Một công ty nhà nước Trung Quốc liên kết với China Telecom mới đây đã được giới chức Philippines giao triển khai dự án quy mô lớn lắp đặt “hệ thống giám sát video” trong nhiều thành phố lớn tại Philippines. Động thái này làm dấy lên quan ngại rằng những dữ liệu nhạy cảm của quốc gia Đông Nam Á này sẽ lọt vào tay chế độ Trung Quốc và bị sử dụng vào những mục đích gây hại cho an ninh quốc gia.

camera giám sát
Thủ đoạn giám sát người dân của nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn, ngày càng có nhiều công cụ hơn, tiêu biểu như dữ liệu lớn, dự án Skynet, nhận diện khuôn mặt… đều được sử dụng để “duy trì ổn định” (Ảnh: Guang Niu/Getty Images).

Theo tờ Philippine Daily Inquirer, trong cuộc thảo luận toàn thể về ngân sách quốc gia 2019 của Quốc hội Philippines hôm 12/12, nghị sĩ Ralph Recto đã nói rằng dự án “hệ thống giám sát video” có thể đặt ra “mối đe dọa an ninh”.

Trong phát biểu của mình, ông Recto thu hút sự chú ý bằng việc đề cập tới nhà cung cấp thiết bị Huawei – công ty của Trung Quốc đang bị nhiều nước liệt vào danh sách đen vì cáo buộc xâm nhập mạng và gián điệp.

Mới đây, Epoch Times có bài báo cho biết các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo không nên mua điện thoại Huawei và công ty này được cho là đã đặt “cửa hậu” (back door) vào các sản phẩm của họ và từ đó được chế độ Trung Quốc sử dụng cho việc gián điệp các nước.

Nghị sĩ Recto cũng cảnh báo rằng dự án của Philippines nêu trên có thể gây tổn hại cho cơ sở hạ tầng viễn thông địa phương vì nhà thầu Trung Quốc – Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Quốc tế Trung quốc, một công ty liên kết của Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc, đối tác của Mislatel Consortium gần đây đã thắng thầu trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn tiếp theo của Philippines.

“Trung Quốc sẽ tiếp cận vào việc giám sát, các dữ liệu Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP), và dữ liệu lớn khác của người dân Philippines”, ông Recto nói và nhấn mạnh thêm rằng “chúng ta sẽ phải trả giá cho điều đó. Thật điên rồ”.

Việc các công ty công nghệ Trung Quốc có thể tiếp cận dữ liệu của hàng triệu cá nhân công dân Philippines đặt ra mối quan ngại lớn bởi vì những công ty Trung Quốc này bị cáo buộc có liên kết với bộ máy an ninh, tình báo của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trong một bài phân tích gần đây trên Epoch Times, tác giả Joshua Philipp cho biết: “Nhìn vào lãnh đạo cấp cao của công ty này, cho thấy rằng Huawei có mối quan hệ gần gũi không chính thức với lực lượng an ninh, quân đội Trung Quốc và phe phái chính trị ĐCSTQ liên kết với cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân”.

Một bài báo khác của Tổng biên tập Epoch Times Jasper Fakkert có tựa đề “Huawei: Công cụ Gián điệp, Lật đổ và Thống trị Công nghệ”, lập luận rằng “Huawei cũng đóng vai trò quan trọng trong các chương trình giám sát quần chúng, lạm dụng nhân quyền và thống trị công nghệ của ĐCSTQ”.

Vỏ bọc “quản lý hiệu quả trật tự công cộng”

Phản hồi quan ngại của ông Recto, Nghị sĩ Loren Legarda nói rằng dự án hệ thống giám sát của Philippines là nhằm mục đích cải thiện khả năng của chính phủ trong việc “quản lý hiệu quả trật tự công cộng, an ninh và an toàn thông qua việc sử dụng công nghệ viễn thông và thông tin hiện đại sẵn có”.

Ông Legarda nói thêm rằng dự án này “hướng tới giảm 15% tội phạm và cải thiện thời gian phản ứng 25%”.

Theo Philippine Daily Inquirer, dự án giám sát video mà chính phủ Philippines sắp triển khai dự kiến lắp đặt khoảng 12.000 camera an ninh tại Khu đô thị Manila và Thành phố Davao. Đây là giai đoạn một của “Dự án Philippines An toàn”.

Theo Epoch Times, chương trình lắp đặt camera an ninh nêu trên là một trong 29 thỏa thuận mà chính phủ Philippines đã ký với Trung Quốc trong chuyên thăm cấp nhà nước tới Philippines vào tháng trước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hệ thống giám sát của Philippines sẽ dùng sản phẩm của Huawei

Theo tờ Rappler (Philippines), một quan chức Huawei mới đây đã nói rằng hệ thống tính điểm tín nhiệm xã hội gây tranh cãi mà Huawei triển khai ở Trung Quốc có thể sẽ sớm trở thành hiện thực tại Philippines.

Quan chức cấp cao của Huawei mà Rappler không nêu tên nói với các lãnh đạo doanh nghiệp trong một diễn đàn gần đây tại Manila rằng gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc muốn lắp đặt mạng lưới camera khắp đất nước Philippines.

“Huawei muốn biết bạn ăn gì, bạn sẽ đi đâu để đảm bảo sự an toàn của bạn”, vị quan chức của Huawei nói.

Vị quan chức này cũng nói rằng các biện pháp an ninh như máy quét tia X là không cần thiết và gây phiền phức: “Khi bạn đi vào một khách sạn tại Philippines, bạn bị sàng lọc và bảo vệ thích chạm vào bạn. Tôi không biết tại sao”.

Vị quan chức Huawei sau đó nhấn mạnh tới những lợi ích của hệ thống camera an ninh tiến tiến của Huawei với việc trang bị trí tuệ nhân tạo và máy học.

Ông này cũng dẫn chứng về một trường hợp tại Trung Quốc khi sĩ quan an ninh có thể giải cứu một đứa trẻ bị bắt cóc tại Bắc Kinh trong chỉ vài giờ nhờ vào hệ thống camera giám sát toàn diện.

Quan chức Huawei lập luận rằng các camera thông minh của hãng này sẽ làm các giao dịch trong chính quyền và các thể chế dễ dàng, nhanh chóng hơn.

“Khi bạn đi tới ngân hàng, các camera sẽ quét hình bạn. Khi bạn đi tới chỗ giao dịch viên và nói với họ điều bạn muốn, nhân viên ngân hàng này sẽ biết tài liệu bạn thiếu vì camera trước đó đã xác định được danh tính của bạn rồi”, quan chức Huawei nói.

Ông này nói thêm: “Khi bạn đi tới một văn phòng chính quyền khác để lấy tài liệu đó, cơ quan đó sẽ biết được cái bạn cần rồi và cung cấp những tài liệu cho bạn. Các giao dịch sẽ nhanh hơn”.

Công nghệ camera thông minh này hiện cũng đang được sử dụng tại Trung Quốc cho các mục đích xếp hạng công dân bằng “điểm tín nhiệm xã hội” hoặc xác định danh tính những người có tiếng nói bất đồng với chính quyền.

Trung Quốc đang trở thành xã hội bị kiểm soát toàn diện

ĐCSTQ đã áp dụng sâu rộng công nghệ nhận diện khuôn mặt trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Công nghệ này được sử dụng để hỗ trợ phục vụ bữa ăn cho sinh viên tại các căng tin ở trường học, trả tiền hàng hóa tại các cửa hàng, trở thành vé máy bay “ảo” cho các chuyến bay và thậm chí dùng để ngăn chặn hành vi ăn cắp giấy vệ sinh tại các nhà vệ sinh công cộng.

Đặc biệt, chế độ ĐCSTQ đã xây dựng hệ thống camera an ninh toàn quốc, được gọi là Skynet, sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và các tính năng trí tuệ nhân tạo khác để thu thập thông tin cá nhân của tất cả những người trên đường phố theo thời gian thực. Hiện tại, toàn Trung Quốc đã lắp đặt hơn 20 triệu camera an ninh dạng này và kế hoạch tới năm 2020, chính quyền ĐCSTQ sẽ lắp đặt camera an ninh trên toàn đất nước Trung Quốc.

Chế độ ĐCSTQ tung hô hệ thống camera an ninh này đóng vai trò là công cụ hiệu quả để ngăn chặn tội phạm, nhưng ngoại giới quan ngại rằng công nghệ giám sát này sẽ biến Trung Quốc thành một đất nước bị kiểm soát hoàn toàn như trong tác phẩm 1984 của tiểu thuyết gia người Anh George Orwell.

Theo Epoch Times, công nghệ Skynet gần đây đã phát hiện và bắt giữ một người bất đồng chính kiến Trung Quốc. Người này đã bị cảnh sát mặc thường phục tiếp cận tại ga xe lửa tỉnh Quảng Châu sau khi tên của anh ta xuất hiện trong danh sách “truy nã”.

ĐCSTQ do lo ngại về bất ổn sắc tộc tại Tân Cương nơi có đa số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sinh sống, nên họ đã triển khai phần mềm an ninh dự báo nghi phạm tiềm năng. Phần mềm này sẽ sử dụng dữ liệu từ các camera an ninh, kiểm soát thẻ căn cước cá nhân và các hồ sơ cá nhân khác, sau đó phân tích dữ liệu và đưa ra cảnh báo những cá nhân nào là các đối tượng “đáng nghi”.

Tân Bình (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: