Gần đây, Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đã triển khai hành động thống nhất “Không còn nơi lẩn trốn” trên phạm vi cả nước thông qua 12 văn phòng tại New York, San Francisco, Atlanta, Los Angeles… Tổ chức này đã bắt giữ 39 người nước ngoài bị tình nghi xâm phạm nhân quyền đang cư trú trong lãnh thổ Mỹ. Những người này sẽ được dẫn độ về đất nước của mình.

my trung phat buc hai nhan quyen
(Ảnh: EpochTimes)

Không lâu sau khi công bố “Thông báo” sẽ thu thập danh sách những thủ phạm bức hại Pháp Luân Công, ngày 10/9 vừa qua, trang mạng Minghui tiếp tục ra báo cáo tuyên bố thu thập và gửi danh sách này cho Cơ quan Di trú Mỹ.

Báo cáo cho biết, danh sách cá nhân từng tham gia bức hại Pháp Luân Công đã hoặc đang cư trú lâu dài tại Mỹ, bao gồm cả di dân hợp pháp và bất hợp pháp, thăm thân, thăm bạn thời gian lâu… sẽ được đệ trình lên Cơ quan di trú và Hải quan Mỹ, yêu cầu trục xuất những thủ phạm này ra khỏi lãnh thổ Mỹ.

Danh sách thu thập được bao gồm những ai từng ngược đãi người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại lục và các quốc gia khác (đặc biệt là Mỹ).

Suốt thời gian dài vừa qua, Mỹ đã thực thi các biện pháp chế tài với những cá nhân phạm tội phản nhân loại và đàn áp nhân quyền, bao gồm việc trục xuất ra khỏi lãnh thổ. Ví dụ điển hình nhất là vài chục năm sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai kết thúc, Mỹ vẫn trục xuất những tội phạm phát xít từng cai quản trong trại tập trung Đức quốc xã ra khỏi lãnh thổ. Theo hiến pháp của Mỹ, những người phạm tội phản nhân loại và có ý đồ tới Mỹ để thoát khỏi sự trừng phạt tại bất cứ nơi nào trên thế giới đều phải chịu trách nhiệm về những tội ác do mình gây ra.

Căn cứ theo nguyên tắc này, Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ đã thành lập “Trung tâm người bức hại nhân quyền và tội phạm chiến tranh” (Gọi tắt là HRVWCC), chuyên điều tra về phương diện bức hại nhân quyền đối với cư dân trong lãnh thổ, nhằm tránh biến Mỹ trở thành nơi lánh nạn của những kẻ bức hại nhân quyền. Các phương diện điều tra bao gồm: đàn áp nhân quyền, tội phạm chiến tranh, diệt chủng, tra tấn, giết người ngoài vòng pháp luật, đàn áp nghiêm trọng tự do tôn giáo…

Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ nhận thấy những người bức hại nhân quyền trốn sang Mỹ nhằm thoát tội không chỉ vi phạm luật pháp của nước Mỹ, mà họ thông thường còn ôm giữ lòng thù địch với Mỹ, gây ra mối đe doạ tới an ninh quốc gia của Mỹ. “Trung tâm người bức hại nhân quyền và tội phạm chiến tranh” bắt đầu triển khai hành động “Không còn nơi lẩn trốn” (No Safe Haven) từ năm 2014. Hoạt động này sẽ bắt giữ, khởi tố và áp giải ra khỏi lãnh thổ đối với những người được xác thực và bị tình nghi là bức hại nhân quyền và tội phạm chiến tranh theo pháp luật. Hành động này đã tiến hành được 5 lần, bắt đầu từ năm 2014.

Mới đây, hành động này đã được triển khai và đã tiến hành bắt giữ 39 người nước ngoài bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền đang sống tại Mỹ, trong đó có bốn người Trung Quốc tham gia vào việc kiểm soát cưỡng bức việc sinh đẻ. Những người này sẽ bị trục xuất về nước.

Những năm gần đây, chính phủ Mỹ đưa ra những chế tài với kẻ bức hại nhân quyền người Trung Quốc, từ phương diện lập pháp cho tới hành pháp đều được tăng cường một cách rõ rệt. “Trung tâm người bức hại nhân quyền và tội phạm chiến tranh” cùng với toà án quốc tế, cơ quan hành pháp của các nước và Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế đã hợp tác để nhận biết tội phạm. 

Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tìm kiếm và giúp đỡ nhân chứng. Khi nói về việc làm sao có thể sử dụng luật pháp hữu hiệu hơn để chế tài thủ phạm đàn áp nhân quyền, trong đó có cuộc bức hại Pháp Luân Công, các quan chức Mỹ đã nói: “Chúng tôi cần sự trợ giúp của các bạn, cần các bạn cung cấp manh mối cho chúng tôi.”

Báo cáo của Minghui nêu rõ: Hiện giờ chúng tôi đang thu thập danh sách người hành ác đang cư trú tại Mỹ, từng tham gia bức hại Pháp Luân Công và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng tại Trung Quốc và các quốc gia khác (đặc biệt là Mỹ) dưới mọi hình thức khác nhau. Chúng tôi sẽ tập hợp danh sách những người hành ác và đệ trình lên Cơ quan Di trú Mỹ, yêu cầu bắt giữ và trục xuất khỏi lãnh thổ.

Báo cáo cũng kể ra các đối tượng được thu thập trong danh sách chia làm hai nhóm đối tượng.

Thứ nhất, những người hiện đang cư trú tại Mỹ, từng hành ác tại Trung Quốc Đại lục, các hành vi tà ác bị tố cáo bao gồm:

  • Tra tấn, ngược đãi, sốc điện, sát hại (Bao gồm người ra lệnh, người thực thi)
  • Hệ thống tư pháp xét xử phi pháp người tập Pháp Luân Công hoặc cưỡng bức lao động dẫn tới việc sau này bị tra tấn, sát hại (Bao gồm nhân viên cảnh sát, toà án, viện kiểm sát)
  • Cung cấp tình báo dẫn tới việc bị bắt cóc, bị nhục hình và giết hại (Bao gồm người phụ trách tại đơn vị, đồng nghiệp, người đi đường tố cáo người Pháp Luân Công)

Thứ hai, những người từng tham gia bức hại tại Mỹ và các quốc gia khác, hiện đang cư trú tại Mỹ, các hành vi tà ác bị tố cáo gồm:

  • Nhục mạ, chửi bới, đánh đập người tập Pháp Luân Công tại các điểm nói rõ sự thật về cuộc đàn áp tại Trung Quốc; cướp đoạt, gây tổn thất vật chất.
  • Nhục mạ, chửi bới người tập Pháp Luân Công tại hiện trường nơi Shen Yun biểu diễn.

Hồi tháng 7, khi mạng Minghui lần đầu tiên tuyên bố đệ trình danh sách thủ phạm bức hại lên chính phủ Mỹ, một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác thực đã nhận được danh sách này và cho biết họ sẽ có hành động thích đáng. Ông cũng nói rằng tất cả những trường hợp bị từ chối cấp thị thực do vi phạm nhân quyền trước nay đều liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Quan chức Chính phủ Mỹ còn cho hay, số lượng nhân sự tại các văn phòng có liên quan đến việc xem xét hạn chế cấp thị thực cho thủ phạm đàn áp nhân quyền ở các quốc gia khác nhau cũng đã tăng lên gấp đôi. Thêm nữa, hiện có tới 28 quốc gia đã xây dựng hoặc đang chuẩn bị xây dựng Đạo Luật Magnitsky Toàn cầu tương tự Hoa Kỳ, nhằm từ chối thị thực và đóng băng tài sản ở nước ngoài của những ai đàn áp nhân quyền, trong đó có thủ phạm bức hại Pháp Luân Công.

Minh Ngọc

Xem thêm: