Hôm thứ Tư (27/6), tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ), dẫn nguồn tin giấu tên từ chính phủ Trump, cho biết Mỹ sẽ áp đặt chế tài lên các nước không dừng nhập dầu mỏ của Iran sau ngày 4/11.

dau mo Iran 2
Nhiều nước đang phụ thuộc vào dầu mỏ Iran, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. (Ảnh minh họa qua The Japan Times)

Động thái này là bước thúc đẩy mới nhất của chính phủ Trump để gây áp lực lên chế độ Iran sau khi Tổng thống Mỹ chính thức rút Washington khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Vị quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên được cho đã nói với WSJ: “Chúng tôi coi điều này như là một trong những ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu”.

Đề cập tới các nước đang mua dầu mỏ của Iran, vị quan chức nêu trên cho biết: “Chúng tôi chắc chắn sẽ yêu cầu lượng nhập dầu từ Iran của họ về không sau ngày 4/11”.

Trước đây hai tuần, ông Andrew Peek – trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Iran và Iraq đã nói với báo giới rằng Mỹ đã có chuẩn bị để ban hành miễn trừ nếu các nước giảm mạnh nhập khẩu dầu mỏ của Iran và lưu ý rằng việc cắt giảm “có thể luân chuyển từ nước này sang nước khác”. Tuy nhiên, báo cáo của WSJ hôm thứ Tư (27/6) nêu trên lại đưa ra quan điểm hoàn toàn khác. Vị quan chức chính phủ Trump nói với WSJ rằng Washington sẽ không xem xét bất kỳ miễn trừ nào.

Theo Breitbart, các chế tài dầu mỏ mà Mỹ áp đặt lên Iran cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới Trung Quốc và Ấn Độ – hai nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của chế độ Tehran.

Tờ Hindu của Ấn Độ loan tin rằng “Iran là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ ba của Ấn Độ sau Iraq và Ả Rập Saudi. Trong 10 tháng đầu của năm tài khoá 2017-2018, Ấn Độ nhập từ Iran 18,4 triệu tấn dầu thô”.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Iran và chế độ Bắc Kinh cũng đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình lên nước Cộng hòa Hồi giáo này và toàn khu vực Trung Đông. Ngoại giới nhận định sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Iran, chế độ Tehran đã chuyển hướng sang Trung Quốc để hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ Bắc Kinh trong việc cứu vớt những gì còn lại của Thỏa thuận Iran không còn Mỹ. Trung Quốc cũng là một bên trong số các cường quốc thế giới ký với Iran thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Chế độ Iran cũng đã có các bước chuẩn bị cho việc Mỹ sẽ sớm tái áp đặt chế tài lên Tehran. Chính quyền Iran đã ra lệnh cấm nhập khẩu hơn 1.300 sản phẩm từ Mỹ, trong đó có đồ gia dụng, hàng dệt may, giầy dép, đồ da, nội thất và sản phẩm sức khỏe. Nước Cộng hòa Hồi giáo lập luận rằng những hàng hóa này họ có thể tự sản xuất trong nước thay vì phải nhập khẩu.

Kinh tế và xã hội Iran đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Hôm thứ Hai (25/6), đồng Rial mất giá trị kỷ lục với tỷ giá quy đổi 90.000 rial được 1 USD. Vào cuối năm 2017, tỷ giá ở mức 42.890 Rial đổi 1 USD.

Người dân thủ đô Tehran đã xuống đường ngày thứ tư liên tiếp để phản đối chế độ cầm quyền không tập trung phát triển kinh tế trong nước, mà lại thực hiện chiến dịch phưu lưu gây ảnh hưởng ở nước ngoài như tại Syria hay Yemen.

Hàng ngàn người tập trung tại khu Grand Bazaar – được xem là trung tâm thương mại lớn nhất Tehran, hô vang khẩu hiệu “Chúng tôi không muốn 1 USD là 100.000 Rial” và “Đình công!”. Các thương nhân tại Grand Bazaar đã bị chính quyền ép phải đóng cửa hàng trong nhiều ngày, theo Breitbart.

Cũng theo Breitbart, lạm phát và giá tiêu dùng tăng cao đã đẩy hàng triệu người dân Iran phải vật lộn để mua các sản phẩm thiết yếu cho gia đình, trong đó có lương thực. Với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 40%, người dân Iran trong những tuần tới, tháng tới sẽ vẫn còn tiếp tục biểu tình để kêu gọi ổn định kinh tế.

Hùng Cường

Xem thêm: