Năm đảng chính trị tại Séc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số tại Trung Quốc trong phiên họp Toàn thể Quốc hội của Cộng hòa Séc. Các đảng này cũng muốn quốc hội thảo luận về kết luận của Tòa án Nhân dân tại London, xác nhận việc chế độ Trung Quốc giết hại tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng.

Ngày 28/11 vừa qua, năm đảng chính trị tại Séc đã đệ trình một nghị quyết lên án sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Trung Quốc, hướng sự chú ý đến việc đàn áp tín ngưỡng và thu hoạch tạng kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Giới nghị sĩ Séc lên tiếng về việc đàn áp tín ngưỡng và thu hoạch tạng tại TQ
Nghị sĩ Vít Kaňkovský nói chuyện tại buổi họp báo tại Hạ viện Cộng hòa Séc vào ngày 28/11/2019. (Ảnh: Milan Kajinek, The Epoch Times)

Tại cuộc họp báo ngày 28/11, đại diện của các đảng chính trị và những người có tiếng nói tại Séc đã phát biểu về nguyên nhân họ đưa ra nghị quyết trên và tình hình cấp bách của vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc.

“Dù là việc bỏ tù và tra tấn những người bất đồng chính kiến, nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số, hay là việc thu hoạch nội tạng bất hợp pháp đang diễn ra tại Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, thì đều là những vấn đề mà Hạ viện nhất định cần phải thảo luận,” nghị sĩ Vít Kaňkovský phát biểu.

Nghị sĩ Olga Richterová chia sẻ: “Thu hoạch nội tạng và vi phạm nhân quyền không phải là những từ ngữ mơ hồ. Đằng sau những khái niệm này là những con người cụ thể, những người mà nội tạng bị kinh doanh, và gia đình họ còn không biết thi thể của thân nhân đang nằm ở đâu.”

“Nạn nhân là người theo Pháp Luân Công, người theo Kitô giáo, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những người khác nữa. Những hình thức vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc thật khủng khiếp. Thu hoạch nội tạng, hành hình, đàn áp. Chúng ta cần nhớ rằng chúng ta đang giao thương với chính quyền như vậy. Và rằng sự ảnh hưởng của chính quyền này đang ngày một tăng lên, không chỉ ở châu Âu”, nghị sĩ Helena Langšádlová nói.

Nghị sĩ Vít Rakušan khẳng định, “Séc mang trên lưng dấu tích của một nền cộng sản toàn trị, một dấu tích điên cuồng. 30 năm sau khi thoát khỏi chế độ đó, nếu chúng ta chỉ nói về lợi ích kinh tế khi làm ngoại giao [mà không bảo vệ nhân quyền] thì chúng ta đang chà đạp lên lịch sử của chính mình.”

Nghệ sỹ vĩ cầm nổi tiếng Jitka Hosprová và nam diễn viên Jan Potměš cũng phát biểu đại diện cho những người nổi tiếng tại Séc. Cả hai đều quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Trung Quốc từ năm 2011, sau khi họ cùng với ca sĩ nổi tiếng của Séc là Marta Kubišová tổ chức một buổi hòa nhạc để ủng hộ cho luật sư nhân quyền Trung Quốc Cao Trí Thịnh và những người tập Pháp Luân Công đang bị cầm tù.

Bà Jitka Hosprová đã chia sẻ: “Tôi vẫn tin rằng giới tinh hoa của Séc còn có lòng trắc ẩn và thấu hiểu với những con người đang mong chờ điều đó. Trong lịch sử, chúng ta đã từng đơn độc và khốn khó, nhưng nhân dân thế giới đã không bỏ rơi chúng ta.”

Được biết, Thượng viện Séc đã thông qua một nghị quyết tương tự vào tháng 3/2019. Những nhà lập pháp của Séc cũng đang thảo luận về việc sửa đổi Đạo luật Cấy ghép tạng, nhằm ngăn người dân Séc không tới Trung Quốc ghép tạng trong bối cảnh hoạt động du lịch ghép tạng tại Trung Quốc bùng phát. Việc sửa đổi này sẽ cho phép truy tố công dân Séc nhận tạng từ những người hiến tặng không tự nguyện và quy định rõ quốc gia bị cấm đến ghép tạng là Trung Quốc.

Vài tháng gần đây, mối quan hệ giữa Séc và Trung Quốc trở nên căng thẳng trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, an ninh mạng, tự do ngôn luận, và cả việc cho phép người Trung Quốc tị nạn.

Ngày 7/10, Hội đồng thành phố Prague đã quyết định chấm dứt một thỏa thuận hợp tác với Bắc Kinh để phản đối chính sách “Một Trung Quốc”.

Trước đó, trong chuyến thăm Đài Loan vào ngày 29/3, Thị trưởng Prague Zdenek Hrib nói với truyền thông địa phương rằng ông đang bị chính quyền Trung Quốc gây áp lực phải hủy một cuộc họp với đặc phái viên Đài Loan ở Prague, vì với chính quyền Trung Quốc đó là việc “không chấp nhận được”.

Đáp trả lại việc này, chính quyền Trung Quốc đã hủy bỏ chuyến lưu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Prague Philharmonia tại Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Séc, ông Lubomir Zaoralex, phản ứng lại bằng cách tuyên bố Séc và Bắc Kinh sẽ không trao đổi văn hóa. Hoạt động trao đổi này bao gồm một loạt các sự kiện lưu diễn của Tứ tấu Prague, của Dàn nhạc giao hưởng Prague Radio Symphony Orchestra, và của Dàn nhạc giao hưởng Prague Philharmonic.

Cuối năm 2018, cơ quan giám sát mạng của Séc đã chỉ ra rằng Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia. Trong khi đó tập đoàn công nghệ khổng lồ đã đe dọa rằng sẽ đưa việc này ra tòa và khởi xướng trọng tài quốc tế vì đã làm “thiệt hại” danh tiếng của công ty.

Séc từng muốn gia tăng hợp tác đáng kể về kinh tế với Trung Quốc kể từ năm 2014. Tuy nhiên sự việc Tập đoàn năng lượng Trung Quốc CEFC, một tập đoàn hứa đầu tư hàng chục tỷ USD vào Séc, sụp đổ, đã khiến mong muốn hợp tác của Séc lung lay.

Liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc cho hay, những khoản đầu tư mà Trung Quốc hứa hẹn đều chưa được hiện thực hóa. Trong khi đó, những công ty của Séc vẫn tiếp tục đối mặt với rào cản khi họ cố gắng xâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch Thượng viện Séc Jaroslav Kubera đã bất chấp sự phản đối của chính quyền Trung Quốc, quyết định lên kế hoạch sang thăm Đài Loan vào đầu năm sau. Để đáp trả, chính quyền Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ hoãn việc tổ chức Diễn đàn Thương nghiệp Séc – Trung Quốc.

Trọng Đức tổng hợp