Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ Sáu (27/12) cho biết nước này đã cấm hai nghị sĩ Mỹ nhập cảnh và sẽ xem xét giới thiệu các hạn chế nhập cảnh chặt chẽ hơn đối với công dân Mỹ nếu Washington thực thi chế tài về vụ giam giữ nhà bất đồng chính kiến hàng đầu Philippines.

Embed from Getty Images

Hai nghị sĩ Mỹ bị Philippines tuyên bố cấm nhập cảnh là các ông Richard Durbin và Patrick Leahy, thành viên của Đảng Dân chủ.

Tổng thống Duterte sẽ áp đặt yêu cầu thị thực lên công dân Mỹ nếu bất kỳ quan chức Philippines nào liên quan tới vụ tống giam Thượng nghị sĩ Leila de Lima bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ.

Động thái nêu trên của ông Duterte đến sau khi tuần trước Quốc hội Mỹ chuẩn thuận luật ngân sách 2020, trong đó có điều khoản do hai Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Durbin và Patrick Leahy giới thiệu chống lại bất kỳ ai liên quan tới việc bắt giam bà Leila de Lima.

Thượng nghị sĩ Leila de Lima bị bắt giam vào năm 2017 với cáo buộc tội ma túy sau khi bà lãnh đạo một cuộc điều tra những vụ giết người hàng loạt trong cuộc chiến ma túy của Tổng thống Duterte. Bà De Lima cũng đã kêu gọi quốc tế điều tra cuộc chiến ma túy của tổng thống Philippines, trong đó hàng nghìn người đã bị giết hại.

>>Philippines: Hàng ngàn người biểu tình chống Tổng thống Duterte

Bà De Lima từng là bộ trưởng tư pháp trong chính quyền trước và đã nhận được nhiều giải thưởng từ các tổ chức nhân quyền. Các tổ chức này coi cựu nghị sĩ là tù nhân lương tâm Philippines.

Phát  biểu với báo giới trong cuộc họp báo hôm 27/12, phát ngôn viên của tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo cho hay: “Chúng tôi sẽ không ngồi yên nếu họ [Mỹ] tiếp tục can thiệp vào các quy trình nhà nước độc lập của chúng tôi”.

Vị phát ngôn viên này nói thêm rằng chính phủ Philippines đang cân nhắc một chính sách thị thực mới, trong đó quy định tất cả người Mỹ muốn vào Philippines có thể đều cần phải xin cấp thị thực.

Hiện nay, Philippines cấp phép nhập cảnh miễn thị thực tối đa 30 ngày cho tất cả công dân Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm nay, 792.000 người Mỹ thăm Philippines, chiếm gần 13% số người nước ngoài tới đảo quốc Đông Nam Á này, theo Reuters.

Ông Panelo tuyên bố các hạn chế thị thực mà Mỹ áp dụng lên các quan chức Philippines liên quan đến vụ bắt giữ bà De Lima là phi lý vì bà ta không bị bỏ tù sai mà đang bị tạm giam để xét xử hành vi phạm pháp.

Trường hợp của Thượng nghị sĩ De Lima không phải là một trong các vụ bức hại, mà đó là tố tụng,” ông Panelo nói.

Reuters cho biết họ đã liên lạc với Đại sứ Mỹ tại Manila và Bộ Ngoại giao Mỹ để yêu cầu cung cấp thêm thông tin, nhưng không nhận được phản hồi.

Trong khi đó, phát ngôn viên của nghị sĩ Leahy, ông David Carle đã gọi những cáo buộc mà chính phủ Philippines nhắm vào bà De Lima có động cơ chính trị.

Công dân Philippines và mọi người dân ở bất kỳ đâu đều có quyền tự do biểu đạt ý kiến của họ, trong đó có những ý kiến có thể là phê bình các chính sách của chính phủ liên quan tới việc sử dụng vũ lực quá mức và từ chối tiến trình pháp lý phù hợp,” ông David Carle nói.

Ông Carle cũng nói với Reuters rằng nghị sĩ Leahy không có kế hoạch tới thăm Philippines và khẳng định ông Leahy không biết về bất kỳ quan chức nào từ Philippines sẽ đến Mỹ.

Mặc dù Mỹ là đồng minh quân sự lớn nhất của Philippines và hàng triệu người Philippines có họ hàng mang quốc tịch Mỹ, nhưng từ khi lên cầm quyền năm 2016, ông Duterte không giấu giếm sự khinh miệt nước Mỹ, cáo buộc Washington đạo đức giả và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Xuân Thành