Lãnh đạo mới của hội đồng quân sự Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan Abdelrahman hôm thứ Bảy (13/4) đã nói rằng chính quyền dân sự sẽ được thành lập sau khi tham vấn phe đối lập. Ông al-Burhan cũng hứa rằng thời gian chuyển tiếp sẽ kéo dài tối đa 2 năm, Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

Hôm 13/4/2019, người biểu tình Sudan tập hợp trước trụ sở quân đội yêu cầu thành lập chính quyền chuyển tiếp dân sự. (Ảnh: Stringer/Anadolu Agency/Getty Images)

Phát biểu trên truyền hình hôm 13/4, Trung tướng al-Burhan đã hủy lệnh giới nghiêm ban đêm và ra lệnh thả tất cả tù nhân bị giam giữ theo luật khẩn cấp quốc gia do ông Bashir ban hành trước khi từ nhiệm.

Vào thứ Sáu (12/4), trước áp lực của người biểu tình, Bộ trưởng Quốc phòng Awad Ibn Auf kiêm Phó Tổng thống dưới thời ông Bashir đã phải từ chức lãnh đạo hội đồng quân sự chuyển tiếp sau chỉ một ngày tại vị.

Trung tướng al-Burhan được bổ nhiệm thay ông Ibn Auf là vị tướng lĩnh có quyền lực thứ ba tại lực lượng vũ trang Sudan và ít khi xuất hiện trước công chúng. Là lãnh đạo của lực lượng bộ binh Sudan, Tướng al-Burhan chịu trách nhiệm giám sát binh lính Sudan chiến đấu trong cuộc chiến tranh Yemen dưới sự dẫn dắt của Ả Rập Saudi và ông có mối quan hệ gần gũi với nhiều quan chức quân đội cao cấp tại Vùng Vịnh.

Ngay khi nhậm chức, Tướng al-Burhan đã tổ chức một cuộc họp giữa hội đồng quân sự chuyển tiếp và liên minh các nhóm đối lập, trong đó có các nhà tổ chức biểu tình. Trong cuộc họp này, những người biểu tình đã yêu cầu phải có các nhân vật dân sự tham gia vào hội đồng quân sự, Reuters dẫn thông tin từ các nhà hoạt động đối lập.

Những người biểu tình sẽ chuyển danh sách người của họ tham gia hội đồng quân sự vào Chủ Nhật (14/4).

Các nhà hoạt động tiết lộ thêm với Reuters rằng hội đồng quân sự cũng đã hứa sẽ “xóa bỏ tất cả các luật hạn chế tự do.”

Tuy nhiên, nhóm tổ chức biểu tình chính – Hiệp hội Chuyên nghiệp Sudan (SPA) – đã phát đi tuyên bố nói rằng những phản ứng của hội đồng quân sự là chưa thỏa đáng và kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình.

SPA cho biết trong số những đòi hỏi quan trọng của họ có việc tái cấu trúc cơ quan Tình báo và Mật vụ quốc gia (NISS), giải tán lực lượng dân quân hoạt động dưới thời ông Bashir và bắt giam tất cả “các lãnh đạo tham nhũng” liên quan tới cái mà họ gọi là tội ác chống lại công dân.

“Có những yêu cầu rõ ràng và nếu chúng không được đáp ứng, thì không có lối thoát nào ngoài việc công khai tất cả sự từ chối của hội đồng quân sự,” tuyên bố của SPA nói. SPA cũng thúc giục người dân Sudan tiếp tục biểu tình ngồi bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng.

Theo ghi nhận của Reuters, hàng nghìn người dân vẫn tiếp tục ngồi bên ngoài khu phức hợp Bộ Quốc phòng tại trung tâm thủ đô Khartoum.

Như Ngọc