Sau khi Bắc Hàn thử tên lửa đạn đạo hôm 29/11, diễn tiến trên bán đảo Triều Tiên khá phức tạp. Mỹ, Hàn, Nhật, cùng cả Trung Quốc và Nga đều tiến hành tập trận rầm rộ. Thậm chí Bắc Kinh đang cho tăng cường quân tới sát biên giới Bắc Hàn và xây dựng các trại tị nạn ở đây. Phải chăng chiến tranh Triều Tiên lần hai đã gần kề?

Embed from Getty Images

Chiến tranh Triều Tiên nổ ra sẽ phát sinh xung đột vũ trang trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nguy cơ bùng nổ chiến tranh Triều Tiên là có, nhưng không kề cận như nhiều người tưởng tượng, bởi vẫn tồn tại sự giằng co giữa hai bên. Bắc Hàn biết rõ nếu tấn công tên lửa vào Mỹ và đồng minh thì họ sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức. Còn Tổng thống Trump cũng sẽ không khơi mào cuộc chiến này chừng nào Bắc Hàn chưa tấn công trước.

Tổng thống Mỹ đã từng tuyên bố rằng: “Hoa Kỳ đã có sức mạnh và sự kiên nhẫn lớn lao. Nhưng nếu buộc phải bảo vệ chính mình và đồng minh, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Bắc Hàn”.

Như vậy, với ông Trump điều kiện tiên quyết để Washington khai hỏa tại bán đảo Triều Tiên là chế độ Kim Jong-un phải nổ súng trước.

Tại sao nước Mỹ sẽ không chủ động tấn công chế độ Bắc Hàn? Câu trả lời nằm ở một số điểm mấu chốt sau:

Thứ nhất, cá nhân ông Trump và Hoa Kỳ vẫn muốn hợp tác chứ chưa chủ trương đối đầu với Chủ tịch Tập Cận Bình và chế độ Trung Quốc.

Washington hiểu rằng nếu họ chủ động tấn công Bắc Hàn, Bắc Kinh sẽ đủ lý lẽ để tiếp tục vượt sông Áp Lục hỗ trợ Bình Nhưỡng như những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh Triều Tiền 1950 – 1953.

Phía Trung Quốc sẽ không ủng hộ Bắc Hàn nếu chế độ nhà Kim khơi mào chiến tranh, nhưng giới chức Trung Quốc đã từng nói rằng Quân giải Phóng Nhân dân Trung Hoa sẽ trợ giúp chế độ Kim Jong-un nếu Washington chủ động tấn công Bình Nhưỡng.

Thứ hai, Hoa Kỳ nhận thức rõ ràng vẫn còn nhiều dư địa để họ tăng sức ép kinh tế và đe dọa quân sự tối đa lên Bắc Hàn để buộc nước này phải đồng ý từ bỏ tham vọng hạt nhân mà chưa cần phải dùng vũ lực thực sự.

Giới tình báo và cố vấn an ninh của Tổng thống Trump đủ thông tin và sự khôn ngoan để nhận định rằng Bắc Hàn vẫn chưa đủ thực lực để chủ động gây chiến hay có bất kỳ đe dọa thực chất nào đối với Hoa Kỳ và đồng minh.

So sánh về tương quan lực lượng giữa hai miền Triều Tiên đã có sự đổi chiều rất lớn so với 50 năm trước. Ngày nay, Bắc Hàn với dân số 25 triệu người đang phải sống trong nghèo nàn, lạc hậu. Nền kinh tế của họ thậm chí còn xếp sau cả Ethiopia. Trong khi, Hàn Quốc đang là nền kinh tế hàng đầu Châu Á, với dân số 51 triệu người, quy mô GDP của Hàn Quốc còn lớn hơn cả Liên bang Nga với 144 triệu dân.

Lực lượng vũ trang Bắc Hàn chỉ đông về số quân, nhưng cũng là tấm gương phản chiếu của tình trạng bi kịch xã hội. Khí tài quân sự lạc hậu từ thời Liên Xô (cũ) sẽ rất khó để Bình Nhương đương đầu với trang thiết bị quân sự hiện đại của Seoul.

Ông Kim Jong-un cũng thừa hiểu rằng nếu chủ động phóng tên lửa sang Hàn Quốc, Nhật Bản hay Hoa Kỳ, hậu quả nhãn tiền là chế độ cộng sản miền Bắc sẽ bị hủy diệt lập tức.

Thứ ba, sẽ có “ngư ông đắc lợi” nếu nước Mỹ chủ động tấn công Bắc Hàn và phát sinh xung đột trực tiếp với Trung Quốc. Vậy bên nào hưởng lợi trong cuộc chiến tranh này. Câu trả lời là nước Nga của ông Putin.

Một số chuyên gia quốc tế nhận định nước Nga thấy rằng Bắc Hàn là con bài hữu dụng có thể dùng làm đòn bẩy nhử Hoa Kỳ sa lầy vào cuộc chiến tranh tại bán đạo Triều Tiên, mà thực chất là xung đột trực tiếp với Trung Quốc.

Để có thể gia tăng khả năng xung đột Trung – Mỹ về vấn đề Bắc Hàn, nước Nga của ông Putin đã và đang sẵn sàng cung cấp đủ hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho chế độ Kim Jong-un để Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế ảo tưởng về khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Vụ phóng tên lửa gần nhất của Bắc Hàn là ví dụ. Tên lửa nhiên liệu lỏng mà Bình Nhưỡng phóng vào không gian hôm 29/11 thiếu cơ cấu dẫn đường chính xác, cũng như không có đầu đạn hạt nhân. Và như nhiều lần phóng thử trước đây, tên lửa này đã bị vỡ vụn trước khi rơi xuống biển. Tuy nhiên, truyền thông Bắc Hàn và cả Nga đều phóng đại vụ phóng thử này và cho rằng Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ đạn đạo tầm xa và thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa.

Moscow đang muốn biến Bắc Hàn thành Serbia của năm 1914, nơi khởi nguồn của Thế chiến I.

Trước khi chiến tranh nổ ra, tờ Guardian (Anh Quốc) đưa ra nhận định mỉa mai rằng: “Nếu Serbia bị nhấn chìm xuống biển, không khí của Châu Âu dường như sẽ sạch hơn”. Và phần lớn thế giới ngày nay sẽ có nhận định tương tự như vậy về trường hợp của Bắc Hàn.

Thời điểm trước Thế chiến I, không có chính khách Châu Âu nào coi Serbia là một quốc gia quan trọng đến mức mọi cường quốc ở lục địa già và cuối cùng là cả thế giới sẽ phải gây chiến tranh trong tương lai. Nhưng, khi nước Nga huy động quân đội vào Serbia, Thế chiến I cuối cùng đã xảy ra.

Moscow đang muốn biến Bắc Hàn trở thành Serbia trước Thế chiến I – chất xúc tác để Mỹ – Trung giao chiến và Nga sẽ đứng giữa hưởng lợi.

Xuân Thành

Xem thêm: