Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay (3/11) bắt đầu chuyến thăm Châu Á đầu tiên của mình. Ông sẽ tới Việt Nam vào ngày 10/11, đầu tiên là tới dự Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng và sau là thăm chính thức Hà Nội. Tại Việt Nam, ông Trump sẽ làm gì và Hà Nội kỳ vọng những gì trong chuyến thăm đầu tiên của ông?

Tại Việt Nam, ông Trump sẽ dừng chân 2 lần. Ngày 10  ông sẽ ở Đà Nẵng để dự Thượng Đỉnh APEC. Ông Trump sẽ phát biểu tại Diễn Đàn APEC-CEO, và sẽ cổ vũ cho những thỏa thuận tự do mậu dịch tiêu chuẩn cao được xem như nền tảng cho quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ. Tiếp theo, ngày 11 ông Trump sẽ viếng thăm chính thức Hà Nội. Chuyến công du Việt Nam của ông Trump đáp lại chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo chính phủ Đông Nam Á đầu tiên chính thức thăm Washington sau ngày ông Trump nhậm chức. Ngày 12/11 Tổng thống Mỹ sẽ rời Việt Nam để tới Philippines.

trump phuc
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại phòng Bầu Dục của Nhà Trắng ngày 31/5/2017 (Ảnh: Olivier Douliery-Poo/Getty)

Theo giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, Tổng thống Trump sẽ mang tới Việt Nam sự đảm bảo là Hoa Kỳ vẫn tôn trọng cam kết phát triển công cuộc đối tác toàn diện mà chính quyền trước của ông Obama đã đồng ý.

Trong bài phỏng vấn báo Rfi (Pháp), giáo sư Thayer dự đoán ông Trump sẽ nhấn mạnh sự tương đồng quan điểm chiến lược giữa hai nước Mỹ-Việt, và những cơ hội trước mắt đối với cả hai bên, kể cả trong việc tăng cường sự tương tác giữa hai chính phủ ở mọi cấp, tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, trao đổi khoa học, công nghệ và giáo dục, và cả về di sản chiến tranh.

Tổng thống Mỹ cũng sẽ nói Hoa Kỳ hậu thuẫn cho một trật tự dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và một giải pháp hòa bình ở Biển Đông, cuối cùng là Mỹ sẽ hỗ trợ cho các công ty Mỹ vào Việt Nam đầu tư, trao đổi thương mại, để hai bên cùng hưởng lợi, Rfi trích lời ông Thayer.

Về phía Việt Nam, theo giáo sư Thayer, Việt Nam nhìn chung sẽ tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn và kêu gọi nước này ngưng việc phổ biến hạt nhân; ủng hộ việc chống khủng bố, chống tin tặc và ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không của Mỹ trên Biển Đông.

Riêng về Việt Nam, giáo sư Thayer dự đoán rằng Hà Nội sẽ tái khẳng định cam kết cải tổ kinh tế để các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ có thể hoạt động tốt hơn ở Việt Nam; các lãnh đạo Việt Nam rất có thể sẽ cho thấy thiện chí sẵn sàng giải quyết những vấn đề ưu tiên kinh tế mà các nhà đàm phán thương mại Mỹ nêu lên, như bảo vệ quyền sở hữu tri thức, nhấn mạnh đến hợp tác trong công nghệ quốc phòng.

Cả ông Trump lẫn các bộ trưởng Ngoại Giao, Quốc Phòng tại Tòa Bạch Ốc đều từng chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Nhưng hiện chính quyền Trump chưa đưa ra được một chiến lược nhất quán để ngăn chặn các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Biển Đông hiện tại đang xếp sau trong nghị trình ngoại giao và an ninh của ông Trump vì chính quyền của ông coi giải quyết hạt nhân Bắc Hàn là vị trí số một. Thách thức không nhỏ đối với ông Trump là làm sao gây sức ép với Trung Quốc về hồ sơ Bắc Hàn, nhưng phải đảm bảo được chiến lược chung là ủng hộ tự do hàng hải ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Hồi tháng 5 tổng thống Trump đã thông qua một kế hoạch thường niên mới về các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc và những quốc gia khác.

Theo giáo sư Thayer, Tổng thống Trump đã đi theo chính sách chung của Mỹ về Biển Đông khi ông tiếp hai thủ tướng Việt Nam và Singapore. Đó là chủ trương ủng hộ giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở luật quốc tế, gồm luật biển UNCLOS.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, liệu để thuyết phục Trung Quốc giải quyết triệt để Bắc Hàn, tác giả của “Nghệ Thuật Đàm Phán” có phải đánh đổi chính sách hiện tại tại biển Đông và làm mếch lòng một số đối tác hay không?

Đức Trí (t/h)

Xem thêm: