Hôm thứ Tư 29/8 (giờ Mỹ) nhóm 17 thành viên Quốc hội Mỹ đã gửi thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin yêu cầu họ áp đặt chế tài lên Trung Quốc đáp trả việc nước này bắt và giam giữ hàng ngàn người Hồi giáo vào “các trại cải tạo chính trị” ở tỉnh Tân Cương, miền tây Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio là 1 trong 17 nghị sĩ Mỹ ký vào thư gửi chính phủ Trump chế tài Trung Quốc vì đàn áp tôn giáo. 

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vô thần dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch quy mô toàn quốc để ngăn chặn lan truyền tôn giáo, chủ yếu nhắm vào Công giáo, Hồi giáo và Phật giáo. Tân Cương là quê hương của đa số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và họ bị chế độ Bắc Kinh coi là các phần tử khủng bố vì nhiều người tiếp tục thực hành đức tin của mình bất chấp áp lực từ chính quyền cộng sản yêu cầu họ phải bỏ đạo.

Bộ Ngoại giao Mỹ trong báo cáo tôn giáo hàng năm phát hành đầu năm nay thông tin rằng Trung Quốc đã thiết lập nhiều trại lao động và tra tấn người Hồi giáo tại Tân Cương. Trong các trại giam giữ này người Hồi giáo bị ép phải tiếp thu và ghi nhớ tuyên truyền cộng sản, phải bày tỏ lòng trung thành với ông Tập Cận Bình và phải ăn thịt lợn để thể hiện họ đã từ bỏ đức tin. Những báo cáo sau đó chỉ ra rằng người Hồi giáo dù không thể hiện quan điểm phản đối chính quyền cũng vẫn bị bắt và đưa vào các trại cải tạo.

Theo ABC News, nhóm 17 nghị sĩ Quốc hội Mỹ đang kêu gọi Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ sử dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu để chế tài các cá nhân và tổ chức Trung Quốc đã tham gia vào việc thiết lập các trại lao động và thực hành đàn áp gia tăng tại Tân Cương.

Trong bức thư của 17 nghị sĩ Mỹ có đoạn viết: “Các nhóm thiểu số Hồi giáo đang bị bắt giữ, tra tấn tùy tiện, bị hạn chế chặt chẽ việc thực hành tôn giáo và văn hóa và bị giám sát nghiêm ngặt bởi hệ thống giám sát số hóa. Với tình huống nghiêm trọng này và với việc nhân quyền bị lạm dụng quy mô lớn, chúng tôi kêu gọi quý vị hãy áp dụng các chế tài theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, và xem xét các biện pháp bổ sung chống lại các quan chức chính quyền và Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người giám sát các chính sách đàn áp này”.

Không một quan chức Trung Quốc hoặc doanh nhân đồng lõa nào liên quan tới những gì xảy ra tại Khu Tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương nên có được lợi ích từ việc tiếp cận nước Mỹ hay hệ thống tài chính Mỹ”, bức thư lưu ý thêm.

Trong số những thành viên ký tên vào lá thư nêu trên có Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez, Dân biểu Cộng hòa Chris Smith và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton. Các ông Smith và Rubio là Chủ tịch của Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về vấn đề Trung Quốc.

Lá thư của các nghị sĩ Mỹ đã liệt kê danh sách nhiều quan chức cấp cao của ĐCSTQ tại Tân Cương, trong đó có Bí thư ĐCSTQ khu vực Tân Cương Chen Quanguo và các tập đoàn kinh doanh lớn như Hangzhou Hikvision Digital Technology và Zhejiang Dahua Technology vào nhóm các cá nhân và tổ chức đáng bị chế tài vị họ đã tổ chức đàn áp hoặc tham gia tổ chức hậu cần cần thiết cho việc đàn áp được tiến hành. Những tập đoàn kinh doanh sản xuất các thiết bị giám sát kể trên bị cáo buộc đã giúp chính quyền Trung Quốc bằng cách cung cấp camera và các thiết bị khác sử dụng trong việc giám sát cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ. Bằng chứng thu được từ việc giám sát này là cơ sở dẫn tới việc chính quyền bắt giữ người Duy Ngô Nhĩ vào các trại cải tạo.

Bên ngoài các trại cải tạo, chính quyền Trung Quốc đã lắp đặt một hệ thống giám sát phức tạp trên khắp Tân Cương và ban hành một đạo luật yêu cầu tất cả các xe ôtô ở Tân Cương phải lắp hệ thống theo dõi hành trình qua đó giúp chính quyền luôn biết người dân đang ở đâu.

Theo tờ Daily Beast, Quốc hội Mỹ cũng đã tuyên bố cả hai công ty sản xuất thiết bị giám sát nêu trên của Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ, cấm quân đội Mỹ mua các sản phẩm của các công ty này theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng vừa mới được thông qua.

Lá thư của 17 nghị sĩ Quốc hội Mỹ gửi nhánh hành pháp đến chỉ 4 tháng sau khi có báo cáo cho rằng chính phủ Trump cũng đang xem xét chế tài Trung Quốc vì tình hình đàn áp tôn giáo tại Tân Cương. Vào thời điểm đó, giới quan sát đã mô tả các trại lao động ở Tân Cương như “các trung tâm tẩy não” với mục đích đe dọa người Duy Ngô Nhĩ tin rằng họ bị kiểm soát bởi chính phủ Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ thời điểm đó đã tiết lộ trong một báo cáo rằng các quan chức ĐCSTQ đã phát động “một chiến dịch tẩy não tập trung để đấu tranh với cái họ gọi là chủ nghĩa ly khai” và kết quả là “hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác bị mất tích, bị bỏ tù hoặc bị ép vào các lớp tẩy não”.

Những trại cải tạo, tẩy não tại Tân Cương được thiết lập chỉ vài tháng sau khi các quan chức chế độ Bắc Kinh áp đặt nhiều hạn chế công cộng với người Hồi giáo. Những chủ cửa hàng bị ép phải bán rượu và thuốc lá – hành vi vi phạm luật Hồi giáo. Các cá nhân mặc trang phục hoặc để râu kiểu Hồi giáo không được lên các phương tiện giao thông công cộng. Người Hồi giáo không được nhịn ăn tại nơi công cộng trong suốt tháng thánh lễ Ramadan.

Các nhóm ủng hộ nhân quyền lưu ý thêm về các hoạt động giám sát nghiêm ngặt của chính quyền ĐCSTQ đối với người Hồi giáo. Trong các trại lao động, người Hồi giáo bị ép phải ăn thịt lợn để họ vi phạm luật Hồi giáo. Những tín đồ Hồi giáo cũng phải nghe tuyên truyền cộng sản suốt 24 giờ/ngày bằng tai nghe hoặc sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Bên ngoài trại cải tạo, các quan chức chính quyền ĐCSTQ ra vào nhà người dân Hồi giáo tùy ý họ muốn nhằm giám sát hành vi của các gia đình và đảm bảo rằng người Hồi giáo chỉ sử dụng kinh Quran mà chế độ Bắc Kinh phê duyệt.

Hùng Cường

Xem thêm: