Các nước công nghiệp G-7 và Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm thứ Sáu (5/4) đã phát đi tuyên bố lên án các cuộc chiến tiếp diễn tại Libya khi lực lượng phiến quân miền đông đang chuyển quân tới thủ đô Tripoli.

Embed from Getty Images

Các chiến binh thuộc lực lượng của Tướng Khalifa Haftar có mặt tại thị trấn Zawiya, phía tây thủ đô Tripoli vào 5/4/2019. (MAHMUD TURKIA/AFP/Getty Images)

Nhóm G-7 hôm 5/4 đã ra tuyên bố thúc giục tất cả các bên tại Libya “dừng tất cả hoạt động quân sự ngay lập tức.” Hội đồng Bảo an LHQ cũng ban bố lời kêu gọi tương tự.

Trong khi đó, Tướng Khalifa Haftar – lãnh đạo của Quân đội Quốc gia Libya tự phong (LNA) – đã ra lệnh cho quân đội của ông tiến về Tripoli.

Các báo cáo mới nhất của truyền thông quốc tế cho biết đang có chiến sự tại sân bay quốc tế ở miền nam Libya.

Hiện tại, thủ đô Libya đang do chính phủ được cộng động quốc tế và LHQ công nhận kiểm soát.

Theo BBC, binh lính LHQ đồn trú tại Tripoli đã được đặt trong trạng thái báo động cao.

BBC cho biết hôm thứ Năm (4/4), Tướng Haftar của LNA đã ra lệnh cho lực lượng của ông tiến về Tripoli. Thời điểm đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đang có mặt tại thủ đô Libya để thảo luận về cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn này.

Tướng Haftar đã có cuộc trao đổi với ông Guterres tại thành phố Benghazi vào thứ Sáu (5/4). Theo BBC, ông Haftar đã nói với Tổng thư ký LHQ rằng hoạt động quân sự của LNA sẽ không dừng lại cho đến khi binh lính của ông đánh bại “khủng bố”.

Tính đến ngày 4/4, lực lượng LNA đã kiểm soát được thị trấn Gharyan, cách thủ đô Tripoli 100km về phía nam.

Các báo cáo mới nhất từ truyền thông quốc tế cho biết lực lượng LNA đã kiểm soát được một sân bay tại thủ đô Tripoli. Sân bay này đóng cửa từ năm 2014.

Cư dân của Misrata, phía đông Tripoli đã nói với hãng tin Reuters rằng dân quân từ thành phố này đã được điều tới bảo vệ thủ đô.

Các nhóm vũ trang liên kết với chính quyền Tripoli hôm 5/4 nói với Reuters rằng họ đã bắt giam một số chiến binh LNA.

Được biết, từ đầu năm nay lực lượng LNA đã kiểm soát được miền nam Libya và các giếng dầu chính của nước này.

Phản ứng trước diễn biến mới nhất tại Libya, Tổng thư ký LHQ Guterres đã đăng tweet nói rằng ông đã rời Libya với “trái tim nặng nề và quan ngại sâu sắc”. Ông Guterres cho biết ông vẫn hy vọng có một cách nào đó để tránh chiến sự diễn ra quanh thủ đô Tripoli.

Nhóm G-7 sau đó đã phát đi tuyên bố thúc giục chấm dứt các hoạt động quân sự tại Libya.

“Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ hành động quân sự nào tại Libya,” BBC dẫn tuyên bố của Nhóm G-7. Tuyên bố này cũng nhắc lại rằng các nước G-7 ủng hộ các nỗ lực do LHQ dẫn dắt nhằm sớm tổ chức bầu cử và kêu gọi tất cả các nước trên thế giới ủng hộ “sự ổn định bền vững tại Libya”.

Hội đồng Bảo an LHQ hôm 5/4 cũng đã tổ chức phiên họp kín thảo luận vệ tình hình Libya. Sau cuộc họp này, Đại sứ Đức tại LHQ Christoph Heusgen đã nói rằng các thành viên Hội đồng Bảo an “kêu gọi lực lượng LNA phải dừng tất cả các hoạt động quân sự.”

“Không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này,” ông Heusgen nói.

Một phát ngôn viên của chính phủ Nga trước đó đã nói với báo giới rằng Điện Kremlin không ủng hộ bước tiến của Tướng Haftar và cho biết Moscow muốn một giải pháp cho tình hình Libya bằng “các biện pháp chính trị hòa bình.”

Cộng động quốc tế đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp tại Libya vào cuối tháng này để thảo luận về việc chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Libya.

Bạo lực và chia rẽ đã tàn phá Libya kể từ khi Đại tá Muammar Gaddafi – lãnh đạo lâu năm của nước này – bị phế truất và bị giết vào năm 2011.

 

Tướng Khalifa Haftar là ai?

Tướng Khalifa Haftar là cựu sĩ quan quân đội Libya. Ông Haftar đã giúp Đại tá Muammar Gaddafi kiểm soát quyền lực tại Libya vào năm 1969, nhưng sau đó đã từ bỏ chế độ Gaddafi và sống lưu vong tại Mỹ.

Embed from Getty Images

Tướng Haftar trở lại Libya vào năm 2011 sau khi cuộc nổi dậy chống lại ông Gaddafi bắt đầu nổ ra và trở thành chỉ huy của lực lượng chiến binh ở miền đông Libya.

Vào tháng 12/2018, ông Haftar đã gặp Thủ tướng Fayez al-Serraj của chính phủ Libya có sự ủng hộ của LHQ tại một hội nghị không chính thức, tuy nhiên ông Haftar từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình chính thức.

Theo BBC, tuần trước, Tướng Haftar đã tới thăm Ả Rập Saudi, gặp Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman để thảo luận về tình hình Libya.

Như Ngọc