Quốc hội Singapore hôm thứ Tư (8/5) đã chuẩn thuận luật chống tin giả. Các nhóm nhân quyền, nhà báo và các công ty công nghệ dấy lên quan ngại rằng luật tin giả này có thể bị lạm dụng để kiểm soát tự do ngôn luận.

Fake-News
Ảnh minh họa Fake News qua ShutterStock

Với 72 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 3 phiếu trắng, Luật Ngăn chặn Tin giả và Thao túng Trực tuyến đã được Quốc hội Singapore thông qua hôm 8/5. Tất cả 9 phiếu chống đến từ các nhà lập pháp đối lập và 3 phiếu trắng là các thành viên quốc hội không thuộc về đảng phái nào.

Theo Reuters, luật chống tin giả của Singapore sẽ yêu cầu các nền tảng truyền thông trực tuyến phải thực hiện chỉnh sửa hoặc dỡ bỏ những nội dung mà chính phủ Singapore coi là tin giả. Những cá nhân vi phạm luật này có thể chịu hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù giam và phạt tiền tới 1 triệu đô Singapore (khoảng 735.000 USD).

Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có Google và Facebook đã nói rằng họ thấy luật này trao cho chính phủ Singapore quá nhiều quyền lực trong việc quyết định những gì đủ điều kiện là đúng hay sai.

Google cho biết luật chống tin giả có thể gây tổn hại tới nỗ lực của Singapore để trở thành trung tâm đổi mới công nghệ trong khu vực.

Trả lời yêu cầu bình luận của Reuters, đại diện của Google cho hay: “Chúng tôi vẫn lo ngại rằng luật này sẽ ảnh hưởng đến sự đổi mới và phát triển của hệ sinh thái thông tin số [của Singapore].”

Tuy nhiên, Google cũng khẳng định họ cam kết hợp tác với các nhà hoạch định chính sách Singapore về tiến trình thực thi luật chống tin giả.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Facebook, ông Simon Milner nói: “Chúng tôi vẫn quan ngại về nhiều khía cạch của luật mới, trong đó trao quyền rộng lớn cho nhánh hành pháp Singapore buộc chúng tôi xóa nội dung mà họ cho là sai và đẩy thông báo của chính phủ tới người dùng.”

Trước đó, Bộ trưởng Pháp luật Singapore K. Shanmugam trong phát biểu trước quốc hội hôm 8/5 đã nói rằng không nên quá lo lắng về luật chống tin giả.

“Tự do ngôn luận sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật này. Ở đây chúng ta đang nói về thông tin sai. Chúng ta đang nói về  bot, về troll… về những tài khoản giả mạo và những thứ tương tự như thế,” Bộ trưởng Shanmugam nói.

Ông Shanmugam nhấn mạnh: “Hoạt động của một xã hội dân chủ phụ thuộc vào các thành viên trong xã hội đó được thông tin và không bị thông tin sai.”

Ủy ban Quốc tế của Các chuyên gia lập pháp (ICJ), một tổ chức gồm các thẩm phán cấp cao, các luật sư và các học giả luật, vận động duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền trên khắp thế giới đã nói rằng luật chống tin giả của Singapore có thể bị lạm dụng.

Trong thư điện tử gửi Reuters, giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của ICJ Frederick Rawski cho hay: “Hình phạt nghiêm khắc theo luật này, cùng phạm vi tư pháp rộng lớn của nó và thiếu vắng những bảo vệ cho các phát ngôn, đặt ra những rủi ro thực sự rằng luật sẽ bị lạm dụng để kiểm soát tự do trao đổi và bày tỏ ý kiến và thông tin.”

Các nhà hoạt động nhân quyền cũng bày tỏ quan ngại rằng luật mới của Singapore có thể trao quyền cho chính phủ này được quyết định xem tài liệu được đăng trực tuyến nào là đúng, là sai.

Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Quan sát Nhân quyền Phil Robertson nói rằng: “Các lãnh đạo Singapore đã xây dựng một bộ luật sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới tự do internet trên khắp Đông Nam Á.”

“Luật này có thể sẽ bắt đầu một loạt các cuộc chiến thông tin mới khi mà các bên cố gắng áp đạt phiên bản hẹp của họ về ‘sự thật’ trên thế giới rộng lớn hơn,” ông Phil Robertson cảnh báo.

Chính phủ Singapore biện hộ cho việc đưa ra luật chống tin giả bằng lập luận rằng quốc gia này dễ bị tổn thương bởi các tin giả vì đây là trung tâm tài chính toàn cầu, là đất nước đa sắc tộc, tôn giáo và tiếp cận internet phổ biến.

Theo Chỉ số Tự do Báo chí do tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố, Singapore chỉ xếp hạng 151 trên 180 nước có trong danh sách, thấp hơn cả Nga và Myanmar.

Như Ngọc