Trái với vẻ yên tĩnh bên ngoài, cảnh tượng phía trong các phiên họp Quốc hội Đài Loan thường rất ồn ào, thậm chí là các vụ đánh lộn diễn ra khá thường xuyên. 

Với nhiều nước khác, các nghị sĩ đánh nhau trong khi họp quốc hội là có xảy ra nhưng rất hiếm gặp, nhưng Đài Loan lại rất nổi tiếng với các sự vụ như thế này.

Những cảnh tượng la ó om sòm, hay các hành động bạo lực diễn ra thường xuyên ở các phiên họp quốc hội tại Đài Loan, có thể là vài lần một năm và thậm chí có thể xảy ra vài ngày 1 lần hoặc vài tuần 1 lần.

Đánh nhau ở Quốc hội là chuyện bình thường tại Đài Loan 

BBC cho hay những hành động như đấm, kéo tóc, ném chai nhựa và bóng nước, cũng như hất nước vào mặt các nhà lập pháp đảng đối lập là cảnh tượng phổ biến trong các phiên họp quốc hội Đài Loan. Đôi khi các nghị sĩ cũng lựa chọn việc hét lớn về phía đối phương để uy hiếp.

Chưa dừng lại ở các hành vi nêu trên, các vụ ẩu đả vừa diễn ra tháng 7 này đã trở nên xấu xí hơn. Vào thứ Năm tuần trước (13/7), các nhà lập pháp thậm chí còn lấy ghế để ném nhau khi họ tranh cãi về dự luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 29 tỷ USD do đảng Dân chủ Cấp tiến (DPP) cầm quyền đề xuất. Phe đối lập mà đứng đầu là Quốc Dân Đảng (KMT) cáo buộc rằng dự luật này đem lại lợi ích cho các thành phố và địa phương trung thành với DPP và nhắm tới việc giúp cho đảng cầm quyền này chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Cuộc đánh lộn vẫn tiếp diễn vào hôm thứ Ba (18/7) tại một phiên họp của ủy ban soạn thảo. Các nghị sĩ KMT đối lập đã vật ngửa những thành viên DPP ra sàn quốc hội và tháo dây loa không cho phát biểu nhằm ngăn chặn DPP đưa dự luật ra ủy ban xem xét để chuyển tới bước thông qua luật.

Các đảng đối lập là phe thiểu số trong tổng số 113 thành viên quốc hội Đài Loan. MKT và các đảng đối lập khác coi việc gây gổ đánh nhau để trì hoãn không cho quốc hội thông qua luật là cách duy nhất mà họ có thể làm để ngăn chặn đảng cầm quyền thông qua các dự luật mà họ phản đối.

Những cuộc xung đột có thể kéo dài hàng giờ, thậm chí tới nửa đêm. Các nhà lập pháp luân phiên thay nhau ăn uống hoặc bỏ cả ăn để tập trung tranh cãi, đánh nhau.

Rất nhiều nhân viên từ chính quyền địa phương, các bộ ngành hay cơ quan chính phủ cũng phải có mặt ở các phiên họp quốc hội để xem liệu các luật có ảnh hưởng đến họ có thể được thông qua hay không, hoặc để sẵn sàng trả lời các câu hỏi trong trường hợp các bên thảo luận và tranh luận thực sự, không chỉ là đánh nhau.

Những thành viên dự khán này tìm cách đứng ngoài cuộc hỗn loạn. Một vài người bịt tai, những người khác tập trung vào chiếc điện thoại của họ và một số khác lựa chọn những hàng ghế thoải mái nhất ở phía cuối hội trường để ngủ cho qua chuyện.

Những phiên họp quốc hội bất thường như vậy đã trở thành một phần bình thường của nền dân chủ Đài Loan – một trong những nền kinh tế sôi động nhất trên thế giới.

Anh Danny, một nhà báo địa phương, người thường xuyên đến đưa tin các phiên họp quốc hội Đài Loan, nói với BBC rằng các vụ ẩu đả trong quốc hội Đài Loan không nên bị coi là một cái gì đó quá nghiêm trọng.

Các nhà lập pháp đang hành động như vậy một phần vì họ cố gắng để chỉ cho các cử tri ủng hộ họ thấy rằng họ đang nỗ lực hết sức để đấu tranh cho quyền lợi của cử tri”. Anh Danny nói với BBC.

Tuy nhiên, anh Danny và nhiều người dân Đài Loan cho rằng những vụ đánh nhau – một số được truyền đi trên toàn thế giới – đang làm xấu đi hình ảnh Đài Loan và cũng không phải bước tiến dân chủ.

Anh Danny cho rằng: “Các vụ ẩu đả chỉ cho mọi người nhìn thấy bề mặt chứ không phải vấn đề thực sự. Mọi người dân thậm chí thường không hiểu rõ về các dự luật”.

Anh Danny thừa nhận rằng nhiều nhà báo cũng không hiểu các dự luật. Ví như dự luật cơ sở hạ tầng mà các nghị sĩ đang tranh cãi dài tới 10.000 trang nên thật khó để cho mọi người có thể đọc hết nó.

Nếu các nhà lập pháp thực sự tranh luận về nội dung của dự luật thay vì đánh nhau, thì công chúng có thể hiểu được dự luật tốt hơn. Tôi đã học ngành chính trị trong trường đại học. Đây không phải là điều tôi mong đợi”. Anh Danny nhấn mạnh.

Các vụ đánh nhau nổi tiếng tại quốc hội Đài Loan

 * 23/3/2004: Một cuộc ẩu đả nổ ra giữa các thành viên của đảng cầm quyền và phe đối lập về vấn đề kiểm phiếu lại sau cuộc bầu cử tổng thống.

* 7/5/2004: Nghị sĩ Zhu Xingyu đã lôi nghị sĩ William Lai và cố gắng vật ông ta vào một cái bàn để đấm vào mặt và bụng do những bất đồng trong thủ tục lập pháp.

* 26/10/2004: “Cuộc chiến ném thức ăn” đã diễn ra giữa phe đối lập và đảng cầm quyền trong một cuộc tranh luận về một sắc lệnh liên quan đến mua bán khí tài quân sự.

* 30/5/2006: Sau khi nghị sĩ Đảng DPP Wang Shu-hui cướp lấy văn bản dự luật và cố nuốt nó để ngăn chặn việc bỏ phiếu cho phép giao thông kết nối trực tiếp với Trung Quốc đại lục, các nghị sĩ đảng cầm quyền đã cố gắng buộc bà Wang Shu-hui phải ho bằng cách kéo tóc bà. Nghị sĩ của DPP sau đó nôn giấy tờ ra nhưng bà đã xé rách nó.

*8/5/2007: Một số thành viên của đảng DPP cầm quyền và Quốc Dân Đảng (KMT) đối lập đã đánh nhau để tranh việc kiểm soát bục Chủ tọa, liên quan đến thông qua ngân sách hàng năm. Màn ẩu đả với các cú đấm, hất nước vào mặt đã khiến ít nhất một nghị sĩ phải nhập viện.

Xuân Thành (t/h)

Xem thêm: