[Theo phóng sự của nhóm phóng viên Reuters] Tại một góc xa xôi của Biển Đông, nơi nước biển màu xanh đậm nối tiếp với dải nước màu xanh ngọc bích, có một dãy dài những thuyền đánh cá đang neo đậu gần Bãi cạn Scarborough, được canh gác và kiểm soát bởi một đội tàu của lực lượng tuần duyên, thể hiện sức mạnh của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp nhiều nhất ở châu Á.

Ngư dân Philippines đánh bắt cá tại bãi cạn Scarborough, phía xa là con tàu tuần duyên cỡ lớn của Trung Quốc (ảnh: Getty)
Ngư dân Philippines đánh bắt cá tại bãi cạn Scarborough, phía xa là con tàu tuần duyên cỡ lớn của Trung Quốc (ảnh: Getty)

Chín tháng sau khi ban hội thẩm quốc tế phán quyết rằng việc phong tỏa đầm phá của Trung Quốc là bất hợp pháp, Trung Quốc vẫn kiểm soát tại nơi đánh cá quan trọng nhất [này] và đã tăng cường đội tàu của mình ở đó.

Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực, trong đó tuyên bố yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông là không có căn cứ.

Nhưng, sự hiện diện của những chiếc thuyền [đánh cá] Philippines rải rác giữa các tàu Trung Quốc cho thấy mức độ tuân thủ phán quyết. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang đàm phán hàng tỷ đô la vốn vay, đầu tư và thương mại với Trung Quốc. Chính sự thương lượng đó có thể đã giúp tàu cá Philippines tiếp tục khai thác ở ngư trường này.

Trung Quốc đã ngừng xua đuổi thuyền Philippines từ tháng 10/2016 và cho phép họ đánh bắt cá trên các bờ rìa của các mỏm đá trồi lên, cách bờ biển Philippines 200km. Hiện nay, dường như những hạn chế còn được nới lỏng hơn nữa.

Tháng trước, các nhà báo Reuters đã đến Bãi cạn Scarborough. Kể từ khi Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn này vào năm 2012, đây là lần đầu tiên các phương tiện truyền thông nước ngoài được phép tiếp cận vùng biển này. Các nhà báo đã được chứng kiến hàng chục chiếc thuyền nhỏ, qua lại như con thoi, ngày và đêm, vào đầm phá để thu lợi từ nguồn cá phong phú ở đây.

Thật tốt khi hiện nay chúng tôi được phép ở bên trong [khu vực bãi cạn này], nhờ đó tôi có thể trợ giúp nhu cầu của gia đình mình“, ngư dân Phillipines Vicente Palawan nói trong khi đang lội nước bên trong đầm phá, trên đầu đội mặt nạ lặn và tay cầm mác xiên.

Tôi không muốn người Trung Quốc ở đây, bởi vì có quá nhiều người, nó ảnh hưởng đến cách chúng tôi đánh bắt cá … nhưng tôi sẵn sàng chia sẻ, tôi không muốn bị đuổi ra ngoài. Ít nhất thì tôi có thể đánh bắt cá“. Anh Palawan  tâm sự.

Khu vực bãi cạn này là nơi các bên tranh giành để kiểm soát quyền lực khu vực, và đó chính là hộp mồi lửa chiến lược.  Cùng với Trung Quốc và Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền tại Bãi cạn Scarborough.

Cho dù đã có nhượng bộ, nhưng Trung Quốc vẫn đảm bảo sự hiện diện của mình ở đây ngày càng gia tăng, với số lượng tàu tuần duyên và tàu đánh cá lớn hơn so với số lượng được chỉ ra trong hình ảnh vệ tinh cuối năm ngoái.

Điều đó khiến Manila thêm quan ngại rằng Bãi cạn Scarborough, vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, có thể bị Bắc Kinh đặt tham vọng  tương tự như các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng và củng cố trên quần đảo Trường Sa.

CHUNG SỐNG  HOÀ BÌNH

Hiện tại, người Philippine và người Trung Quốc đang cùng sinh tồn hòa bình với nhau tại vùng biển tranh chấp này. Họ đã neo đậu thuyền bên cạnh nhau, ở khoảng cách không quá 100 mét từ bãi đá tam giác dài 46 km, nơi rất hiếm khi nhô lên khỏi mặt nước.

[Những ngư dân] Trung Quốc, đội mũ rơm, đang di chuyển dích dắc từ chiếc thuyền này sang chiếc thuyền khác, múa máy chân tay để trao đổi thuốc lá, rượu và cá với ngư dân Philippines không nói cùng ngôn ngữ.

Những con thuyền nhỏ lao nhanh khi đi vào và ra khỏi đầm phá, xuyên qua một dãy đệm san hô, nơi đã cung cấp cho các ngư dân những mẻ cá dồi dào và nơi trú ẩn [an toàn] trước các cơn bão trong hàng thế kỷ.

Trên những chiếc thuyền ồn ào, chật ních người, ngư dân Philippines có số lượng chỉ bằng 1/10 số người Trung Quốc, phàn nàn về sự cạnh tranh từ đội tàu lớn, vỏ sắt của Trung Quốc.

Trước đây chúng tôi chỉ đánh bắt cá vài ngày, còn bây giờ là vài tuần, nhưng ít nhất chúng tôi có cái gì đó”,  ông Ramil Rosal, thuyền trưởng và là ngư dân [Philippines] [đi biển] đã 20 năm cho biết.

Trung Quốc đang đánh bắt cá nhiều hơn, và người Philippines phải chia sẻ với họ, nhưng họ không cản đường chúng tôi. Một số người còn giúp đỡ [chúng tôi].”  Ông Rosal nói thêm.

Sáu chiếc tàu thuộc Hải giám Trung Quốc thực thi các luật lệ của mình tại khu vực mà toà án trọng tài ở La Haye (The Hague) đã tuyên bố là địa điểm đánh bắt cá truyền thống cho tất cả các nước. Phán quyết La Haye đã không đề cập đến chủ quyền của bãi cạn [Scarborough].

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines,  Enrique Manalo,  đã nói rằng việc ngư dân được tiếp cận ngư trường này là “chắc chắn phù hợp với phán quyết của tòa trọng tài”.

GIÁM SÁT NGHIÊM NGẶT

Các ngư dân [Philippines] nói với Reuters  rằng lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã cấm các tàu lớn hơn vào đầm phá, nhưng đã cho phép các thuyền nhỏ 2 người vào đánh cá một cách tự do ở đó.

“Quy định đó áp dụng cho cả người Trung Quốc và người Philippines”, ông Rosal cho biết.

Những chiếc tàu tuần duyên Trung Quốc to lớn đôi khi gửi chiếc xuồng cao tốc nhỏ để áp sát khi thấy những chiếc thuyền xa lạ đến vực này.

Ba tàu tuần duyên này là những chiếc có khả năng nạo vét mà Manila đã nói vào năm ngoái.  Một chiếc tàu dường như ở hẳn trong bãi cạn, nhưng không rõ nó đang làm gì.

Khi [thuyền] của [nhóm phóng viên] Reuters vượt lên sát mạn thuyền Trung Quốc, họ đã thấy rõ sự cộng tác giữa lực lượng tuần duyên với ngư dân Trung Quốc.

Một thuyền viên Trung Quốc lao đi lấy bộ đàm càm tay, và chụp ảnh các nhà báo [Reuters]. Vài phút sau, một chiếc tàu tuần duyên Trung Quốc đổi hướng di chuyển với tốc độ cao về phía tàu của phóng viên, nhưng đã quay trở lại sau một cuộc truy đuổi ngắn.

Bộ ngoại giao Trung Quốc không trả lời ngay lập tức các câu hỏi của Reuters về Bãi cạn Scarborough. Những nhận xét gần đây nhất của họ là mập mờ, chỉ nói rằng tình hình tại bãi cạn là không thay đổi.

Những ngư dân Philippines cho biết người Việt Nam cũng đang đánh bắt cá tại Bãi cạn Scarborough, một dấu hiệu cho thấy Hà Nội có thể đang thử nghiệm trật tự mới này. .

Tuy nhiên, trong chuyến điều tra, phóng viên Reuters đã không nhìn thấy chiếc thuyền Việt Nam nào, và hai tổ chức đánh cá của Việt Nam đã nói rằng họ không biết bất cứ ai đã đi đến bãi cạn này. Reuters cũng cho hay chính phủ Việt Nam không trả lời khi được hỏi.

Mặc dù tình hình tại Bãi cạn Scarborough đã được cải thiện, nhưng những căng thẳng vẫn còn cao.

Các báo cáo hồi tháng trước chỉ ra rằng Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một trạm quan trắc môi trường tại Scarborough. Việc này khiến Philippines quan ngại.  Tổng thống Philippines Duterte nói ông không thể ngăn chặn Trung Quốc, nhưng ông đã được đảm bảo là sẽ không có hoạt động xây dựng nào, “vì sự tôn trọng tình bạn của chúng tôi”.

Cuối tháng trước, ông Duterte đã ra lệnh nâng cấp các cơ sở trên 9 dải đá ngầm và đảo mà Philippines chiếm đóng ở Biển Đông, gây hoang mang cho cả Trung Quốc và Việt Nam.

Hiện tại, ngư dân Philippines đang cố gắng tận dụng tình hình bớt căng thẳng để hoạt động.  Một số người ở lại vùng biển này trong nhiều tháng.

Với nước da đen sạm và quần áo rách nát, những người đàn ông Philippines chen lấn chỗ trên những chiếc thuyền tre mái trèo bị quá tải, chuyển những chiếc giỏ cá sang một con tàu để đưa cá về Philippines.

Thuyền trưởng Renato Etac, 37 tuổi, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác khi cân đo cá và tỉ mỉ ghi lại chi tiết mỗi lần giao hàng.  Ông Etac cho biết mặc dù trữ lượng cá đang giảm, nhưng Bãi cạn Scarborough vẫn là một “ngày hội” cho người Philippines.

Ông Etac thậm chí còn có một cái nhìn tích cực về lực lượng tuần duyên của Trung Quốc.

Nếu họ không ở đây, Bãi cạn Scarborough trở thành nơi mở cửa cho tất cả mọi người, kể cả những kẻ đánh bắt bất hợp pháp“, ông Etac nói.  “Họ bằng cách nào đó hoạt động như một nhân tố ngăn chặn“.

(Báo cáo bổ sung bởi Peter Blaza tại Bãi cạn Scarborough, Mai Nguyên ở Hà Nội, và Michael Martina ở Bắc Kinh; Hiệu đính bởi Lincoln Feast).

Duy Minh Dịch

Xem thêm: