Trong bối cảnh đại dịch virus corona hoành hành khắp toàn cầu, Nhật Bản đang nỗ lực xúc tiến giảm mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và tăng cường khả năng quốc phòng. 

Embed from Getty Images

Tháng trước, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã công bố gói kích thích kinh tế khẩn cấp, trong đó bao gồm một khoản ngân sách đặc biệt 2,2 tỷ USD chi vào việc giúp các công ty Nhật Bản chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Phần lớn khoản ngân sách này sẽ được dùng để hỗ trợ các công ty Nhật Bản hồi hương, nhưng một phần trong đó cũng sẽ được chi cho các doanh nghiệp muốn chuyển sản xuất tới các quốc gia Đông Nam Á.

Một số quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cũng đã đưa ra đề xuất tương tự Nhật Bản. Cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow đã đề xuất khuyến khích các công ty Mỹ rời Trung Quốc bằng việc chính phủ sẽ trả tất cả các khoản chi phí di dời.

Cũng giống như tại Mỹ, đại dịch virus corona đã thúc đẩy Nhật Bản phải bắt đầu xem xét lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc cho dù Bắc Kinh từ lâu đã là đối tác thương mại lớn nhất của Tokyo. Khi Trung Quốc ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn virus corona lây lan, Nhật Bản đã đột ngột phải đối mặt với những khoản thiếu hụt lớn về vật tư y tế và linh kiện sản xuất. Cả hai loại vật tư này Nhật Bản đều chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sau đó, chính quyền Abe đã tuyên bố sẽ không bao giờ để tình trạng thiếu hụt như vậy lặp lại. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong cuộc trả lời phỏng vấn Nikkei Asian Review cho rằng đại dịch virus corona đã phơi bày những mối nguy hại của Nhật Bản khi phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc về các mặt hàng thiết yếu.

Chúng ta cần chấm dứt sự phụ thuộc nặng nề vào một quốc gia duy nhất đối với một sản phẩm hoặc vật liệu đặc biệt. Đối với những thứ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần đưa sản xuất trở lại Nhật Bản hoặc đa dạng hóa các địa điểm sản xuất các mặt hàng thiết yếu đó ở nhiều quốc gia khác nhau”, ông Yoshihide Suga nói.

Ngoài việc trả tiền cho các công ty Nhật chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, chính quyền Abe cũng đã hợp tác với 400 công ty để tăng cường sản xuất vật tư y tế ở trong nước.

Bắc Kinh đã rất lo lắng khi chứng kiến những động thái gần đây của Nhật Bản. Họ sợ rằng động thái của Tokyo sẽ khởi đầu cho một làn sóng các công ty nước ngoài ồ ạt rút khỏi Trung Quốc.

Chỉ một ngày sau khi chính quyền Abe thông báo gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo các quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng do hậu quả của đại dịch virus corona, nên “các yếu tố không ổn định và không chắc chắn đang gia tăng đáng kể”.

Thương mại không phải là lĩnh vực duy nhất mà Nhật Bản đang chuẩn bị để đưa ra các phản ứng không thuận lợi cho Trung Quốc. Bất chấp đại dịch virus corona, Nhật Bản đang xúc tiến nhiều kế hoạch tăng cường sức mạnh quốc phòng.

Vào ngày 27/3, quốc hội Nhật Bản đã bỏ phiếu thông qua gói ngân sách quốc phòng 48,6 tỷ USD. Đây là gói ngân sách quân sự lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến II. Mặc dù từ sau cuộc chiến tranh đó chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản đã bị hạn chế theo quy định của Hiến pháp Hòa bình, nhưng chính quyền Abe trong những năm gần đây vẫn gia tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Hàn.

Ngân sách quốc phòng mới nhất của Nhật Bản bao gồm các khoản tiền đặc biệt đầu tư vào các hệ thống vũ khí tiên tiến như tên lửa chống hạm siêu thanh. Loại vũ khí tối tân này được cho là có thể sử dụng để chống lại hàng không mẫu hạm Trung Quốc.

Dù cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu đã không thoải mái, nhưng ông Abe đã dành phần lớn thời gian làm thủ tướng của mình để cố gắng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Những nỗ lực làm thân với Bắc Kinh của ông Abe lên đến đỉnh điểm vào tháng 10/2018 khi ông có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá 18 tỷ USD và một thỏa thuận trao đổi tín dụng 30 tỷ USD giữa hai ngân hàng trung ương. Ông Abe đã tán dương kết quả chuyến thăm Bắc Kinh đó là bằng chứng cho thấy Nhật Bản và Trung Quốc đã bước vào “một kỷ nguyên mới” trong mối quan hệ song phương.

Hai quốc gia đã dự định thực hiện một bước phát triển to lớn nữa vào đầu tháng Tư, thời điểm mà ông Tập dự kiến sẽ trở thành lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên kể từ năm 2008 tới thăm Nhật Bản. Tuy nhiên, do dịch virus corona bùng phát, nên chuyến thăm này đã bị hoãn và hai bên vẫn chưa thông báo mốc thời gian mới.

Dù chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập được lên lịch mới vào khi nào, thì gần như chắc chắn nó sẽ diễn ra trong hoàn cảnh ít thân thiện hơn trước.

Như Ngọc (Theo Daily Caller News)

Xem thêm: