Thủ tướng Úc Scott Morrison trong cuộc họp Quốc hội hôm thứ Năm (4/7) đã chính thức thông báo sinh viên người Úc bị bắt giữ tại Bắc Hàn đã được thả tự do và đã rời đất nước này an toàn.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Úc Scott Morrison trong cuộc họp Quốc hội Úc hôm 4/7/2019 đã thông báo về việc sinh viên Alek Sigley bị bắt tại Bắc Hàn đã được thả tự do. (Ảnh: Tracey Nearmy/Getty Images)

Theo Reuters, Alex Sigley, 29 tuổi, người Úc đang học tập tại thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Hàn và được cho là mất tích từ ngày 25/6. Báo động về sự biến mất bất ngờ của Sigley được đấy lên khi tài khoản mạng xã hội vốn hoạt động bình thường của anh này đột ngột dừng tất cả liên lạc.

Trong buổi họp Quốc hội Úc hôm 4/7, Thủ tướng Morrison đã chen ngang nghị trình làm việc để thông tin xác nhận Sigley đã được thả tự do. Trong một tuyên bố sau đó, ông Morrison nói rằng các nhà chức trách Thụy Điển đã giúp đảm bảo việc thả tự do cho sinh viên Sigley.

“Kết quả này thể hiện giá trị của công việc bí mật, sau hậu trường của các quan chức liên quan tới các trường hợp lãnh sự phức tạp và nhạy cảm, trong mối quan hệ đối tác gần gũi với các chính phủ khác,” ông Morrsion nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Úc không nói rõ tại sao Sigley lại bị bắt giữ tại Bình Nhưỡng.

Úc không đặt cơ quan ngoại giao tại Bắc Hàn và phải phụ thuộc vào những nước khác như Thụy Điển để thay mặt mình làm việc với chế độ Bình Nhưỡng.

Trao đổi với báo giới, cha của Sigley, một giáo sư nghiên cứu Châu Á, sống tại thành phố Perth, miền tây Úc cho biết con trai ông sẽ sớm đoàn tụ với vợ của cậu ấy ở Nhật Bản.

“Chúc tôi vô cùng hài lòng khi biết Alek an toàn và ổn ở Bắc Kinh”, ông Gary Sigley nói và cho biết thêm rằng con trai ông đang có “tinh thần tốt” và đang nhận được sự chăm sóc của Đại sứ quán Úc tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Một nguồn tin từ chính phủ Úc xác nhận với Reuters rằng Sigley sẽ sớm bay từ Bắc Kinh tới Tokyo. Sigley lấy vợ là một phụ nữ người Nhật Bản, cô Yuka Morinaga.

Theo trang Twitter cá nhân của Sigley, sinh viên người Úc này đang học cao học về văn học Triều Tiên hiện đại tại Trường Đại học Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Hàn. Sigley là một trong số ít sinh viên phương Tây học tập tại đây.

Trước nay, việc Bắc Hàn đối xử với người nước ngoài, thường với người Mỹ, là vấn đề rất gây tranh cãi. Một số người nước ngoài bị Bắc Hàn cáo buộc tội gián điệp và bị bỏ tù nhiều năm.

Trường hợp nổi tiếng nhất là sinh viên người Mỹ Otto Warmbier bị Bắc Hàn giam giữ hơn một năm rưỡi, cuối cùng đã chết khi được thả về Mỹ khoảng một tuần hồi mùa hè năm 2017.

Nhiều người tin rằng, tổn thương não mà Otto gặp phải là do anh đã phải ở một trong những trại tù khủng khiếp của chế độ nhà họ Kim, nơi hàng nghìn công dân Bắc Hàn được cho là đã chết.

Các bác sĩ của Otto tại Cincinnati nói rằng cậu sinh viên này đã bị “mất nhiều mô não ở khắp các vùng não của mình”, hệ quả từ tình trạng thiếu oxy lên não trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận tại sao Otto lại bị thiếu oxy và máu lên não.

Otto chỉ là một nạn nhân trong vô số những tù nhân đang hàng ngày chịu áp bức tại Bắc Hàn. Chế độ độc tài chuyên chế gia đình trị này được cho là đang giam giữ khoảng hơn 120.000 tù nhân chính trị trong các trại lao động tàn bạo.

Cái chết của Otto Warmbier đã khiến cho gia đình anh và cả nước Mỹ rúng động. Nguyên nhân về sự ra đi tức tưởi của Otto có thể sẽ mãi là ẩn đố, nhưng rõ ràng trách nhiệm của chế độ Bắc Hàn là không thể chối bỏ.

Như Ngọc