Theo cuộc khảo sát do Công ty tư vấn truyền thông Kekst CNC công bố hôm thứ Bảy (25/7), các chính phủ khắp thế giới, đặc biệt là 6 quốc gia giàu có, đang nhanh chóng mất đi sự ủng hộ của người dân về cách họ xử lý đại dịch virus corona khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao. 

Embed from Getty Images

Người dân tại Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Thụy Điển và Mỹ hầu hết tin rằng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 thực tế là cao hơn con số được báo cáo, theo một cuộc khảo sát do Công ty tư vấn truyền thông Kekst CNC tiến hành với khoảng 1.000 người trong mỗi quốc gia.

Công ty tư vấn truyền thông Kekst CNC cho biết: “Tháng này tại hầu hết các quốc gia, sự ủng hộ dành cho chính phủ đang giảm”.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bị nhiễm virus corona hôm 7/7 là lãnh đạo chính phủ bị chỉ trích nặng nề nhất về cách ông xử lý đại dịch COVID-19 tại quốc gia lớn và đông dân nhất Nam Mỹ.

Ông Bolsonaro đã từng hạ thấp mức độ nguy hiểm của virus corona khi gọi đó chỉ là “bệnh cúm nhẹ”. Hôm 25/7 ông Bolsonaro loan báo trên Twitter rằng ông đã xét nghiệm âm tính với virus corona sau hai tuần nhiễm bệnh.

Trong một bức ảnh đăng kèm với tuyên bố nêu trên cho thấy ông Bolsonaro đang cầm trong tay gói thuốc hydroxychloroquine. Hiệu quả chữa COVID-19 của loại thuốc này chưa được kiểm chứng trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil hôm 25/7 đã loan báo họ sẽ hủy vô thời hạn Lễ hội Hóa trang 2021. Vài giờ sau đó, thành phố Rio de Janeiro cũng tuyên bố hủy các lễ hội chào mừng Năm mới.

Hàng nghìn người dân Israel hôm 25/7 đã xuống đường phố Jerusalem và các thành phố khác, gồm cả Tel Aviv để yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải từ chức do ông đã đang xử lý không hiệu quả đại dịch virus corona.

Người biểu tình cũng phản đối một luật mới trao cho chính phủ của ông Netanyahu nhiều quyền lực đặc biệt để đấu tranh với sự lây lan của virus corona cho đến hết năm 2021.

Ca nhiễm mới tăng cao trên toàn cầu

Hàn Quốc hôm 25/7 báo cáo số ca nhiễm mới cao nhất trong gần 4 tháng qua. Cùng ngày, Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày không có ca nhiễm mới tại địa phương. Sáng 26/7, Việt Nam xác nhận thêm ca nhiễm trong cộng thứ hai. Cả hai ca nhiễm trong cộng động đều ở thành phố du lịch Đà Nẵng và giới chức đã loan báo thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố này từ 13 giờ chiều ngày 26/7.

Các quan chức Trung Quốc cho biết họ sẽ triển khai các biện pháp mới và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng tại thành phố cảng Đại Liên với dân số khoảng 6 triệu người sau khi phát hiện các ca nhiễm COVID-19 mới tại đây.

Victoria, bang đông dân thứ hai tại Úc đã ghi nhận 459 ca nhiễm COVID-19 mới, lãnh đạo bang này loan báo hôm 26/7.

Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews trong cuộc họp báo nhanh hôm 26/7 đã nói rằng bang này ghi nhận 10 ca tử vong do virus corona trong 24 giờ qua – đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất tại Úc từ đầu dịch đến nay.

Các quan chức thành phố Tokyo, Nhật Bản hôm 26/7 xác nhận khu đô thị này có thêm 239 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp, Tokyo có hơn 200 ca COVID-19 mới mỗi ngày.

Trong ngày 26/7, Indonesia báo cáo có thêm 1.492 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 98.778 ca, Reuters dẫn số liệu từ trang web của Bộ Y tế Indonesia.

Số ca tử vong do virus corona tại Indonesia cũng tăng thêm 67 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong của nước này lên 4.781 ca.

Châu Âu vẫn là lục địa bị virus corona càn quét nặng nề nhất. Số ca nhiễm COVID-19 tại lục địa này chiếm 1/5 tổng số ca nhiễm trên toàn cầu.

Bỉ hôm 25/7 cho biết nước này có thể thắt chặt hơn các hạn chế sau cái chết của một bé gái 3 tuổi – nạn nhân trẻ nhất tại Bỉ tư vong do nhiễm virus corona.

Tây Ban Nha cũng đã phải thắt chặt kiểm soát cuộc sống hàng ngày hơn sau khi các khu vực Aragon và Catalonia gia tăng ca nhiễm mới trong thời gian gần đây.

Tại Pháp, số ca nhiễm mới cũng đang tăng lên và Thủ tướng Jean Castex loan báo rằng nước này sẽ tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại chỗ với du khách đến từ 16 quốc gia có rủi ro cao.

Trong khi đó, Anh Quốc đã ra lệnh người dân phải đeo khẩu trang bắt buộc tại các trung tâm mua sắm, ngân hàng, các cửa hàng bán đồ mang đi, cửa hàng đồ ăn nhanh và các siêu thị.

Anh Quốc hôm 25/7 cũng đã loan báo họ sẽ tái áp đặt yêu cầu các du khách tới từ Tây Ban Nha phải tự cách ly trong vòng 2 tuần.

Tại Đức, theo số liệu của Viện Robert Koch công bố ngày 26/7, nước này có thêm 305 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại Đức lên 205.269 ca. Số ca tử vong tại nước này vẫn duy trì ở con số  9.118 ca.

Nga hôm 26/7 báo cáo có thêm 5.765 ca COVID-19 mới và thêm 77 ca tử vong mới. Trước đó một ngày số ca tử vong mới do virus corona tại Nga lên tới 146 ca.

Trung tâm ứng phó khủng hoảng virus corona của Nga cho biết tổng số ca nhiễm COVID-19 của nước này hiện là 812.485 ca và số ca tử vong là 13.269 ca.

Tại Trung Mỹ, Costa Rica đang ghi nhận số ca COVID-19 tăng nhanh kể từ đầu tháng Bảy. Bộ Y tế nước này cho biết 72% tổng số ca COVID-19 tại đảo quốc Trung Mỹ này được ghi nhận từ đầu tháng này.

Bộ Y tế Costa Rica xác nhận nước này có thêm 931 ca nhiễm mới và 11 ca tử vong mới trong ngày 25/7.

Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona. Hôm thứ Sáu (24/7), nước này báo cáo ngày thứ hai liên tiếp có thêm hơn 70.000 ca nhiễm mới và hơn 1.000 ca tử vong. Số ca nhiễm mới tại Mỹ hiện đang gia tăng ở miền nam và miền tây.

Theo tính toán của AFP dựa trên các nguồn tin chính thức, toàn cầu đã tăng thêm hơn 280.000 ca COVID-19 trong hai ngày liên tiếp 23/7 và 24/7 – một sự gia tăng đáng báo động về sự lây lan của virus corona.

Gần 1/3 của 15,8 triệu ca nhiễm COVID-19 toàn cầu là được ghi nhận từ ngày 1/7, trong khi tổng số ca tử vong do loại virus chết người này đã lên tổng cộng gần 640.000 ca.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng trong mỗi tuần trong 5 tuần liên tiếp gần đây, thế giới lại tăng thêm hơn 1 triệu ca COVID-19 mới,  và “chỉ trong ngày 24/7, hơn 280.000 ca nhiễm mới được ghi nhận”.

Trong tuyên bố phát đi hôm 24/7, WHO cho biết: “Mặc dù không nước nào là không bị ảnh hưởng, nhưng sự gia tăng này bắt nguồn từ sự lây nhiễm cao trong các nước có diện tích rộng và đông dân tại châu Mỹ và Nam Á”.

WHO cũng nói thêm rằng Brazil và Ấn Độ gần đây đã báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất, trong khi đó, sự lo lắng cao vẫn hướng tới Mỹ và Nam Phi. Bộ trưởng Thương mại Nam Phi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona hôm 25/7.

Đức Thiện (T/h)