Báo cáo của một tổ chức nghiên cứu về quốc phòng độc lập hôm thứ Tư (2/5) cho hay chi tiêu quốc phòng của quân đội Nga vào năm ngoái đã giảm tới 20%. Đây là đợt cắt giảm chi tiêu quốc phòng đầu tiên của Moscow sau gần hai thập kỷ. Hiện tại chi tiêu quốc phòng của Điện Kremlin chỉ đứng thứ tư thế giới, xếp sau cả Ả Rập Saudi.

Embed from Getty Images

Chi tiêu quốc phòng của Nga hiện xếp thứ Tư thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Ả Rập Saudi.

Trong khoảng gần 5 năm trở lại đây, Nga có hai hoạt động quân sự quy mô lớn là xâm lược bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 và tham gia sâu vào việc hỗ trợ chính quyền Assad trong cuộc nội chiến tại Syria.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) chỉ ra rằng ngân sách quốc phòng của Điện Kremlin năm 2017 đã giảm 20%, xuống chỉ còn 66,3 tỷ USD. Động thái cắt giảm này của Nga là trái ngược với xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng toàn cầu, với mức tăng 1% năm 2017, đạt tổng chi tiêu quốc phòng thế giới là 1.739 tỷ USD.

Reuters cho biết đây là đợt cắt giảm chi tiêu quốc phòng lần đầu của quân đội Nga kể từ năm 1998, thời điểm Nga gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với nợ công ở mực cực cao.

Ông Siemon Wezeman, chuyên gia nghiên cứu cao cấp trong Chương trình Chi tiêu Quân sự và Phòng của SIPRI, nói rằng căn cứ vào kế hoạch chi tiêu của chính phủ Nga cho tới năm 2020, chi phí quốc phòng của nước này dự kiến sẽ giữ nguyên như năm 2017 hoặc thậm chí có thể giảm hơn nữa do điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát.

Điều đó rất rõ ràng có ảnh hưởng trực tiếp tới việc mua sắm và các hoạt động quân sự. Đây là những hạng mục có thể cắt giảm nhanh nhất”, Reuters dẫn lời ông Wezeman.

Với việc cắt giảm sâu chi tiêu quốc phòng nêu trên, Nga đã rớt xuống vị trí thứ tư trong danh sách các quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới, đã bị Ả Rập Saudi vượt qua.

Chuyên gia Wezeman nói rằng: “Nga chắc chắn có cảm giác rất rõ ràng rằng họ phải cho thấy họ vẫn là một cường quốc [quân sự] và họ thể hiện bằng cách thực hiện các hoạt động như tại Syria, bằng cách phô trương sức mạnh hải quân tại Đại Tây Dương. Nhưng tôi chắc chắn rằng [sắp tới] họ sẽ nghiêm túc cắt giảm chi phí cho các hoạt động đó”.

Được biết, nền tài chính của Nga vẫn đang ở vào tình thế mong mong sau hai năm suy thoái do ảnh hưởng của các chế tài phương Tây và giá dầu thô thế giới giảm mạnh. Vào năm ngoái, giá dầu tăng cao hơn đã giúp cho nền kinh tế Nga tăng trưởng trở lại khoảng 1,5%, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu của chính quyền Putin đặt ra là phải tăng khoảng 2%.

Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Moscow bây giờ đã quen với việc giảm giá hàng hóa so với trước năm 2014, và ngân sách năm 2018 có khả năng bị thâm hụt nhỏ hoặc chỉ thặng dư chút ít.

Trong các phát biểu gần đây, Tổng thống Vladimir Putin, người vừa đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư, cũng đã kêu gọi tăng mức sống cao hơn và chi tiêu nhiều hơn cho phát triển cơ sở hạ tầng xã hội như chăm sóc y tế và giáo dục. Một số quan chức chính quyền Kremlin đã kêu gọi giảm chi tiêu quốc phòng để dành tiền đầu tư vào các đề xướng nêu trên.

Vào tháng Ba vừa qua, chính phủ Nga cho biết họ sẽ cắt giảm chi tiêu quốc phòng xuống thấp hơn 3% GDP trong vòng 5 năm tới.

Hiện tại, Mỹ vẫn duy trì là nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới, chiếm 35% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu, cao hơn cả 7 nước có chi tiêu quốc phòng cao tiếp theo cộng lại. Ngân sách chi tiêu quốc phòng của Mỹ đã không thay đổi trong năm 2016 và 2017, và dự kiến sẽ tăng đáng kể trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng để hiện đại hóa quân đội. Năm 2008, chi tiêu quốc phòng của chế độ Bắc Kinh chỉ chiếm 5,8% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu, nhưng năm ngoái đã chiếm khoảng 13%.

Yên Sơn

Xem thêm: