Hôm thứ Tư (12/6), hàng chục nghìn người dân Hồng Kông đã biểu tình bao vây trụ sở Hội đồng Lập pháp nơi dự kiến tổ chức buổi thảo luận vòng hai luật dẫn độ. Trước sức ép biểu tình, chính quyền Hồng Kông đã quyết định hoãn buổi thảo luận này. Câu hỏi đặt ra là tại sao các đề xuất về dự luật dẫn độ lại kích hoạt biểu tình quy mô lớn tại Hồng Kông và thu hút sự chú ý của toàn thế giới?

Embed from Getty Images

Dự luật dẫn độ liên quan đến điều gì?

Chính quyền Hồng Kông bắt đầu đưa ra các đề xuất cho dự luật dẫn độ vào tháng Hai. Các đề xuất này sẽ đặt ra các thay đổi sâu rộng để đơn giản hóa việc dẫn độ các nghi phạm hình sự theo từng trường hợp tới các nước nằm ngoài 20 nước mà Hồng Kông đã ký các hiệp định dẫn độ.

Dự luật dẫn độ nếu được thông qua sẽ lần đầu tiên cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Đài Loan, Macau và Trung Quốc Đại lục. Giới chức Hồng Kông cho rằng động thái này sẽ chính thức đóng lại cái mà họ gọi là “kẽ hở” đã biến Hồng Kông trở thành thiên đường cho tội phạm từ Đại lục trú ẩn.

Theo dự luật, lãnh đạo Hồng Kông sẽ bắt đầu và phê duyệt cuối cùng một yêu cầu dẫn độ từ cơ quan tư pháp nước ngoài, nhưng chỉ sau khi có các phiên xét xử tại tòa án, trong đó bao gồm cả các phiên phúc thẩm tiềm năng. Tuy nhiên, dự luật lại loại bỏ quyền giám sát tiến trình dẫn độ của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.

Những người phản đối dự luật cho rằng cư dân Hồng Kông, cũng như người nước ngoài và người mang quốc tịch Trung Quốc đang sống hoặc du lịch tại trung tâm tài chính quốc tế này, tất cả đều phải chịu rủi ro bị dẫn độ nếu họ bị chính quyền Đại lục truy nã.

Các lực lượng chính trị thân Bắc Kinh chiếm đa số trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông kỳ vọng dự luật dẫn độ sẽ được thông qua vào cuối tháng Sáu.

Tại sao chính quyền Hồng Kông lại thúc đẩy dự luật vào thời điểm này?

Động thái sửa luật dẫn độ của Hồng Kông diễn ra sau khi một người đàn ông Hồng Kông 19 tuổi bị cáo buộc giết hại bạn gái 20 tuổi đang mang thai khi hai người cùng nhau du lịch tại Đài Loan vào tháng Hai năm ngoái.

Nghi phạm này sau đó đã trốn chạy về Hồng Kông và không thể bị dẫn độ sang Đài Loan vì hai bên không có hiệp định dẫn độ. Cảnh sát Hồng Kông cho biết nghi phạm nêu trên đã nhận tội khi quay về Hồng Kông, nhưng bây giờ lại chỉ bị tù về tội rửa tiền, có mức phạt nhẹ hơn. Giới chức Hồng Kông căn cứ vào vụ việc này để biện minh cho việc cần thay đổi nhanh chóng luật dẫn độ.

Giới chức Đài Loan đã phản đối mạnh mẽ dự luật dẫn độ của Hồng Kông. Đài Loan cho rằng dự luật này có thể khiến công dân Đài Loan bị bắt tại Hồng Kông và Đài Loan thề sẽ từ chối nhận lại nghi can giết người nếu dự luật dẫn độ được chính quyền Hồng Kông thông qua.

Phe đối lập phản đối dự luật mạnh mẽ thế nào?

Trong những tuần gần đây quan ngại về những sửa đổi luật dẫn độ đã bùng phát mạnh mẽ trong mọi giới tại Hồng Kông. Các thẩm phán Hồng Kông cũng đã bày tỏ cảnh báo về dự luật và các luật sư thương mại Đại lục có trụ sở tại Hồng Kông cũng đồng tình với các lo lắng của giới thẩm phán. Giới luật sư này cho biết hệ thống tư pháp Đại lục không đáng tin cậy để đáp ứng ngay cả những tiêu chuẩn tư pháp công bằng cơ bản nhất. Các nhóm luật sư Hồng Kông đã gửi các đơn kiến nghị lên chính quyền Đặc khu với hy vọng giới chức sẽ hoãn dự luật này.

Các nhà chức trách Hồng Kông nhiều lần nhấn mạnh rằng các thẩm phán sẽ đóng vai trò “người gác cổng”, người bảo vệ cho các yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên, một số thẩm phán nói rằng mối quan hệ gần gũi ngày càng tăng giữa Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông và phạm vi xét xử dẫn độ bị giới hạn sẽ khiến cho các thẩm phán chịu chỉ trích và áp lực từ Bắc Kinh.

Học sinh, sinh viên, luật sư và các nhóm nhà thờ đã gia nhập cùng các nhóm hoạt động nhân quyền để biểu tình chống lại các đề xuất sửa đổi luật dẫn độ. Đặc biệt sự phản kháng của người dân càng quyết liệt hơn khi Hội đồng Lập pháp dự định nhanh chóng thông qua dự luật này, bỏ qua một số thủ tục lập pháp nhất định để tránh tranh cãi kéo dài.

Áp lực về chính trị và ngoại giao đối với các vấn đề nhân quyền tại Hồng Kông cũng đang tăng lên. Cũng như những tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và những người đồng cấp Anh và Đức, một số đặc phái viên của Liên minh Châu Âu cũng đã gặp Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) để gửi phản đối chính thức dự luật dẫn độ.

Reuters, dẫn lời ông Chris Patten – Thống đốc người Anh cuối cùng của Hồng Kông, tuần trước đã nói rằng: “Đó là một đề xuất hoặc một bộ các đề xuất giáng một đòn khủng khiếp vào nền pháp trị, vào sự ổn định và an ninh của Hồng Kông, vào vị trí là trung tâm thương mại quốc tế của Hồng Kông.”

Một số chính trị gia đối lập nói rằng vấn đề này bây giờ đại diện cho một bước ngoặt về vị thế tự do của Hồng Kông.

Chính quyền Hồng Kông sẽ hủy dự luật dẫn độ?

Bà Carrie Lam và các quan chức thân cận của bà đã kiên quyết bảo vệ dự luật dẫn độ cả công khai lẫn riêng tư. Họ nhấn mạnh về sự cần thiết phải hành động sau vụ giết người tại Đài Loan và nhu cầu phải lấp kẽ hở tư pháp.

Chính quyền Đặc khu cũng khẳng định sẽ có những biện pháp bảo vệ rộng rãi, nghĩa là bất cứ ai có nguy cơ bị đàn áp chính trị hoặc tôn giáo hoặc đối mặt với tra tấn sẽ không bị dẫn độ. Tương tự như vậy, những người có khả năng phải đối mặt với án tử hình cũng sẽ không bị dẫn độ.

Mặc dù giới chức Hồng Kông đã tăng ngưỡng chỉ dẫn độ các phạm tội nghiêm trọng và loại trừ chín tội kinh tế cụ thể, nhưng không có gợi ý nào cho thấy họ sẽ thực sự hủy kế hoạch thông qua dự luật. Các nhà chức trách Đặc khu cũng không thông báo sẽ tổ chức thêm các cuộc tham vấn lấy ý kiến công chúng về dự luật.

Giới chức Trung Quốc Đại lục hiện nay cũng đã công khai ủng hộ chính quyền Hồng Kông đối mặt với các áp lực ngoại giao. Trung Quốc cho biết dự luật dẫn độ đã trở thành vấn đề chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, một số chính trị gia đối lập tin rằng lập trường của chính quyền Hồng Kông cuối cùng sẽ bị dao động và Bắc Kinh có thể sẽ cho phép chính quyền Hồng Kông “xuống thang” nếu người dân tiếp tục xuống đường đông đảo.

Theo Reuters,

Như Ngọc

Xem thêm: