Trước thời điểm diễn ra “Hội ngộ Kim Jong-un – Trump” và “Hội nghị thượng đỉnh liên Triều”, chuyến thăm bất ngờ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc đặt nhiều dấu hỏi cho giới quan sát. Các hoạt động ngoại giao bất ngờ và liên tục của ông Kim Jong-un nhằm mục tiêu gì? Muốn đạt được thứ gì? Đây đang là tâm điểm được giới truyền thông thế giới quan tâm.

kim jong un
Ông Tập Cận Bình tiếp ông Kim Jong-un tại Đại Lễ Đường Nhân dân. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Chuyến thăm đầy bất ngờ trong bối cảnh quan hệ đang căng thẳng

Sáng thứ Tư (28/3), cả Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cùng công khai về chuyến thăm không chính thức của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc từ lâu đã là đồng minh và là người bảo vệ của Bắc Triều Tiên, nhưng sự ngang ngược của Bắc Triều Tiên về các vụ thử hạt nhân đã làm cho mối quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng. Tờ New York Times tại Mỹ đã chỉ ra, Trung Quốc rõ ràng không hài lòng trước thái độ kiêu ngạo luôn khiêu khích của đồng minh này, vì thế mà đứng về phía Mỹ, tăng cường biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, đã tăng cường gây sức ép bằng cách hạn chế cung cấp các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ. Vì thế thời gian gần đây truyền thông Bắc Triều Tiên chỉ trích Trung Quốc ngày càng nhiều. Tờ Thông tin Kinh tế Nhật Bản (Nikkei) chỉ ra, ông Tập Cận Bình và Kim Jong-un ngày càng xung khắc nhau hơn.

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc thì chỉ ra, ông Tập Cận Bình quá thất vọng với Kim Jong-un, đây là vấn đề công khai trong giới ngoại giao Bắc Kinh. Quan hệ Bắc Triều Tiên – Trung Quốc đã đạt đến mức “tồi tệ nhất trong lịch sử”.

Trong bối cảnh các mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, chuyến thăm không chính thức của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều nghi vấn. Có phân tích cho rằng, ông Kim Jong-un muốn nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm ủng hộ trước khi gặp lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc, qua đó hy vọng thoát khỏi sự cô lập của quốc tế. Có bình luận thì cho rằng Trung Quốc hy vọng giành lại được vai trò chủ đạo trong các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên.

Mục đích chuyến đi Bắc Kinh của Kim Jong-un là gì?

Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản có nhận định, những hoạt động gần đây của Bắc Triều Tiên hầu như đã bỏ qua Trung Quốc, làm Trung Quốc đối diện nhiều lo lắng. Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc vừa để cải thiện quan hệ với Trung Quốc, vừa hy vọng Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng trong đàm phán của Bắc Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, qua đó có được lợi thế. Trung Quốc cũng muốn tận dụng cơ hội này để đảm bảo vai trò ảnh hưởng trong khu vực.

Trên đài Á châu Tự do (RFA), học giả Hồng Kông Chung Lạc Vĩ (Zhongle Wei/Chung Lok-wai, Steve) phân tích, vẫn còn quá sớm để khẳng định ông Kim Jong-un sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng ông Kim Jong-un chọn tới thăm Trung Quốc trước khi gặp gỡ với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc, hy vọng nhận được nhiều hỗ trợ hơn từ Trung Quốc trong lúc quan hệ Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng, từ đây có được thêm lợi thế trong đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc.

Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản có phân tích, Hàn Quốc tích cực làm cầu nối trong đàm phán Mỹ – Bắc Triều Tiên, nhưng chỉ có một trung gian Hàn Quốc khiến Bắc Triều Tiên không an tâm. Một trong những lý do về chuyến thăm đột xuất của ông Kim Jong-un đến Trung Quốc có thể là ông ta hy vọng kéo được Trung Quốc vào cuộc, đóng vai trò trung gian.

Tờ New York Times của Mỹ đăng một bài chuyên đề đặc biệt chỉ ra, với lệnh trừng phạt quốc tế gây ảnh hưởng đến Bắc Triều Tiên, có thể ông Kim Jong-un hiểu được rằng ông ta không thể duy trì mãi tồn tại dưới sức ép kinh tế lâu dài của quốc tế. Những nỗ lực ngoại giao liên tục, chấm dứt tuyên bố thách thức, và ngừng thử vũ khí trong thời gian qua giúp Bắc Triều Tiên ít nhất tránh được lệnh trừng phạt mới, để có thời gian cho những nỗ lực về kinh tế.

>>Kim Jong-un muốn đàm phán vì dự trữ ngoại hối sắp cạn kiệt?

Ông Kim Jong-un cũng có thể tìm cách để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt, xem đây như một điều kiện nhượng bộ trong đàm phán. Như các cuộc đàm phán trước đây cho thấy, nếu Bắc Triều Tiên chấp nhận đi theo con đường ngoại giao thì Trung Quốc và Nga càng không muốn trừng phạt Bắc Triều Tiên (so với Mỹ).

Trang tin Hồng Kông 01 (Hk01) dẫn một phân tích từ truyền thông Hàn Quốc chỉ ra, động thái thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un có thể liên quan đến việc Trump bổ nhiệm mới hai quan chức ngoại giao an ninh quan trọng của Nhà Trắng thuộc phái diều hâu, đặc biệt là việc Trump bổ nhiệm John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia mới, một người luôn ủng hộ tấn công quân sự phủ đầu đối với Bắc Triều Tiên. Động thái làm cho Bắc Triều Tiên nhận ra rằng họ không thể chơi chiêu trò với Mỹ như trong quá khứ.

Chuyên gia: Cần đề phòng Bắc Triều Tiên lật lọng

Lý giải việc ông Tập Cận Bình sẵn sàng gặp gỡ Kim Jong-un, tờ Chosun Ilbo có phân tích cho rằng, sau khi có quyết định về Hội nghị thượng đỉnh giữa Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ, mặc dù Trung Quốc  tuyên bố “ủng hộ” nhưng vẫn cảm thấy không thoải mái khi vai trò chủ đạo trong vấn đề bán đảo Triều Tiên bị Mỹ lấy mất.

Tác giả bài viết trên Chosun Ilbo cho rằng, ông Tập Cận Bình muốn tìm hiểu những tính toán của Kim Jong-un trước cuộc gặp Trump. Ngày 26/3, trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg, giáo sư Zach Delisle thuộc Đại học Pennsylvania cho biết: “Đối với Trung Quốc, họ muốn biết ông Kim Jong-un mong đợi gì trong cuộc gặp với Mỹ”.

>>Kim Jong-un đến Bắc Kinh vì bị triệu tập trước khi gặp Trump?

Hãng tin Bloomberg cho rằng, Trung Quốc hy vọng biến Bắc Triều Tiên thành lá séc trong thương lượng. Mặc dù Trung Quốc hợp tác trong các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Triều Tiên, nhưng cuối cùng vẫn phải bắt đầu một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Do đó, Trung Quốc muốn giơ nhánh ô liu hướng về Bắc Triều Tiên, để Bắc Triều Tiên đứng về phía Trung Quốc, và thậm chí Trung Quốc có thể vào vai bên vận động hành lang trong vấn đề từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên như một yêu cầu để Mỹ từ bỏ lệnh trừng phạt về thuế quan. Điều quan trọng hơn là Trung Quốc cũng không muốn Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, càng hy vọng chế độ Bắc Triều Tiên không bị sụp đổ.

Trang Hồng Kông 01 dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Tôn Vận (Sun Yun), nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Tư vấn chiến lược Stimson (The Stimson Center) cho biết, việc ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc trước Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc lại cho thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Đồng thời Tôn Vận cũng chỉ ra, phải cẩn thận đề phòng Bắc Triều Tiên lật lọng.

Hãng tin BBC của Anh cũng có nhận định cho rằng, để biết thái độ của Kim Jong-un trong tuyên bố “phi hạt nhân hóa bán đảo” có chân thành hay không, phải xem thái độ của ông ta trong cuộc đàm phán trong tương lai. Bài viết dẫn quan điểm của một học giả Trung Quốc đại lục yêu cầu giấu tên cho biết: “Không phải là ông ta đến thăm và nói vài câu thân mật mà quan hệ Trung – Triều có thể thay đổi. Thứ quyết định là lợi ích chứ không phải ở lời nói.”

Huệ Anh

Xem thêm: