Gần ba triệu người tại Mindano, miền Nam Philippines hôm thứ Hai (21/1) đang tham gia bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự trị của khu vực có đa số dân Hồi giáo này.

Embed from Getty Images

Những người bỏ phiếu trưng cầu dân ý được hỏi liệu họ có ủng hộ kế hoạch tạo ra khu tự trị Bangsamoro do những người ly khai đề xuất hay không. Bangsamoro được hiểu là ‘Quốc gia của Moro’ – tên do thực dân Tây Ban Nha đặt cho khu vực Philippines có nhiều người Hồi giáo.

Cuộc bỏ phiếu này được cho là một giải pháp chính trị đột phá cho hàng thập kỷ xung đột giữa những người Hồi giáo ly khai và quân đội chính phủ Philippines. Theo BBC, có hơn 120.000 người đã thiệt mạng trong nhiều thập kỷ xung đột vừa qua.

Kết quả trưng cầu dân ý dự kiến sẽ được công bố vào thứ Sáu (25/1) và nhiều người dự báo đa số người dân sẽ lựa chọn ủng hộ thành lập khu tự trị Bangsamoro.

Tại sao cuộc bỏ phiếu này có ý nghĩa?

Cuộc trưng cầu dân ý lần này là kết quả của một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Philippines và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) – lực lượng hàng thập kỷ qua đã bền bỉ đấu tranh cho quyền độc lập của người Hồi giao tại Philippines.

Chính phủ Philippines cho tới nay vẫn không thể mang lại hòa bình thực sự cho các vùng miền nam có đông dân Hồi giáo.

Tuy nhiên, mới đây các bên đã đạt được hiệp định hòa bình khi các chiến binh MILF đồng ý từ bỏ yêu sách thành lập nhà nước độc lập hoàn toàn, đổi lại họ sẽ chấp nhận lập ra một khu tự trị mới.

MILF nói rằng đây là cách tốt nhất để giúp họ kiềm chế các nhóm phiến quân nhỏ hơn, cực đoan hơn, trong đó một số nhóm liên kết với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Người dân đang bỏ phiếu cho điều gì?

Trong lá phiếu trưng cầu dân ý có nội dung hỏi người dân đồng ý hay không việc thành lập Khu vực Tự trị Bangsamoro – bao phủ các khu vực Mindanao có đa số người Hồi giáo sinh sống.

Động thái này sẽ chuyển một số quyền lực từ chính quyền trung ương Philippines sang cho chính quyền khu tự trị, mang lại nhiều tài chính cho địa phương hơn và chính quyền tự trị cũng được kiểm soát nguồn tài nguyên khu vực.

Khu tự trị mới này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2022 và các cử tri sẽ có thể bầu ra quốc hội tự trị và người đứng đầu khu tự trị.

Chính phủ trung ương tại Manila vẫn sẽ kiểm soát lực lượng an ninh, quân đội, ngoại giao và chính sách tài chính của khu tự trị.

MILF kỳ vọng sẽ trở thành một lực lượng chính trị quan trọng trong khu vực tự trị mới.

Nếu mô hình này thành công, đây có thể là bước đệm dẫn tới việc Philippines sẽ thành lập một hệ thống chính trị liên bang trên toàn quốc.

Xuân Thành