạt nhân phải đạt độ làm giàu tới 90%.
  • Iran sẽ phá hủy hoặc xuất khẩu thành phần quan trọng nhất của nhà máy plutonium của họ tại Arak và thay thế bộ phận này bằng một loại mới không thể sản xuất plutonium theo tiêu chuẩn cho vũ khí hạt nhân.

Tất cả các điều trên có nghĩa rằng: Trước thỏa thuận 2015, Iran có khả năng sản xuất một quả bom hạt nhân trong khoảng từ 2 tới 3 tháng nếu họ quyết định tiến hành việc đó. Nhưng sau thỏa thuận, Iran sẽ phải mất khoảng 1 năm để sản xuất một quả bom hạt nhân như vậy.

Như vậy có nghĩa rằng: Iran đã chấp nhận thụt lùi khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân và để đổi lại dòng tiền nhiều hơn từ quốc tế sẽ đổ vào quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, không có bất cứ điều gì trong thỏa thuận 2015 nói rằng Iran không thể thực hiện các hành động bất chính khác như thử tên lửa, tài trợ cho các nhóm khủng bố, điển hình là Hezbollah và Hamas, hoặc đàn áp nhân quyền trong nước.

Và có những tranh cãi khác về thỏa thuận này: Những hạn chế về máy ly tâm của Iran sẽ được bãi bỏ 10 năm sau ngày ký thỏa thuận và giới hạn về làm giàu uranium cũng sẽ không còn nữa vào 5 năm tiếp theo sau khi gỡ bỏ hạn chế máy ly tâm. Những nhà phê bình thỏa thuận, trong đó có Tổng thống Trump, cho rằng những quy định này sẽ giúp Iran có thể quay trở lại con đường sở hữu hạt nhân vào giữa những năm 2020.

Những người ủng hộ thỏa thuận lý giải rằng các thanh sát viên quốc tế vẫn tiếp tục tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran ngay cả khi những điều khoản giới hạn nêu trên hết hiệu lực, điều đó có nghĩa rằng quốc tế vẫn có thể trừng phạt Iran nếu họ phát hiện nước này cố gắng sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tại sao Iran muốn có vũ khí hạt nhân?

Về mặt công khai, Iran nói rằng họ chưa bao giờ cố gắng sản xuất vũ khí hạt nhân. “Chúng tôi chưa bao giờ muốn sản xuất bom hạt nhân”, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif phát biểu như vậy hôm 22/4 trong chương trình ‘Face the Nation’ của kênh CBS.

Không ai tin những phát biểu nêu trên của ông Zarif là sự thật. Chỉ một tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công khai các bằng chứng về hàng ngàn tài liệu của Iran mà tình báo Israel thu thập được cho thấy rằng Iran đang trong lộ trình sở hữu vũ khí hạt nhân.

Có hai lý do khiến Iran muốn có vũ khí hạt nhân: Vì mục đích phòng vệ và cả với mục đích tấn công.

Về mục đích phòng vệ, Iran muốn có vũ khí hạt nhân để răn đe Mỹ và Israel. Thực tế, Mỹ và Irasel liên tục đe dọa sẽ đánh bom Iran. Quân đội Iran cũng khá mạnh mẽ, nhưng chưa thể so sánh với sức mạnh của Washington và Jerusalem.

Nhưng nếu có vũ khí hạt nhân, Iran sẽ tạo ra sức mạnh cân bằng hơn và giúp Tehran ngăn chặn bất kỳ kế hoạch tấn công tiềm năng nào của Mỹ và Israel. (Đây là lý do tương tự mà Bắc Hàn luôn đưa ra để biện minh cho việc họ mưu cầu vũ khí hạt nhân và tên lửa).

Về mục tiêu tấn công, việc có bom hạt nhân sẽ giúp Tehran chủ động hơn nữa trong việc gây hấn tại Trung Đông. Khi có vũ khí hạt nhân, Iran có thể ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Bashar al-Assad tại Syria và các nhóm khủng bố như Hezbollah ở Li Băng và  Hamas tại Palestine, hoặc tự tin đối đầu với kẻ thù Ả Rập Saudi hơn. Thực tế, Iran có thể chủ động gây hấn hơn và theo đuổi một số mục tiêu này với ít lo lắng rằng các nước khác sẽ tấn công họ nếu trong tay có vũ khí hạt nhân.

Về cơ bản, có vũ khí hạt nhân sẽ làm cho Iran mạnh hơn, như bất kỳ quốc gia nào khác đang sở hữu loại vũ khí hủy diệt này. Điều đó, một phần, là lý do tại sao các đời tổng thống Hoa Kỳ đều lo lắng về việc Iran có bom hạt nhân.

Tại sao Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân Iran?

Nói đến vấn đề Iran và vũ khí hạt nhân, cựu Tổng thống Barack Obama có hai lập trường khá rõ ràng.

Thứ nhất, trong phát biểu với Steve Inskeep của NPR ngày 7/4/2015, ba tháng trước khi Mỹ và 6 cường quốc thế giới ký thỏa thuận Iran, ông Obama nói rằng: “Mục tiêu của tôi, khi tôi bước vào nhiệm sở, là phải đảm bảo chắc chắn rằng Iran không có vũ khí hạt nhân và để từ đó [họ] kích hoạt một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại khu vực nhạy cảm nhất trên thế giới”.

Và lập trường thứ hai của ông Obama được đưa ra trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng vào 15/7/2015, một ngày sau khi thỏa thuận Iran được hoàn thành. Cựu Tổng thống của Đảng Dân chủ cho hay: “Thực sự có hai lựa chọn duy nhất ở đây: Hoặc là vấn đề Iran sở hữu vũ khí hạt nhân được giải quyết bằng ngoại giao thông qua đàm phán, hoặc nó sẽ được giải quyết bằng vũ lực, thông qua chiến tranh. Đó là hai lựa chọn”.

Tựu chung lại, ông Obama không muốn Tehran mưu cầu vũ khí hạt nhân và ông đã tuyên bố rằng cách duy nhất để ngăn chặn Iran có vũ khí hủy diệt đó là phải đạt được thỏa thuận hoặc phải ném bom Tehran.

Các chuyên gia, ủng hộ quan điểm của ông Obama, khi đó nghi ngờ về tính hiệu quả của các cuộc không kích có thể chấm dứt chương trình hạt nhân Iran và nhận định động thái đó khiến mọi việc tồi tệ hơn. Các học giả của Trung tâm Wilson sau khi xem xét các nghiên cứu quân sự về vấn đề này, đã kết luận rằng nếu quân đội Mỹ thực hiện không kích “ở mức gần như hoàn hảo”, thì kịch bản tốt nhất cũng chỉ trì hoãn Iran chưa thể sở hữu vũ khí hạt nhân trong 4 năm.

Những đánh giá của chuyên gia như vậy có lẽ giải thích cho lý do tại sao ông Obama đã nói rằng ngoại giao cho thấy là lựa chọn tốt hơn chiến tranh để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tại sao ông Trump cương quyết rút khỏi thỏa thuận Iran?

Ông Trump đã dấy lên việc phản đối thỏa thuận Iran ngay từ những ngày đầu của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Ông Trump gọi thỏa thuận này “tồi tệ nhất” và “một trong những giao dịch một chiều nhất và tồi tệ nhất mà Mỹ từng tham gia”.

Có ba lý do chính khiến ông Trump phản đối thỏa thuận Iran 2015:

Thứ nhất, ông Trump nói rằng Iran đang vi phạm “tinh thần” của thỏa thuận, chứ không nói về câu chữ của thỏa thuận, phần lớn vì Iran tiếp tục hành động chống Mỹ tại Trung Đông. Về bản chất, Iran vẫn duy trì là kẻ thù của Mỹ, và ông Obama đã không thể giải quyết điều đó bằng thỏa thuận hạt nhân 2015.

Ông Trump cho rằng Iran vẫn hậu thuẫn cho Hezbollah, Syria, và Yemen… cũng như tiếp tục thử tên lửa và trấn áp nhân quyền. Đặc biệt, thỏa thuận hạt nhân 2015 không có điều khoản nào cấm Tehran thử tên lửa.

Ngoại giới nhận định rằng sở dĩ ông Obama không đưa điều khoản về cấm thử tên lửa vào thỏa thuận Iran là vì Tổng thống Dân chủ hiểu rằng để Iran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân của họ, Mỹ sẽ phải nhượng bộ nhiều thứ khác chứ không chỉ đơn giản là dỡ bỏ một ít chế tài kinh tế.

Thứ hai, ông Trump không đồng ý với việc các hạn chế nhất định của thỏa thuận Iran như hạn chế làm giàu uranium và sử dụng máy ly tâm lại có thời hạn hết hiệu lực. Ông Trump muốn các hạn chế này phải được duy trì vô thời hạn vì vậy nó có thể khiến Iran gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện sản xuất bom hạt nhân.

Tất cả hai điều trên dẫn tới lý do thứ ba của ông Trump. Tổng thống Cộng hòa nghĩ ông có thể đàm phán một thỏa thuận tốt hơn. Trên thực tế, ông Trump đã thể hiện mong muốn cải thiện thỏa thuận Iran và không cần thiết phải rút khỏi nó. Phát biểu với báo giới hồi tháng Một, ông Trump cho hay: “Tôi đã vạch ra hai con đường tiềm năng phía trước: Hoặc là sửa lại những điều khoản tệ hại của thỏa thuận này, hoặc nước Mỹ sẽ rút lui”. Cách mà ông Trump muốn làm là: Kiềm chế Iran thử tên lửa, cho phép thanh sát nhiều hơn các cơ sở hạt nhân của Iran, và loại bỏ các điều khoản giới hạn thời gian hiệu lực của các hạn chế về làm giàu uranium và sử dụng máy ly tâm.

Chính phủ Trump đã tiến hành các cuộc đàm phán với các đối tác Châu Âu về các đề xuất thay đổi của ông Trump, nhưng các bên không đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào. Đồng thời, các lãnh đạo Châu Âu như Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Merkel và Ngoại trưởng Anh Johnson đều cố gắng đích thân thuyết phục ông Trump ở lại thỏa thuận Iran, nhưng đều bất thành.

Iran có vi phạm thỏa thuận hạt nhân 2015 không?

Việc Iran có vi phạm thỏa thuận hạt nhân 2015 hay không cũng là vấn đề gây tranh cãi.

Theo IAEA, các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hiệp Quốc xác nhận Iran tiếp tục tuân thủ mọi điều khoản của thỏa thuận hạt nhân. “Tính đến hôm nay, tôi có thể nói rằng Iran đang thực hiện các cam kết liên quan đến hạt nhân của mình”, Tổng giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano nói vào ngày 5/3.

Thực tế, hiện tại Iran khó có thể sở hữu vũ khí hạt nhân hơn thời điểm trước khi họ ký thỏa thuận năm 2015.

Tuy nhiên, trong vài năm qua, Tehran cũng đã có vi phạm nhỏ trong một số điều khoản của thỏa thuận. Ví dụ, năm 2016, Iran đã tăng gấp đôi số lượng nước nặng trong các lò phản ứng hạt nhân mà họ có. Sau khi các thanh sát viên IAEA phát hiện điều này, Iran đã nhanh chóng cho đóng cửa các lò phản ứng này.

Theo IAEA, cho tới nay Iran vẫn không thể sở hữu vũ khí hạt nhân sớm. Nói cách khác, thỏa thuận hạt nhân 2015 cho tới nay vẫn đang hoạt động trong khuôn khổ các điều khoản của nó.

Điều gì xảy ra sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran?

Điều đầu tiên và rõ ràng nhất sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là Washington sẽ tái áp đặt các chế tài kinh tế mà họ đã dỡ bỏ đối với chương trình hạt nhân Iran và có thể Tehran sẽ có các hành động trả đũa.

Tuy nhiên, điều gì thực sự xảy ra sau khi Mỹ rút lui là hoàn toàn chưa rõ ràng. Các nước khác là các bên tham gia thỏa thuận sẽ phản ứng ra sao? Iran thực sự sẽ phản ứng thế nào? Chúng ta chưa thể biết chắc chắn.

Các nước Châu Âu tham gia ký thỏa thuận 2015 đã từng nói rằng họ không có ý định rút khỏi thỏa thuận này ngay cả khi Mỹ làm điều đó. Lợi ích của các nước Châu Âu trong việc giao thương với Iran đang có hiệu quả tốt kể từ khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết. Nếu thỏa thuận này chấm dứt hoàn toàn, Châu Âu nhiều khả năng sẽ phải kết thúc các giao dịch kinh tế mới hình thành với Tehran.

Đối với Iran, Tổng thống Hassan Rouhani hôm thứ Hai (7/5) đã nói rằng thỏa thuận 2015 có thể vẫn tồn tại ngay cả khi Mỹ rút lui. “Nếu chúng tôi có thể có được những gì chúng tôi muốn từ một thỏa thuận không có Mỹ, thì Iran sẽ tiếp tục cam kết thỏa thuận. Điều Iran muốn là thỏa thuận không có Mỹ vẫn đảm bảo lợi ích cho chúng tôi. Thoát khỏi sự hiện diện ác tâm của Mỹ sẽ tốt cho Iran”, ông Rouhani nói.

Những gì Tổng thống Rouhani nói là trái ngược với tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif vào tuần trước. Ông Javad Zarif lưu ý rằng Tehran sẽ “gần như chắc chắn” rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ rút lui.

Và nếu điều đó xảy ra, Iran có thể tự đặt mình vào con đường tiếp tục hướng tới sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hệ quả của việc Iran rút lui, có thể kéo theo sự giận dữ của các đồng minh Châu Âu với Mỹ. Tổng thống Pháp Macron hôm Chủ Nhật (6/5) đã nói rằng việc Mỹ rời thỏa thuận Iran “có thể dẫn tới chiến tranh”, nhưng Tổng thống Pháp cũng nói thêm rằng ông không nghĩ ông Trump muốn xung đột.

Dù sao, cho tới thời điểm này khi ông Trump đã chính thức tuyên bố rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận Iran 2015, các nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ dấy lên câu hỏi quan trọng nhất: Vì quyết định của ông Trump, liệu chiến tranh với Iran có sắp xảy ra?

Xuân Thành

Theo Vox.com

Xem thêm: