Dù đã được dự đoán từ lâu, cái chết của Nhà vua Bhumibol Adulyadej vẫn gây ra cú sốc nặng đối với đất nước Thái Lan. Khi tin được loan báo, những đoàn người rất đông đã tụ tập tại các thị trấn và thành phố để than khóc và tỏ lòng thành kính trước bậc quân vương đã trị vì đất nước trong bảy thập niên.

thailand-mourns-bhumibol-adulyadej

Thị trường chứng khoán Thái Lan chao đảo và đất nước này rơi vào một giai đoạn bất định. Phần lớn người Thái chưa từng biết đến một vị vua nào khác, và Vua Bhumibol đã truyền cảm hứng về sự cống hiến lớn lao trong thời kỳ nước này trải qua những biến động kinh tế và chính trị rộng khắp. Trong triều đại của ông, Thái Lan đã chuyển đổi từ một nước nghèo thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

Vua Bhumibol là nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất tại Thái Lan mặc dù theo hiến pháp, ông chỉ là vị vua dưới chế độ quân chủ lập hiến giống như Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của nước Anh. Chế độ quân chủ chuyên chế chính thức chấm dứt năm 1932, và khi ông chính thức lên ngôi năm 1950, những gì còn lại của chế độ này bị đe dọa xóa bỏ. Nhưng Vua Bhumibol đã làm việc không mệt mỏi để vãn hồi ảnh hưởng của triều đình.

Dưới thời ông trị vì, những người bảo hoàng, với đồng minh là phe quân đội, đã gây dựng lại hình ảnh của chế độ quân chủ. Nhà vua đại diện cho sự ổn định trong một thời kỳ có rất nhiều cuộc đảo chính và chiến tranh tại Đông Dương, cũng như chịu áp lực từ Hoa Kỳ và các cường quốc khác. Ông xây dựng được ảnh hưởng kinh tế rất lớn, với Văn phòng Quản lý Tài sản Hoàng gia – theo báo cáo có tài sản trị giá 30 tỷ USD – kiểm soát những bất động sản và tài sản có giá trị nhất Thái Lan. Và ông cũng gây dựng được uy tín là người ủng hộ và bảo vệ những người nghèo.

Do thiếu những thể chế quản trị đủ mạnh, Vua Bhumibol thường được cầu khẩn đứng ra giải quyết các tranh chấp chính trị nội bộ, nổi bật nhất là năm 1992 khi mà quân đội bắn súng vào hàng vạn người biểu tình tụ tập tại Bangkok. Nhà Vua đã triệu tập những người đứng đầu phe quân đội và phe biểu tình đến cung điện của mình ở trung tâm thành phố, và trên truyền hình trực tiếp, cả hai người này phủ phục trước Nhà Vua khi ông yêu cầu họ chấm dứt cuộc đổ máu. Phe quân sự rút lui, một chính quyền dân sự được dựng lên và đến những năm 2000, Thái Lan dường như đang xây dựng được một nền dân chủ đích thực và ổn định. Nhà Vua được coi là một lực lượng thúc đẩy dân chủ hóa.

Nhưng khi mà tầng lớp lao động Thái Lan, những người đã có thể chịu đựng sự cầm quyền của phe quân đội và kỹ trị trong hàng thập niên, đi theo con đường chính trị dân chủ mới của vương quốc, họ lại bầu cho các đảng dân túy, làm suy yếu quyền lực chính trị của giới tinh hoa chính trị, quân sự và hoàng gia. Ngay sau đó, phe tinh hoa phản công và nền chính trị của đất nước rơi vào một vòng xoáy của các cuộc đảo chính do hoàng gia hậu thuẫn, các chính phủ dân cử, và các cuộc biểu tình đường phố. Dù áp dụng những hình phạt nghiêm khắc cho tội “khi quân”, Nhà Vua vẫn phải hứng chịu ngày càng nhiều lời phê phán trên các phương tiện truyền thông xã hội và đôi khi cả những chỉ trích công khai, sau khi ông chấp thuận cuộc đảo chính năm 2006.