Gần đây, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung trong giằng co bế tắc đã có bước tiến mới. Hai bên quyết định sẽ nối lại đàm phán mới vào cuối tháng Tám. Có truyền thông nước ngoài phân tích rằng, hai bên tồn tại 5 vấn đề bế tắc, để giải quyết bất kỳ vấn đề nào cũng liên quan đến mô hình phát triển tổng thể của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

tập cận bình
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một họp báo chung ở Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: China Daily)

Đàm phán thương mại Trung – Mỹ sẽ được tổ chức từ ngày 22 – 23/8. Dẫn đoàn phía Trung Quốc là Thứ trưởng Bộ Thương mại kiêm Phó đại diện Đàm phán thương mại quốc tế Vương Thụ Văn (Wang Shouwen), còn phía Mỹ là Thứ trưởng Bộ Tài chính Malpass (David Malpass). Trước đó, cả ba vòng đàm phán thương mại ở cấp bộ trưởng đã không thành công.

The Wall Street Journal (WSJ) Mỹ dẫn lời một số quan chức Mỹ và Trung Quốc cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã đề xuất nối lại con đường đàm phán thương mại giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nước để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng Mười Một giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau đợt tiếp xúc của các quan chức cấp trung lần này, trong những tháng tới sẽ có thêm nhiều vòng đàm phán hơn.

Năm điểm bế tắc quan trọng khó giải quyết

Theo một số cơ quan truyền thông bên ngoài Trung Quốc Đại lục, Trung Quốc và Mỹ vẫn còn năm điểm bế tắc quan trọng khó giải quyết.

Thứ nhất là chuyển giao công nghệ: Mỹ cáo buộc nhà cầm quyền ĐCSTQ ép các doanh nghiệp nước ngoài trong các ngành công nghiệp chủ chốt phải liên doanh và chia sẻ công nghệ với doanh nghiệp bản địa; nhưng Trung Quốc phủ nhận vấn đề này, cho rằng mục đích chính là hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước.

Thứ hai là năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc Đại lục: Doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã dựa vào quan hệ chặt chẽ với chính phủ cùng các khoản vay ngân hàng để mở rộng quy mô, nhưng khi tăng trưởng kinh tế chậm lại làm sản xuất quá dư thừa thì một số lượng lớn các sản phẩm bị đẩy vào thị trường nước ngoài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng việc làm tại nước ngoài, đặc biệt là trong ngành công nghiệp thép. Mặc dù Trung Quốc đại lục đã mở rộng “cải cách cơ cấu phía cung”, nhưng nếu đáp ứng các yêu cầu của Mỹ để giảm năng lực sản xuất nhiều hơn thì có thể gây đột biến tình trạng thất nghiệp, dẫn đến bất ổn xã hội và sự bất mãn của công chúng với ĐCSTQ.

Thứ ba là cải cách tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước: ĐCSTQ thực hiện chính sách cải cách mở cửa, nhưng không muốn từ bỏ quyền kiểm soát các công cụ sản xuất. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn sở hữu khoảng 40% tài sản công nghiệp của quốc gia, và ĐCSTQ cũng kiểm soát nhiều ngân hàng lớn.

Chính phủ Mỹ yêu cầu ĐCSTQ phải tăng cường cải cách tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng thiện chí của ĐCSTQ không cao, do sự mở rộng của các doanh nghiệp nhà nước là một phần quan trọng trong kế hoạch gây sức ảnh hưởng kinh tế của ĐCSTQ, việc giảm quy mô của các doanh nghiệp nhà nước sẽ làm suy yếu sự kiểm soát của ĐCSTQ về kinh tế, gây ảnh hưởng đến kiểm soát rủi ro. Không nhờ vào kiểm soát doanh nghiệp nhà nước, ĐCSTQ không thể khoác lác về một hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư là chính sách sản xuất công nghiệp: Theo kế hoạch của ĐCSTQ về chính sách công nghiệp, mục đích là để thúc đẩy các nguồn lực quốc gia khổng lồ tập trung vào các mục tiêu chiến lược. Đặc biệt là chương trình “Made in China 2025” của ĐCSTQ tập trung vào máy bay, xe năng lượng mới và công nghệ sinh học.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross đã mô tả kế hoạch này như là một cuộc tấn công vào “linh hồn Mỹ”, còn ĐCSTQ cho biết đây là vì họ đang nâng cao chuỗi giá trị của họ.

Thứ năm là điện toán đám mây: Những công ty lớn nhất của Mỹ không hài lòng về công tác thắt chặt quản lý mạng internet của ĐCSTQ, trong đó có lĩnh vực điện toán đám mây, vấn đề yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài lưu trữ dữ liệu tại Trung Quốc, ngăn chặn doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành trung tâm dữ liệu của họ. Mỹ yêu cầu ĐCSTQ loại bỏ những hạn chế này, nhấn mạnh vấn đề này khiến các doanh nghiệp Mỹ khó khăn để có được thị phần hợp lý trong thị trường internet ở Trung Quốc.

Mỹ vẫn tiếp tục gây sức ép

Sau khi xác định thời điểm trở lại của đàm phán thương mại Trung – Mỹ, Tổng thống Mỹ Trump tiếp tục gây áp lực đối với ĐCSTQ để giành được điều kiện đàm phán tốt hơn, nếu không có thể “sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào”.

Trump cho biết, Mỹ không có lựa chọn nào khác trong tranh chấp thương mại Trung – Mỹ, cần thiết phải có hành động. Tiền của Mỹ bị hao mất hàng năm, và số tiền này đi đến Trung Quốc. “Mỗi năm 500 tỷ Đô la, chính chúng tôi đã xây dựng lại cho Trung Quốc, đã làm điều này kéo dài nhiều năm rồi”.

Trump nhấn mạnh: “Về vấn đề này, chúng ta phải có hành động cần thiết. Họ hiểu rõ điều này. Thực tế tôi nghĩ rằng họ cũng đang ở trong trạng thái hoảng sợ, chắc chắn họ cảm thấy đã quá may mắn vì thoát được bức tranh này trong thời gian quá dài, đến nhiều thập kỷ”.

Trong một cuộc họp nội các tổ chức tại Nhà Trắng, Trưởng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nhắc nhở, ĐCSTQ đang lâm vào đường cùng trong xung đột kinh tế, nền kinh tế trong nước đang sụp đổ, ĐCSTQ không nên đánh giá thấp lập trường cứng rắn của chính phủ Trump.

Đại diện thương mại Mỹ có kế hoạch tổ chức một buổi điều trần công khai vào ngày 20/8 để thảo luận về mức thuế đối với 200 tỷ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc.

Huệ Anh

Xem thêm: