Bên lề hội nghị kinh tế thế giới tổ chức tại St Petersburg, Nga, Tổng thống Vladimir Putin nhận định, với vai trò là một nhà lãnh đạo quốc gia, ông tôn trọng và hiểu quyết định rút khỏi thoả thuận khí hậu Paris của Tổng thổng Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và phóng viên Megyn Kelly của kênh NBC News trên sân khấu hội nghị kinh tế St Petersburg
Tổng thống Nga Vladimir Putin và phóng viên Megyn Kelly của kênh NBC News trên sân khấu hội nghị kinh tế St Petersburg

Trên sân khấu hội nghị được truyền hình trực tiếp hôm 2/6, phóng viên người Mỹ Megyn Kelly của kênh NBC News đặt câu hỏi: “Hôm qua, Tổng thống Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Thoả thuận khí hậu Paris. Ông nói rằng thoả thuận đó gây hại cho nền kinh tế Mỹ và làm mất việc làm. Các lãnh đạo Châu Âu đã nhanh chóng có phản ứng, phê phán Tổng thống Trump trốn tránh vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ. Tổng thống Putin, ông thấy như thế nào?

Putin: Tôi không nằm trong số các lãnh đạo Châu Âu. Ít nhất thì họ không nghĩ thế. Nhưng tất nhiên, người Nga chúng tôi cũng có quan điểm riêng của mình. Tiện đây, cô có đọc hết Thoả thuận khí hậu Paris chưa? Cô chưa đọc, tôi có thể thấy như thế.

Nhưng nói một cách tổng quát, thoả thuận Paris là một văn kiện rất tốt và đúng đắn. Nó có mục tiêu nhằm giải quyết một trong các vấn đề toàn cầu của thời đại hiện nay. Nhưng câu hỏi ở đây là: liệu chúng ta có ở vị thế có thể ngăn chặn nó hay không? Văn kiện này nói về điều gì? Để ngăn nhiệt độ tăng thêm 2 độ… Cho tới nay, ở đây [Nga], chúng tôi chưa cảm thấy nhiệt độ tăng lên một cách đặc biệt nào cả. Nói đúng ra, chúng tôi biết ơn ông Trump – họ nói rằng hôm nay ở Moscow đang có tuyết rơi (vào tháng 6). Ở đây thì lạnh và mưa. Vì thế ít nhất chúng tôi có thể đổ lỗi cho ông Trump và Đế quốc Mỹ, đó toàn là lỗi của họ. Không, chúng tôi không làm thế.

Về Thoả thuận khí hậu Paris, đó là một khuôn khổ. Mọi thứ trong Thoả thuận Paris phụ thuộc vào quyết định của từng cá nhân mỗi quốc gia, không có quy định bắt buộc. Tất cả các nước đều tự đưa ra yêu cầu cho mình. Hoa Kỳ, tôi nghĩ là đã cam kết cắt giảm 26 -28% lượng khí thải các-bon trước năm 2025. Nước Nga cam kết cắt giảm xuống còn 70% lượng khí thải ở mức của năm 1999, nhưng tới tận trước năm 2030. Chính phủ Mỹ đã phê chuẩn quyết định này, theo như tôi nhớ, nhưng chúng tôi chưa làm việc đó.

Chúng tôi chưa thông qua bởi vì chúng tôi muốn đợi đến khi các quy định được lập ra rõ ràng – về việc sẽ sử dụng nguồn tài nguyên như thế nào, cũng như các vấn đề hoàn toàn là kỹ thuật, nhưng quan trọng. Hoa Kỳ đã cam kết chi 100 tỷ USD cho cái gọi là “quỹ xanh”, là nơi cung cấp tài chính cho các quốc gia đang phát triển để hỗ trợ chương trình sinh thái của họ. Nhưng ngân quỹ này sẽ được sử dụng như thế nào? Ở đâu? Và ai sẽ giám sát nó? Những câu hỏi này chưa được trả lời. Ý kiến của tôi là: để thực sự giảm được 26 – 28%  lượng khí thải các-bon trước năm 2025, mà năm nay không cách xa thời điểm đó là mấy, thì phải thực hiện được sự thay đổi nghiêm trọng trong ngành sản xuất. Mỹ sẽ phải kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hàng trăm triệu, thực tế là hàng tỷ USD vào nền kinh tế. Ở mặt khác của tấm huy chương, người Mỹ phải nghĩ tới điều gì sẽ xảy ra cho những người lao động của hệ thống sản xuất bây giờ khi họ bị sa thải. Bạn phải tìm cách cho họ công ăn việc làm. Các bạn phải nghĩ tới điều này trước và chuẩn bị một nguồn lực (tài chính) cụ thể để đối phó. Ngoài ra, bạn không muốn họ bị bỏ rơi và gia nhập vào hàng ngũ những người sống dưới mức nghèo khổ.

Cô vừa hỏi tôi về những người sống ở Nga với mức thu nhập rất thấp, tiện đây tôi cũng nói, năm 2000, chúng tôi có 40% dân số sống dưới mức nghèo. Năm nay, con số đó đã giảm một nửa. Tất nhiên con số này là xấp xỉ, nhưng dù sao chúng tôi cũng đã có thể đạt được điều đó. Tương tự như vậy, ở Mỹ, các bạn sẽ làm gì với những người sẽ không còn việc làm? Tất cả đều cần thêm nguồn lực. Vì thế bây giờ, tôi sẽ không phán xét Tổng thống Trump khi còn quá sớm. Có thể ông Obama có đã quyết định khác. Nhưng có thể Tổng thống hiện tại cho rằng chính quyền trước đó đã không cân nhắc chu toàn? Cũng có thể ông ấy cho rằng không có đủ nguồn lực để thực hiện quyết định này. Bạn phải nhìn vào vấn đề này một cách chính xác hơn.

Theo quan điểm của tôi, một quốc gia không cần phải rút khỏi Hiệp định Paris, bởi vì nó chỉ là khuôn khổ làm việc. Trên thực tế họ có thể làm gì? Họ có thể đơn giản là thay đổi trách nhiệm của Mỹ trong thoả thuận này. Nhưng bạn lại không thể thay đổi đoạn băng đã ghi, những chuyện đã được nói ra, vì thế bạn phải suy tính xem nên làm thế nào tiếp theo. Tương lai cần làm thế nào? Trong tương lai, bạn cũng không thể vứt bỏ vấn đề đó được. Tôi không chắc từ ngữ chính xác mà ông Trump sử dụng trong thông báo là gì, nhưng ông nói rằng ông muốn rà soát lại thoả thuận này hoặc là ký một thoả thuận mới. Ông ấy không hề từ chối giải quyết bản chất vấn đề. Cho nên tôi nghĩ, ở thời điểm hiện tại, chúng ta không nên ồn ào quá mức, mà nên tạo các điều kiện cần thiết cho công việc hợp tác. Bởi vì nếu một nước lớn như Mỹ mà từ chối hợp tác, thì không quyết định nào có thể được đưa ra về vấn đề này. Vì thế chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn việc này, tiếp tục cố gắng thực hiện với tinh thần xây dựng nhất có thể.

Tiện đây, thưa cô Megyn, hiệp định này chưa hề chính thức đi vào ràng buộc. Nó sẽ chính thức đi vào thực thi vào năm 2021, vì thế chúng ta có thời gian để làm việc và hợp tác, đưa ra được quyết định nào đó. Đừng lo, hãy vui lên.

Đức Trí

Xem thêm: