Nga và Trung Quốc vốn là các đối tác chiến lược lâu năm. Tuy nhiên, sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/7 tại Helsinki, Phần Lan, mối quan hệ Nga – Trung bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt.

Trump-Putin
Tổng thống Trump họp báo chung với Tổng thống Putin tại Helsinki, Phần Lan hôm 16/7. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Trong một động thái hiếm thấy, truyền thông Nga vốn vẫn đang chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Điện Kremlin, gần đây đã công khai chỉ trích Trung Quốc về nhiều vấn đề.

Ngày 16/7, tờ nhật báo Nezavisimaya Gazeta đã đăng bài xã luận với tiêu đề “Mỹ đề nghị đoàn kết với Nga chống lại Iran và Trung Quốc”. Nội dung của bài báo tóm tắt lại những dấu hiệu tại thượng đỉnh Helsinki, trong đó nhấn mạnh Tổng thống Trump có kế hoạch mời gọi Nga giúp chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc cả về thương mại và địa chính trị.

Được biết, trong cuộc họp báo kéo dài khoảng 45 phút với ông Putin tại Helsinki hôm 16/7, ông Trump đã nói rằng các cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo là “thẳng thắn, cởi mở và hiệu quả sâu sắc”. Tổng thống Mỹ cũng nói thêm rằng “mối quan hệ của chúng ta chưa bao giờ tồi tệ như bây giờ. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi từ khoảng 4 giờ trước đây”. Hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nga đã đối thoại riêng khoảng 2 giờ, trước khi cùng tham gia họp báo chung.

Trong khi đó, Tổng thống Putin nói: “Chiến tranh Lạnh là điều của quá khứ”.

Sau hội nghị thượng đỉnh đó, trong khoảng thời gian hai ngày 18 và 19/7, truyền thông Nga đã liên tiếp nhấn mạnh vào ba vấn đề của Trung Quốc: Cách hành xử thô tục của khách du lịch Trung Quốc, buôn ma túy bất hợp pháp và tham nhũng trong ngành đường sắt.

Ông Li Hengqing, nhà phân tích độc lập của một tổ chức phi chính phủ tại Maryland, Mỹ trong cuộc phỏng vấn với tờ Epoch Times tiếng Trung đã nói rằng những chỉ trích của truyền thông Nga nhắm vào Trung Quốc không có gì là ngẫu nhiên.

Tình hữu nghị giữa ông Putin và chế độ Trung Quốc dựa trên cơ sở lợi ích. Vì vậy, khi ông Putin thấy cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ, Châu Âu hay các nước NATO, ông ta sẽ tự nhiên từ bỏ các lợi ích có được từ Trung Quốc”, ông Li Hengqing nhận định.

Ngày 18/7, tờ Thời báo Seberi (Siberian Times) đăng bài phê phán cách hành xử thiếu lịch sự của khách du lịch Trung Quốc tại Vịnh Thủy tinh (Glass Bay), một bãi biển có vách đá dựng đứng tại bờ biển Thái Bình Dương, thành phố Vladivostok. Bờ biển này nổi tiếng với các mảnh thủy tinh vỡ chất đầy trên bờ biển sau nhiều năm mọi người đổ chai và lọ cũ.

Bài báo của Thời báo Seberi có kèm theo video cho thấy hình ảnh hai nữ du khách Trung Quốc nhặt các mảnh thủy tinh vỡ trên bãi biển cho vào các túi nhựa. Video bằng tiếng Trung nhưng có ghi chú tiếng Anh, giải thích rằng mặc dù trên bãi biển có biển cảnh báo khách du lịch không được lấy các mảnh thủy tinh vỡ, nhưng khách du lịch Trung Quốc lũ lượt tới đây bằng xe bus, đi bộ trên bãi biển và lấy thủy tinh chất đầy các túi nhựa họ mạng theo.

Giáo sư Pyotr Brovko của Đại học Liên bang miền Cực Đông nói với Thời báo Seberi rằng Vịnh Thủy tinh sẽ trở lại là bãi biển cát bình thường chỉ sau khoảng 20 năm nếu mọi người vẫn lấy đi các mảnh thủy tinh vỡ.

Theo Epoch Times, cánh hành xử “kém văn minh” của du khách Trung Quốc đã bị nhiều quốc gia phản ánh, điều này thúc đẩy chế độ Trung Quốc ban hành một danh sách đen các công dân Trung Quốc có hồ sơ về hành vi thô tục không được du lịch nước ngoài.

Đài Châu Á Tự do cho biết cơ quan thực thi ma túy của Nga hôm 19/7 đã thông tin rằng 90% ma túy bất hợp pháp tìm thấy tại Nga có nguồn gốc từ Trung Quốc. Báo cáo này giải thích rằng ma túy bất hợp pháp được vận chuyển bằng đường biển vào Nga từ Trung Quốc và đội lốt là các kiện hàng dầu ăn hay gia vị Trung Quốc.

Vào cuối tháng 3/2018, một tòa án tại Moscow đã kết án hai công dân Trung Quốc 10 và 17 năm tù giam vì phạm tội buôn lậu ma túy tổng hợp.

Cũng trong ngày 19/7, học giả nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương của Học viện Khoa học Nga, Ivan Zuenko đã viết một bài báo đăng trên tạp chí Profile đề cập tới sự đình trệ của dự án chung Trung – Nga trị giá 20 tỷ USD, xây dựng đường sắt cao tốc nối Moscow với thành phố miền nam Kazan.

Dự án này nằm trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc để nước này mở rộng đầu tư nước ngoài và gây ảnh hưởng chính trị khắp Châu Á, Châu Âu và Châu Phi.  Dự án dự kiến hoàn thành trước khi Nga tổ chức World Cup 2018. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Nga vào tháng 10/2014 đã ký một bản ghi nhớ về dự án này. Nga sẽ trả chi phí 6,5 tỷ USD, trong khi phía Trung Quốc trả 13,5 tỷ USD.

Trong bài báo của mình, chuyên gia Ivan Zuenko đã đặt dấu hỏi về các lợi ích kinh tế của việc xây dựng tuyến đường sắt với chi phí khổng lồ như vậy. Bài báo cũng cũng dẫn ra tình huống của Sri Lanka, nơi Trung Quốc xây một cảng nước sâu tại Hambantota và một sân bay tại Mattala. Sri Landa cuối cùng đã phải chi 95,4% ngân sách quốc gia để trả nợ Trung Quốc, nhưng vẫn còn mắc nợ. Dự án tại Sri Lanka cũng nằm trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của chế độ Bắc Kinh.

Vào tháng 12/2017, Sri Lanka đã phải trao quyền kiểm soát cảng Hambantota 99 năm cho Trung Quốc để gán nợ, chuyển đổi 6 tỷ USD vốn vay thành vốn chủ sở hữu, theo Reuters.

Bài báo của tạp chí Profile cũng lưu ý rằng ngành đường sắt cao tốc Trung Quốc là “một trong những địa hạt xảy ra tham nhũng nhiều nhất”. Vào tháng 7/2013, cựu Bộ trưởng đường sắt Trung Quốc Liu Zhijun đã bị kết án tử hình vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, thuật ngữ mà chế độ Trung Quốc dùng để chỉ tội phạm tham nhũng.

Theo truyền thông Hồng Kông, ông Liu Zhijun đã sử dụng ngân khố của Bộ đường sắt như heo đất cá nhân của ông ta và đã biển thủ hàng tỷ USD.

Từ năm 2016, mỗi năm ngành đường sắt Trung Quốc thua lỗ khoảng 470 tỷ Nhân Dân Tệ (khoảng 69 tỷ USD). Các dự án đường sắt là cơ hội cho quan chức Trung Quốc thăng quan tiến chức và làm giàu”, truyền thông Hồng Kông nhấn mạnh.

Hùng Cường

Xem thêm: