Các chuyên gia về hàng hải tin rằng phán quyết năm ngoái của Tòa Trọng tài Tối cao (PCA) ủng hộ tuyên bố của Philippines về chủ quyền biển đảo ở biển Đông có thể sớm trở thành vô nghĩa nếu chính phủ quốc gia Đông Nam Á này không có bất kỳ hành động nào trên thực địa để khẳng định chủ quyền.

Năm ngoái, Tòa Trọng tài Tối cao đã ra phán quyết ủng hộ lập luận về quyền lợi hàng hải ở biển Đông của Philippines. Điều này là đòn pháp lý mạnh mẽ giáng xuống tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển giàu nguồn lợi thủy sản và tài nguyên thiên nhiên này.

Người dân Philippines biểu tình yêu cầu Tổng thống Duterte  phải bảo vệ chủ quyền biển đảo

Tuy nhiên, Tổng thống Duterte vào tháng 7/2016 đã từ chối thúc đẩy phán quyết đó, bỏ qua nỗ lực theo đuổi tiến trình khẳng định chủ quyền trên biển của cựu Tổng thống Benigno Aquino III. Ông Duterte lờ đi phán quyết của Tòa trọng tài Tối cao có lợi cho Philippines là vì ông muốn phá băng mối quan hệ với Trung Quốc và quan điểm này vẫn được chính quyền Duterte duy trì tới hiện nay.

Luật sư Jay Batongbacal, giám đốc Viện nghiên cứu Các vấn đề Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines mới đây đã nói rằng chính quyền Philippines nên thúc đẩy vấn đề chủ quyền biển đảo trong khi nước này vẫn còn có thể.

Ông Batongbacal cho hay: “Thời điểm thích hợp để nêu lên phán quyết [của Tòa án Trọng tài Tối cao] là thời điểm mà Trung Quốc có thể vẫn làm điều gì đó, và Philippines có thể vẫn duy trì tiếp cận hoặc ít nhất đạt được một thỏa thuận công bằng với Trung Quốc về những gì đang diễn ra tại biển Đông và biển Tây Philippines, đó là một phần lãnh thổ của chúng ta”.

Nếu Philippines không đề cập gì tới vấn đề này, nước này có thể mất hoàn toàn quyền tiếp cận tới vùng lãnh hải của họ ở biển Đông khi mà Trung Quốc đã thiết lập hoàn toàn quyền thống trị của họ ở vùng biển này.

Cái cách mà mọi thứ đang diễn ra đó là vấn đề, sẽ có một thời điểm mà tài phán trên thực tế có thể trở nên vô nghĩa, đơn giản bởi vì Trung Quốc sẽ đạt được quyền thống trị hoàn toàn ở biển Đông. Họ đã và đang thiết lập sự hiện diện của họ ở đó rồi. Họ đang tự do làm mọi thứ mà họ muốn dù là các hoạt động quân sự, bán quân sự hay dân sự”. Luật sư Batongbacal giải thích như vậy và nhấn mạnh rằng phán quyết phân mốc lãnh hải của Tòa Trọng tài Tối cao năm ngoái có thể sẽ sớm trở nên “vô hiệu”.

Ông Batongbacal nói thêm: “Do vậy một lúc nào đó, sẽ hầu như không thể thúc đẩy lại [phán quyết của Tòa] và đó là điều tôi thực sự rất lo lắng, thời điểm đó thực sự sẽ đến rất nhanh”.

Đối với luật sư Batongbacal, bây giờ là thời điểm quan trọng để nói về phán quyết để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Philippines tại biển Đông.

Ông Batongbacal nói: “Đó là lý do tại sao chúng ta phải đưa vấn đề này lên ngay bây giờ để chúng ta có thể thiết lập được một số cơ chế bảo vệ. Chúng ta ít nhất nên bảo vệ quyền tiếp cận của chúng ta với các nguồn tài nguyên ở vùng biển này”.

Xuân Thành

Xem thêm: