Reuters hôm 20/10 đưa tin, Slovakia dọa sẽ ngừng quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau vụ báo chí Đức tố cáo đặc vụ Việt Nam đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và đưa về Việt Nam bằng phi cơ công vụ của Slovakia.

miroslav lajcak
Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak (Ảnh: Youtube)

Vụ bắt cóc bị cáo buộc xảy ra trong thời gian Bộ trưởng Công An Việt Nam Tô Lâm thăm Slovakia hồi tháng 7/2017.

Tháng trước (9/2018), Ngoại trưởng Slovakia đã gặp người đồng cấp Việt Nam bên lề hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm tìm kiếm một lời giải thích, nhưng phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra câu trả lời nào, theo Bộ Ngoại giao Slovakia.

“Chúng tôi chưa nhận được lời hồi đáp từ Việt Nam”, Bộ này nói trong một thông báo. Bộ trưởng Miroslav Lajcak nhấn mạnh trừ khi Hà Nội cung cấp một lời giải thích thỏa đáng về việc làm thế nào một công dân bị bắt cóc về được Việt Nam thì quan hệ song phương hai bên có thể bị đóng băng.

“Slovakia là một nhà nước nghiêm túc và sẽ có hậu quả ngoại giao nghiêm khắc nếu những nghi ngờ mà Việt Nam đang đối mặt được chứng minh là đúng”, ông Lajcak nói.

Cũng trong ngày 20/10, Đảng Tự Do và Đoàn kết Slovakia kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao Miroslav Lajcak trục xuất đại sứ của Việt Nam.

Đức cáo buộc đặc vụ Việt Nam vào tháng 7 năm ngoái đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức Đảng Cộng Sản Việt Nam, người từng giữ chức vụ cao trong công ty dầu khí nhà nước khi đó đang xin tị nạn tại Berlin, về nước. Việt Nam bác bỏ và phát lên truyền hình quốc gia video ông Thanh nói ông “tự nguyện về nước nhận tội”.

trinh xuan thanh 13
Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình Việt Nam, khai nhận đã “tự nguyện về nước” hồi tháng 8/2017

Vụ việc đã khiến quan hệ Đức-Việt xấu đi đáng kể. Hồi tháng 7, một tòa án Đức tuyên án 3 năm 10 tháng tù giam một người đàn ông Việt Nam, người đã nhận tội giúp chính phủ Việt Nam bắt cóc ông Thanh. Ông Thanh đã bị tòa án Việt Nam tuyên 2 án tù chung thân hồi đầu năm nay.

Ban đầu Slovakia im lặng khi một tờ báo Đức đưa tin nói rằng ông Thanh đã bị đưa qua thủ đô Slovakia và bí mật nhập vào phái đoàn ông Tô Lâm, và sau đó đã lên máy bay của chính phủ Slovakia tới Nga. Bộ Trưởng Nội vụ Slovakia lúc bấy giờ là ông Robert Kalinak đã bác bỏ tường thuật này của các báo Đức và gọi đây là “chuyện viễn tưởng”.

Tuy nhiên, vụ việc sau đó đã gây ra một cơn chấn động trong chính trường Slovakia. Tổng thống Slovakia Andrej Kiska, người không thuộc đảng phái nào, đã đòi bãi nhiệm bà Bộ trưởng Nội Vụ đương nhiệm Denisa Sakova, người kế nhiệm ông Kalinak và Thủ tướng Peter Pellegrini đã yêu cầu cảnh sát tới Đức để phối hợp điều tra.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: