Ngày 29/6/2019, Washington Post đăng bức thư ngỏ công khai ký tên chung của nhiều trí thức Mỹ gửi Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ có tên “Trung Quốc không phải kẻ thù [của Mỹ]” (China is not an enemy). Bức thư thể hiện quan điểm rằng việc Mỹ “xem Trung Quốc là kẻ thù của Mỹ là không đúng” và đề xuất kiến nghị 7 điểm gọi là “vấn đề Mỹ đối với Trung Quốc và yếu tố cơ bản giúp chính sách của Mỹ hiệu quả hơn”.

Những người viết khởi xướng bức thư ngỏ trên tiêu biểu gồm: Giáo sư M. Taylor Fravel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, nhà nghiên cứu cao cấp Michael Swaine của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương là Susan Thornton, giáo sư danh dự Ezra Feivel Vogel của Khoa học xã hội tại Đại học Harvard… Kết luận của thư cho biết: “Chúng tôi tin rằng với số lượng lớn chữ ký trong bức thư ngỏ này cho thấy rõ ràng, không giống như một số người nghĩ, Washington không có sự đồng thuận chung ủng hộ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.”

Liên quan đến nội dung bức thư ký tên chung của hơn một trăm người, bao gồm học giả, cựu quan chức ngoại giao và sĩ quan quân đội cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp này, tờ EpochTimes tại Mỹ đã đăng tải quan điểm phản bác của nhà quan sát Tằng Tranh (Ceng Zheng) nhằm làm rõ lại về 7 điểm trong lá thư ngỏ nêu trên. Ông Tằng Tranh là người từng làm việc trong chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với vai trò là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Thứ nhất, ông Tằng Tranh cho rằng bức thư ngỏ này xác định “Trung Quốc không phải kẻ thù” là đúng, nhưng những người viết thư lại không hiểu được kẻ thù đó phải là ĐCSTQ mới đúng. Ông Tằng bày tỏ sự thất vọng khi ngày càng nhiều người trong giới chính trị và chuyên gia Trung Quốc bắt đầu phân biệt rõ vấn đề này, mà vẫn còn rất nhiều người là học giả nổi tiếng, cựu quan chức ngoại giao, quan chức quân đội, lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ lại không phân biệt rõ giữa Trung Quốc và ĐCSTQ.

Ông cho rằng phải hiểu rõ, bởi vì ĐCSTQ là cỗ máy cai trị tuyệt đối duy nhất ở Trung Quốc hiện nay, cho nên khi thảo luận “Mỹ ứng xử với Trung Quốc”, đối tượng đề cập phải là ĐCSTQ. Tiền đề cơ bản để tìm được phương pháp là phải hiểu rõ về tính chất, tư tưởng và mục tiêu của ĐCSTQ. Nói cách khác, mọi người định nghĩa ĐCSTQ là như thế nào, nếu không làm rõ vấn đề này thì không thể đề xuất bất kỳ phương pháp đúng đắn nào.

Ông cho biết, đánh giá vấn đề từ tuyên ngôn và lịch sử đẫm máu của ĐCSTQ, không khó để kết luận: ĐCSTQ thực chất là một đảng bất chính, không ngại chiếm giữ quyền lực bằng thủ đoạn tàn sát hàng loạt, mục tiêu là phá hoại nền văn minh nhân loại và hủy diệt cả loài người. Mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ triệt để hệ thống xã hội đang hiện hữu.

Nhìn lại hai bài phát biểu vào năm 2003 và 2005 của tướng Trung Quốc Trì Hạo Điền (Bộ trưởng Quốc phòng ĐCSTQ giai đoạn 1993 – 2003) được phổ biến rộng rãi trên mạng internet, tựa đề lần lượt là: “Chiến tranh đang là hướng đi của chúng ta” và “Chiến tranh cách chúng ta không xa, đó là bệ phóng của thế kỷ Trung Hoa”. Mặc dù chưa thể xác minh thực hư vấn đề này, nhưng giới phê bình phổ biến cho rằng những phát biểu là thể hiện đúng tâm thái của ĐCSTQ.

Qua những phát biểu đó, ngoài cổ vũ cho cuộc chiến “Thế kỷ Trung Hoa”, Trì Hạo Điền còn bàn về lý do cần có cuộc chiến. Theo đó để không gian sống của dân tộc Trung Hoa rộng lớn hơn, giữ vững vị thế cầm quyền của ĐCSTQ, nhất định phải “thúc đẩy người dân Trung Quốc hướng ra ngoài, mở rộng phát triển ở nước ngoài”.

Tương tự vào năm 2005, một vị tướng khác của ĐCSTQ là Chu Thành Hổ (Cheng Chenghu) đe dọa bắn đạn hạt nhân đến nước Mỹ, cảnh cáo sẽ hủy diệt hàng trăm thành phố của Mỹ.

Trong những năm gần đây, mối đe dọa chiến tranh đã được thay thế bằng con đường “hòa bình” hơn và ít hiểm họa hơn, đó là cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa” hoặc “Phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.

Thế nhưng, mục tiêu và tâm thái của ĐCSTQ chưa bao giờ thay đổi. ĐCSTQ hy vọng sẽ lật đổ hoặc thay thế trật tự thế giới hiện có, thực hiện trật tự và quy tắc riêng của họ, như trong tuyên bố nổi tiếng vào thời kỳ đầu: “Giai cấp vô sản chỉ có thể được giải phóng bằng cách giải phóng toàn nhân loại”.

Nếu chúng ta hiểu tâm thái và mục tiêu của ĐCSTQ, chúng ta sẽ không ôm ấp bất kỳ ảo tưởng phi thực tế nào, tức cho rằng ĐCSTQ có thể trở thành một phần của xã hội văn minh quốc tế.

Thứ hai, sau 40 năm “cho Trung Quốc hội nhập”, bài học lớn nhất và đau đớn nhất mà Mỹ và thế giới tự do học được là: “Để Trung Quốc hội nhập” đã không mang lại những thay đổi bên trong Trung Quốc mà thế giới hy vọng. Nhiều chính trị gia Mỹ và chuyên gia Trung Quốc đã thể hiện quan điểm này. Ngay cả người bạn cũ của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân là Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein cũng đã bày tỏ nỗi thất vọng của bà. Tại buổi điều trần về “Hoạt động gián điệp phi truyền thống của Trung Quốc đối với Mỹ: Chính sách đáp lại mối đe dọa và hiểm họa ngầm”, bà phát biểu rằng nhiều thập kỷ “hy vọng” thiết lập quan hệ tốt với Trung Quốc đã bắt đầu gây “mâu thuẫn gay gắt” trong Thượng viện Mỹ.

Giống như câu cách ngôn nổi tiếng, “Khi lần đầu bị một kẻ lừa gạt thì đó là ô nhục của kẻ lừa gạt, nhưng bị kẻ đó lừa gạt lần thứ hai thì ô nhục là chính người bị mắc lừa.” Không nên tiếp tục lặp lại kéo dài những sai lầm này.

Thứ ba, thư ngỏ công khai cho biết: “Mặc dù sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và quân sự giúp cho Bắc Kinh giành được vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, nhưng nhiều quan chức và nhân vật giới tinh hoa khác của Trung Quốc (ĐCSTQ) đều hiểu con đường hợp tác ôn hòa, chân thành và thiết thực với phương Tây là tốt hơn cho lợi ích của Trung Quốc (ĐCSTQ). Thái độ thù địch của Washington đối với Bắc Kinh đã làm suy yếu tầm ảnh hưởng của những tiếng nói này, có lợi cho những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn. Dưới sự cân bằng thỏa đáng của cạnh tranh và hợp tác, các hành động của Mỹ có thể tăng cường hỗ trợ những lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ) mong muốn Trung Quốc (ĐCSTQ) phát huy vai trò mang tính xây dựng trong các vấn đề thế giới.”

Ông Tằng cho biết trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy cái gọi là “người lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn Trung Quốc (ĐCSTQ) phát huy vai trò mang tính xây dựng trong các vấn đề thế giới.” Thực tế, nội bộ ĐCSTQ có những phe phái khác nhau, đối đầu quyết liệt với nhau. Cần nhận thấy rằng, tất cả những cuộc đấu tranh nội bộ này chỉ nhằm duy trì hoặc giành quyền lực chính trị chứ không mang tính chất theo kiểu đấu tranh giữa giới lãnh đạo theo dân chủ và chống dân chủ.

Nếu nhìn lại lịch sử ĐCSTQ, có thể thấy rõ có hai thực tế:

Trước hết, không ai có thể thay đổi thành công ĐCSTQ từ bên trong, ngay cả một số cựu lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ như Hồ Diệu Bang (1915 – 1989) và Triệu Tử Dương (1919 – 2005), họ từng được coi là “nhà cải cách” trong Đảng, nhưng đều thất bại, họ không mang lại được bao nhiêu thay đổi, còn phải giã từ cõi đời trong thống khổ. Những người có ý muốn thực hiện bất kỳ thay đổi tích cực nào, cuối cùng đều bị gạt ra bên lề, thậm chí chết trong đau đớn. Lý do là, nếu cá nhân lãnh đạo nào đó mà mức độ gian ác không tương xứng mức độ gian ác của ĐCSTQ thì người đó khó có thể giữ được vị trí đứng đầu, tất yếu bị Đảng loại bỏ. Do đó, “bất kỳ tưởng tượng “thế lực tốt” nào trong ĐCSTQ có thể phát huy được vai trò trong Đảng, thúc đẩy thay đổi tích cực chỉ là ảo tưởng, thậm chí rất tai hại.”

Thứ nữa, ông Tằng kêu gọi hãy nhìn lại cảnh sau khi ĐCSTQ lên cầm quyền, quá nhiều trí thức cấp cao và người bình dân Trung Quốc lựa chọn gia nhập ĐCSTQ, trở về Trung Quốc và ở lại Trung Quốc nhưng đã bị ĐCSTQ giết chết, vì họ tin vào ĐCSTQ, hoặc “lãnh đạo tốt” trong ĐCSTQ.

Một lần nữa, chúng ta nên chú ý và tìm bài học xương máu qua vô số mạng sống đã bị hủy hoại.

>>> Có bao nhiêu người chết trong “Cách mạng Văn hóa”?

Thứ tư, thư ngỏ công khai cho biết: “Nhiều quan chức và nhân vật tinh hoa khác của Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng biết con đường hợp tác ôn hòa, thiết thực và chân thành với phương Tây tốt cho lợi ích Trung Quốc.”

Điều này có thể đúng, nhưng chỉ hạn chế trong thời kỳ nhất định, hoàn cảnh rất đặc thù nào đó, đặc biệt là sau Cách mạng Văn hóa (1966 – 1976), ĐCSTQ gặp phải nguy cơ tồn vong do khủng hoảng kinh tế. Thời điểm đó, vì nền kinh tế Trung Quốc trên bờ vực sụp đổ toàn diện nên lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đã buộc phải áp dụng chính sách “cải cách và mở cửa”.

Nhưng tình hình ngày nay hoàn toàn khác.

Sau khi Trung Quốc được tham gia WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), nền kinh tế Trung Quốc nhiều năm qua đã duy trì mức tăng trưởng hai con số. Vì thế mà GDP Trung Quốc năm 2018 đã cao gấp 200 lần so với năm 1979 khi mới bắt đầu chính sách “cải cách và mở cửa”.

Thực tế là ĐCSTQ đã lợi dụng phương Tây để tối đa hóa lợi ích kinh tế. Một khi kinh tế hùng mạnh, họ bắt đầu “xây lại” trật tự thế giới, tiêu biểu như “Vành đai và Con đường”, “Made Made in China 2025”, “Chiến lược đi tắt đón đầu”, cùng nhiều ‘sáng kiến’ ​​khác.

Do đó, “mục đích ĐCSTQ hợp tác “tạm thời” với phương Tây là dạng hợp tác lợi dụng để hưởng lợi cho riêng nó, không phải để thúc đẩy phát triển chung với thế giới. Khi ĐCSTQ có đủ sức mạnh kinh tế thì chắc chắn sẽ thúc đẩy các kế hoạch riêng chứ không chịu phối hợp cùng các kế hoạch của phương Tây.”

Trong tác phẩm “Trung Quốc, thương mại và quyền lực: Tại sao sự tham gia kinh tế của phương Tây không thành công” (China, Trade and Power: Why the West’s Economic Engagement Has Failed), tác giả Stewart Paterson sau khi nghiên cứu thay đổi trong lĩnh vực kinh tế từ khi Trung Quốc tham gia WTO năm 2001 đã đi đến kết luận: “Ý định ban đầu khi để Trung Quốc hội nhập kinh tế là kích hoạt những thay đổi chính trị ở Trung Quốc, nhưng thực tế lại gây đe dọa hệ thống chính trị phương Tây. Nguy hiểm hơn, thành công về kinh tế của ĐCSTQ lại giúp gia cố quyền lực của họ.”

Thứ năm, tại sao hội nhập kinh tế của Trung Quốc lại làm cho vấn đề thay đổi chính trị ở Trung Quốc thất bại?

Lý do là, thứ nhất là ĐCSTQ bằng mọi giá để giữ quyền lực và chế độ. Không bao giờ đảng độc tài muốn có bất kỳ thay đổi nào, như tuyên bố nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình trước đây: “Nếu phải giết 200.000 người để đổi lấy 20 năm ổn định, vậy thì hãy giết”. Thứ nữa, vì sống trong hoàn cảnh bị phong tỏa thông tin và kiểm soát ý thức hệ vô cùng nghiêm ngặt, thường dân Trung Quốc thường không biết được những tội ác ngoài sức tưởng tượng của ĐCSTQ, đặc biệt là các tội ác đang diễn ra. Đồng thời, họ cũng bị nhồi nhét những tư tưởng như “Phương Tây luôn muốn đánh bại Trung Quốc”, “Trung Quốc không thể tách rời ĐCSTQ”, “Loài quạ thường màu đen”, “Phương Tây cũng đang làm đủ trò xấu xa”, “Phương Tây không tốt hơn Trung Quốc”…

Do thông tin và tư tưởng bị kiểm soát, cái gọi là “tầng lớp trung lưu” mới hình thành rất khó có thể chủ động đi tìm kiếm  dân chủ và tự do cho Trung Quốc, thậm chí chỉ biết thụ động trông chờ.

Qua thời gian dài tẩy não rất thành công trên cả nước ở mức độ nhất định, nhiều người Trung Quốc hiện đang hài lòng với tư tưởng “Chỉ cần được hưởng lợi từ Đảng, chỉ cần chúng tôi kiếm được tiền thì không có vấn đề gì”, “Cho dù Đảng đang tồn tại nhiều vấn đề, nhưng Trung Quốc không thể không có Đảng.”

Do đó, nếu thế giới tự do thực sự muốn có những thay đổi tích cực ở Trung Quốc, vậy thì nhiệm vụ hàng đầu là vô hiệu hóa tình trạng ĐCSTQ kiểm soát phong tỏa thông tin và ý thức hệ, và giúp người dân Trung Quốc có quyền tự do vào mạng internet quốc tế.

Thứ sáu, đặc biệt quan trọng là phải duy trì chiến lược “áp lực tối đa” với ĐCSTQ. Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump và nhiều chiến lược khác đã cho thấy hiệu quả và khả năng thay đổi thực sự trong cải tổ cơ cấu tại Trung Quốc. “Áp lực tối đa” là cách duy nhất để buộc ĐCSTQ trân trọng quan điểm của Mỹ và thực hiện các biện pháp tương ứng.

Thứ bảy, “các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với quan chức Trung Quốc cũng có thể rất hiệu quả, biện pháp này không gây tổn hại người dân Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa.” Quan chức ĐCSTQ không đau khổ trước chuyện lợi ích quốc gia Trung Quốc bị tổn hại. Nhưng họ quan tâm nhất đến của cải mà họ tích lũy được bằng thủ đoạn bẩn thỉu trong nhiều năm qua. Nhiều người đã chuyển tiền sang phương Tây, trong đó có không ít người đã gửi vợ con ra nước ngoài sống, vì họ rất hiểu tình hình Trung Quốc thực tế, không vững tin vào tương lai của ĐCSTQ.

Ông Tằng Tranh cho rằng nếu chính quyền Trump nghiêm túc điều tra những quan chức ĐCSTQ vi phạm nhân quyền hoặc các điều ước quốc tế khác thì không chỉ gây áp lực đặc biệt lớn đối với quan chức ĐCSTQ mà còn được sự ủng hộ rộng rãi hơn ở trong nước và trên quốc tế.

Ông chốt lại, nhất định không nên lặp lại những sai lầm “hợp tác” đã mắc phải; không nên ôm ấp bất kỳ ảo tưởng nào bởi “bài học lịch sử là: mọi hứa hẹn của ĐCSTQ đều không thể tin tưởng, mọi cam kết của ĐCSTQ đều không có gì bảo đảm. Ai tin vào ĐCSTQ trong vấn đề nào là giao trứng cho ác trong vấn đề đó.

VIDEO: Trung Quốc phát triển vượt bậc trong 40 năm thực chất là do đâu?

Trí Đạt (Theo Epoch Times)

Xem thêm: