Hôm thứ Ba (8/5), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục có cuộc điện đàm song phương thảo luận về mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung và vấn đề hạt nhân Bắc Hàn. Ông Trump kêu gọi các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh phải dẫn tới kết quả “lợi ích cho các doanh nghiệp và lao động Mỹ”, trong khi ông Tập hướng tới “lợi ích song phương, hai bên cùng thắng”.

Embed from Getty Images

Ông Trump và ông Tập bắt tay nhau tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh hôm 20/1/2018.

Cuộc điện đàm Trump-Tập diễn ra trong bối cảnh đang có một loạt các hoạt động ngoại giao song phương nhằm ngăn chặn gián đoạn mối quan hệ thương mại lớn nhất thế giới, cũng như dấu hiệu cho thấy dòng chảy thương mại có thể đã bị cắt giảm.

Tờ Hoa Nam Buổi Sáng, dẫn theo tuyên bố của Nhà Trắng, cho biết trong cuộc điện đàm ông Trump “đã khẳng định cam kết của mình nhằm đảm bảo rằng mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc phải cân bằng và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và lao động Mỹ”.

Đổi lại, ông Tập kêu gọi các bên tiếp tục liên lạc trong cuộc tranh chấp thương mại leo thang của họ để đạt được một kết quả “cùng có lợi” hơn là một cuộc chiến thương mại đáng sợ.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập nói với ông Trump rằng: “Đội ngũ đàm phán của cả hai bên có thể duy trì liên lạc và gắng sức để tìm ra giải pháp cho các vấn đề tồn đọng nhằm đạt được các kết quả cùng có lợi, hai bên cùng thắng’’.

Được biết, vào tuần trước Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã dẫn đầu phái đoàn Mỹ gồm 7 cố vấn kinh tế cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, tới Bắc Kinh hai ngày để đàm phán với phái đoàn đồng cấp Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu.

Trong cuộc đàm phán song phương đó, hai bên đã đưa ra các yêu cầu của mình, tuy nhiên cuối cùng đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận hay sự đồng thuận nào. Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục được mở lại vào tuần tới khi ông Lưu cùng phái đoàn Trung Quốc sẽ có chuyến thăm Washington.

Một số nhà phân tích quốc tế, trong đó có ông David Lampton – giáo sư và là giám đốc về Nghiên cứu Trung Quốc tại Johns Hopkins SAIS, cũng là cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung, đã nói rằng các cuộc đàm phán song phương cấp cao diễn ra gần nhau là nguyên nhân cho sự lạc quan, nhưng ông Lampton cũng cho rằng phía Bắc Kinh khả năng sẽ không chấp nhận bất cứ một yêu cầu quan trọng nào của Mỹ.

Trong cuộc đàm phán đó, phái đoàn của ông Mnuchin đã yêu cầu các đối tác Trung Quốc phải dừng trợ cấp cho ngành công nghiệp theo kế hoạch “Made in China 2025” – một đề xướng liên quan tới hỗ trợ tài chính nhà nước cho các ngành công nghệ cao như hàng không vũ trụ, y khoa, rô-bốt và các ngành công nghiệp khác.

Trao đổi với tờ Hoa Nam Buổi Sáng, giáo sư Lampton cho hay: “Với việc ông Lưu Hạc lại tới Washington, đó là động lực cho thấy rằng hai bên đã tìm thấy điều gì đó để đàm phán sau chuyến thăm chưa thành công của phái đoàn Mỹ tới Bắc Kinh tuần trước”.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt mà Washington muốn dường như là phải chấm dứt chính sách công nghiệp của Trung Quốc và tôi hầu như không nhìn thấy khả năng nào của việc Bắc Kinh sẽ đồng ý với điều đó. Chính quyền Trump đang nhắm tới yếu tố cốt lõi của mô hình Trung Quốc”, ông Lampton nhấn mạnh.

Phái đoàn của ông Mnuchin cũng đã yêu cầu Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ ít nhất 200 tỷ USD vào cuối năm 2020 và không lựa chọn các biện pháp trả đũa Washington.

Những gì mà hai bên đặt lên bàn đàm phán là cao. Mỗi bên đều thông báo có thể áp đặt thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ nhau trị giá 50 tỷ USD hàng năm. Ông Trump trước đó đã đe dọa sẽ còn bổ sung thêm áp thuế lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 100 tỷ USD.

Hãng tin AP, dẫn theo thông tin từ Dan Basse – chủ tịch của AgResource, một công ty nghiên cứu và tư vấn về nông nghiệp, cho biết thương nhân Trung Quốc đã không mua đậu nành của Mỹ trong khoảng 3 tuần qua, thời gian đình chỉ mua mặt hàng này lâu hơn thường lệ.

Cũng theo AP, cùng thời điểm dừng mua đậu nành của Mỹ, nông dân Trung Quốc được khuyến khích trồng nhiều đậu nành hơn. Đây rõ ràng là động thái nhằm giúp Trung Quốc bù đắp cho việc cắt giảm nhập khẩu nông sản từ Mỹ.

Được biết, đậu nành là mặt hàng lớn nhất tính theo giá trị mà Mỹ xuất sang Trung Quốc hàng năm. Với 14 tỷ USD, đậu nành chiếm 9,2% tổng hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc năm 2017 và chiếm gần 3/4 giá trị xuất khẩu nông sản của Mỹ sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng có mặt trong phái đoàn Mỹ tới Bắc Kinh tuần trước sẽ cần phải sớm đưa ra quyết định liệu có hoãn lại việc thực thi áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và sửa lại danh sách các sản phẩm bị nhắm mục tiêu hay vẫn thực hiện theo tiến trình vào ngày 22/5 như đã được thông báo  – thời điểm kết thúc nhận ý kiến phản hồi, đóng góp từ công luận Mỹ.

Ngoài vấn đề thương mại, cuộc điện đàm Trump-Tập hôm thứ Ba cũng liên quan tới vấn đề Bắc Hàn.

Truyền thông Trung Quốc nói rằng: “Ông Tập Cận Bình đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên và nhấn mạnh rằng Trung Quốc ủng hộ các cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn”.

“Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò chủ động trong việc hiện thực hóa tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo [Triều Tiên] và ổn định lâu dài khu vực”, truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tập trao đổi qua điện thoại với ông Trump.

Theo thông báo của Nhà Trắng, “hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề về lợi ích song phương, trong đó có sự phát triển hiện tại trên bán đảo Triều Tiên và cuộc gặp của ông Tập với ông Kim tại thành phố Đại Liên hôm nay”.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã đồng ý về tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi chế tài lên Bắc Hàn cho tới khi nào nước này xóa bỏ vĩnh viễn chương trình hạt nhân và tên lửa của họ”, Tờ Hoa Nam Buổi Sáng dẫn thông báo của Nhà Trắng.

Cùng ngày thứ Ba (8/5) và trước cuộc điện đàm Trump-Tập, lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un đã bí mật đáp máy bay sang thành phố Đại Liên, Trung Quốc để hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 2 của ông Kim trong vòng hơn 1 tháng và diễn ra trước cuộc gặp dự trù Trump-Kim chỉ vài tuần.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tối thứ Ba (8/5) đã chính thức thông báo xác nhận thông tin ông Tập Cận Bình đã gặp mặt Kim Jong-un tại thành phố cảng Đại Liên tỉnh Liêu Ninh vào hai ngày thứ Hai và thứ Ba.

Kênh truyền hình quốc gia KCTV của Bắc Hàn hôm 8/5 cũng đã phát đi thông báo xác nhận Chủ tịch Kim đã bay tới Đại Liên vào hôm thứ Hai bằng máy bay riêng. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là người dẫn đầu đoàn đón ông Kim tại sân bay.

Yên Sơn (T/h)

Xem thêm: