Phát biểu tại Đại hội Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) hôm 1/3, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ là lựa chọn giữa “tự do và chủ nghĩa xã hội.”

mike-pence-cpac
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Hội nghị CPAC ở Washington hôm 1/2/2019. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Trước đông đảo các chính trị gia bảo thủ tập hợp tại Maryland, Phó Tổng thống Mike Pence đã nói rằng ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2020, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (bang Vermont) là một nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa. Ông Pence nói thêm rằng nhiều ứng cử viên khác của đảng Dân chủ cũng ủng hộ các chính sách xã hội chủ nghĩa như Thỏa thuận Mới Xanh (Green New Deal) và Chăm sóc y tế Toàn dân (Medicare For All).

Ông Pence chỉ ra rằng những chính sách xã hội chủ nghĩa tương tự đã thất bại tại mọi nơi mà nó được thử nghiệm và làm nghèo khổ hàng triệu người. Vậy nhưng, các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, trong đó có Thượng nghị sĩ Kamala Harris và Thượng nghị sĩ Corey Booker đang thúc đẩy các chính sách tương tự với “những chiến dịch truyền thông xã hội nổi bật.”

Phó Tổng thống Mỹ nói: “Dưới vỏ bọc của Chăm sóc y tế Toàn dân và Thỏa thuận Mới Xanh, đảng Dân chủ đang bám cứng vào những lý thuyết kinh tế yếu kém đã làm nghèo đói nhiều quốc gia và bóp nghẹt tự do của hàng triệu người trong thế kỷ qua. Hệ thống đó là chủ nghĩa xã hội.”

“Chăm sóc y tế Toàn dân thực sự có nghĩa là không ai được chăm sóc sức khỏe chất lượng. Thứ duy nhất xanh trong cái gọi là Thỏa thuận Mới Xanh là nó sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền của người nộp thuế nếu họ biến nó thành luật,” ông Pence nói thêm.

Phó Tổng thống Pence đã chỉ ra Venezuela là ví dụ về sự thất bại của chủ nghĩa xã hội. Quốc gia giàu dầu mỏ một thời đã bị tê liệt bởi các chính sách xã hội chủ nghĩa do kẻ độc tài bất hợp pháp Nicolas Maduro thực hiện. Ông Pence nói rằng hiện nay 9 trong 10 người dân Venezuela sống dưới mức nghèo khổ và hơn 3 triệu người đã trốn chạy khỏi đất nước này.

Ông Pence cho rằng cuộc đấu tranh tại Venezuela là giữa “chủ nghĩa xã hội và tự do.”

“Sự thật là Venezuela cần thứ nước Mỹ có. Venezuela cần tự do,” ông Pence nói. “Tự do sẽ cho phép người dân sống cuộc sống của họ theo cách họ thấy phù hợp – không phải do kiểm soát của chính phủ. Tự do tạo ra hàng hóa nhiều hơn và tốt hơn bất cứ nơi nào và thời gian nào khác trong… lịch sử thế giới.”

“Tự do thịnh vượng hơn, hữu ích hơn và nhân văn hơn bất kỳ mô hình xã hội hay kinh tế nào từng được áp dụng. Bởi vì nó là triết lý duy nhất tôn trọng phẩm giá và giá trị của mọi sinh mệnh và coi mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em được tạo ra theo hình hài của Chúa. Đó là tự do.” Phó Tổng thống Mỹ nói.

Trước hàng nghìn người tập hợp tại CPAC 2019 và hàng triệu người dân trên thế giới theo dõi qua truyền hình, ông Pence nhấn mạnh lựa chọn giữa chủ nghĩa xã hội và tự do sẽ là điều mấu chốt trong 20 tháng tới hướng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ông Pence đã dành khoảng nửa đầu bài phát biểu của mình để nói về những thành công trong chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống Donald Trump. Nghị trình giảm thuế và cắt giảm quy định của ông Trump đều là những chính sách trái ngược với chủ nghĩa xã hội và nghị trình này đã giúp nền kinh tế Mỹ bùng nổ. Trong khi đó, lập trường ‘Nước Mỹ trên hết’ kiên định của ông Trump trên vũ đài chính trị thế giới – phản công lại sự bám cứng vào toàn cầu hóa của những nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa – đã làm hồi sinh ngành công nghiệp Mỹ, tăng thêm khoảng 480.000 việc làm sản xuất cho lao động Mỹ.

Tuy nhiên, ông Pence cũng lưu ý rằng tiến bộ được tạo ra dưới thời ông Trump có thể bị đảo ngược nếu một người xã hội chủ nghĩa vươn lên được vị trí quyền lực.

Ông Pence đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ để đảng Dân chủ đưa nước Mỹ rẽ sang cánh tả và đánh mất tất cả những thành quả mà chúng ta đã vất vả chiến đấu để đạt được? Nếu chúng ta đưa ra một lựa chọn giữa tự do và chủ nghĩa xã hội, người dân Mỹ mọi lúc đều sẽ lựa chọn tự do.”

Những phát biểu của ông Pence là đồng điệu với chủ đề phát triển trong cả ngày thứ nhất và thứ hai tại CPAC năm nay. Các diễn giả chủ chốt đều vạch trần và lên án mạnh mẽ sự chuyển hướng của đảng Dân chủ tới chủ nghĩa xã hội. Mặc dù chỉ một số ít nhà lập pháp công khai nhận mình là người xã hội chủ nghĩa, nhưng có khoảng 40% Dân biểu Dân chủ tại Hạ viện là thành viên của Nhóm Cấp tiến Quốc hội do ông Sanders thành lập. Nhóm này hầu hết ủng hộ Thỏa thuận Mới Xanh và Chăm sóc y tế Toàn dân.

Theo một ước tính, riêng Thỏa thuận Mới Xanh sẽ tiêu tốn khoảng 93 nghìn tỷ USD trong thời gian 10 năm. Con số này là vượt qua tất cả chi tiêu của chính phủ ước tính trong cùng khoảng thời gian, với khoảng 33 nghìn tỷ USD. Ngoài ra, chính sách này sẽ cho phép chính phủ liên bang kiểm soát rộng lớn vào khu vực tư nhân với những mục tiêu cực đoan như thay thế tất cả các xe ô-tô động cơ đốt trong bằng động cơ điện và xây lại hoặc thay thế mọi tòa nhà tại Mỹ. Những người bảo thủ xem sự bành trướng này là sự chuyển đổi tới chính phủ cưỡng bức, kiểm soát và xa rời tự do.

Ông Pence nói: “Điều mang lại cho chúng ta nền kinh tế thịnh vượng nhất trong lịch sử thế giới là tự do, không phải chủ nghĩa xã hội. Chính là tự do, không phải chủ nghĩa xã hội đã kết thúc chủ nghĩa nô lệ, chiến thắng hai cuộc thế chiến, và tạo vị thế ngày nay là ngọn hải đăng cho hy vọng của toàn thế giới.”

“Chính là tự do, không phải chủ nghĩa xã hội đã đưa chúng ta vượt qua những định kiến trong quá khứ để tạo ra một liên minh hoàn hảo hơn và mở rộng phước lành của tự do tới mọi người Mỹ không kể sắc tộc, tín ngưỡng hay màu da. Và chính là tự do, không phải chủ nghĩa xã hội đã đem đến cho chúng ta cuộc sống chất lượng cao nhất, môi trường sạch sẽ nhất thế giới, và cải thiện sức khỏe và phúc lợi của hàng triệu người khắp thế giới. Đó là tự do,” Phó Tổng thống Pence khẳng định.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times)