Bà Mạnh Vãn Châu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính toàn cầu của Tập đoàn Huawei bị Canada bắt giữ hôm 1/12 theo yêu cầu của Mỹ được cho là sử dụng ít nhất 7 hộ chiếu khác nhau do Trung Quốc và Hồng Kông cấp.

huawei
Bà Mạnh Vãn Châu, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei. Bà Mạnh cũng là con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ảnh từ trang web của Huawei)

Theo Bộ Tư pháp Mỹ và Văn phòng Công tố Mỹ của Quận Đông New York, bà Mạnh Vãn Châu đã từng sử dụng 7 hộ chiếu khác nhau do Trung Quốc và Hồng Kông cấp để nhập cảnh thành công vào Mỹ trong 11 năm qua. Trong số này có 4 cái do Trung Quốc cấp và 3 cái do chính quyền đặc khu Hồng Kông cấp.

Tất cả 7 hộ chiếu nêu trên đều là loại có thời hạn 10 năm. Theo pháp luật Trung Quốc, công dân Trung Quốc Đại Lục không thể cùng một lúc đồng thời vừa sở hữu hộ chiếu Trung Quốc vừa có hộ chiếu Hồng Kông.

Tờ Epoch Times, dẫn lời công tố viên Mỹ Richard Donoghue viết trong một tuyên bố rằng: “Bà Mạnh hoàn toàn có thể có thêm các hộ chiếu khác mà chính phủ Mỹ không biết”.

Theo tờ Minh Báo (Hồng Kông), bà Mạnh có ít nhất một hộ chiếu Trung Quốc không bao gồm trong danh sách hộ chiếu của bà Mạnh mà công tố viên Mỹ liệt kê. Tờ báo này cho biết khi họ kiểm tra danh bạ đăng ký kinh doanh tại Hồng Kông, phát hiện rằng các hồ sơ ghi hộ chiếu Trung Quốc của bà Mạnh có một số cái bắt đầu bằng chữ P, trong khi các hộ chiếu của bà Mạnh mà công tố viên Mỹ biết được tất cả đều bắt đầu bằng chữ G.

Ông Michael Spratt, luật sư tại Ottawa chuyên về luật hình sự nói rằng khi nói đến các phiên điều trần bảo lãnh, nếu một người có nhiều hơn một hộ chiếu, điều đó có thể làm tăng thêm việc tòa án sẽ không cho cá nhân này được hưởng quyền bảo lãnh vì họ có thể dễ dàng trốn thoát.

“Khi một người có nhiều hồ sơ di trú khác nhau, điều đó có thể là khó thuyết phục tòa án rằng tất cả các hồ sơ này sẽ đều được chuyển cho cơ quan chức năng”, ông Spratt nói.

Trong phiên điều trần tại tòa án Canada hôm 7/12, các công tố viên đã bác bỏ đề nghị bảo lãnh của đội ngũ luật sư của bà Mạnh. Phiên điều trần này tiếp tục mở lại vào thứ Hai 10/12 (giờ Canada).

Các luật sư của bà Mạnh đã nói rằng bà không có ý định bỏ trốn và bà chỉ có hai hộ chiếu hợp lệ, một của Hồng Kông và một của Trung Quốc. Hộ chiếu Hồng Kông là cái bà Mạnh dùng để vào Canada và hiện tại đã bị giới chức Canada tịch thu. Đội ngũ pháp lý của bà Mạnh cho biết hộ chiếu Trung Quốc của giám đốc tài chính Huawei đã được chuyển tới Canada và bà Mạnh sẵn sàng giao nộp hộ chiếu này cho chính quyền.

Theo Epoch Times, việc bà Mạnh sử dụng nhiều hộ chiếu không phải là trường hợp hy hữu tại Trung Quốc. Trong những năm gần đây, ngày càng gia tăng việc các quan chức và giới nhà giàu Trung Quốc sở hữu nhiều hộ chiếu khác nhau với mục đích để họ có thể dễ dàng trốn chạy khỏi đất nước khi gặp rắc rối với chính quyền.

Những năm qua người giàu và quan chức Trung Quốc thường dùng tiền đầu tư vào các nước Châu Âu để tham gia “chương trình công dân” của Liên minh Châu (EU). Sự gia tăng quá mức việc cấp hộ chiếu cho công dân Trung Quốc đã khiến giới chức EU đang có ý định hủy bỏ chương trình nhập cư kinh tế này.

Tờ Epoch Times, dẫn theo báo cáo của Ủy ban Điều tra Kỷ luật Trung Ương Trung Quốc bị rò rỉ năm 2012, cho thấy hơn một nửa thành viên của quốc hội Trung Quốc có hộ chiếu nước ngoài cho dù luật pháp nước này không cho phép công dân của họ sở hữu hai quốc tịch đồng thời.

Trong vụ án tham nhũng năm 2013 của ông Lưu Thiết Nam, giám đốc Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc giai đoạn 2011-2013, báo chí Hồng Kông loan tin rằng ông này sở hữu 12 hộ chiếu của các nước khác nhau, trong đó có hộ chiếu Canada và Úc. Ông Lưu khi đó bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ 240 triệu Nhân dân tệ (khoảng 34,91 triệu USD).

Ông Chu Minh Quốc, cựu Chủ tịch Hội Nghị Chính trị Hiệp thương tỉnh Quảng Đông năm 2014 bị điều tra tội nhận hối lộ, được cho là có tới 14 hộ chiếu với các tên khác nhau. Một điều đặc biệt mà cuộc điều tra phát hiện là tất cả các hộ chiếu mang ảnh thật của ông Chu, nhưng lại ghi giới tính là nữ. Ông Chu bị kết án tử hình (hoãn thời gian thi hành án) vì tội nhận hối lộ hàng chục triệu USD.

Một trường hợp tương tự khác trong cùng năm 2014, ông Lệnh Kế hoạch – Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2007-2012, được cho là đã sở hữu 6 hộ chiếu với các tên khác nhau.

Một trường hợp khác, ông Hề Hiểu Minh – Phó Chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc năm 2015 bị phát hiện sở hữu 6 hộ chiếu và ba hồ sơ di trú do Hồng Kông và Macau cấp.

Cũng trong năm 2015, ông Chu Bản Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Hà Bắc bị điều tra vì tội nhận hối lộ. Trong cuộc điều tra này phát hiện ông Chu có tới 12 hộ chiếu khác nhau. Ông Chu vào năm 2017 đã bị kết án 15 năm tù giam vì nhận hối lộ 40,01 triệu Nhân dân tệ (khoảng 5,82 triệu USD).

Xuân Thành

Xem thêm: