Ánh nắng từ đầu cầu thang chiếu lên những người đàn ông tóc đã bạc hết hoặc chỉ điểm lấm tấm hoa râm, có người trong số họ ngồi xe lăn. Họ đang cố gắng vươn tay cao trong khi người hướng dẫn hô to: “Xin hãy thả lỏng người ra”. Nếu chỉ nghe lời tường thuật như thế này, có thể người ta sẽ nhầm rằng đây là quang cảnh của một trại dưỡng lão. Nhưng đây thực tế lại là câu chuyện được phóng viên Toru Hanai của Reuters kể và chụp ảnh lại khi đến thăm một nhà tù ở tỉnh Tokushima.

nha tu nhat ban
Hướng dẫn tập thể dục ở nhà tù Tokushima (ảnh: Osaka Kazuya/ mainichi.jp)

Nhiều nhà tù ở Nhật Bản có một khu riêng dành cho những tù nhân cao tuổi (trên 65 tuổi), nơi mà những hoạt động lao động bình thường trong chương trình của tù nhân không thể thực hiện được. Quản giáo ở những khu vực này phải có thêm cả kiến thức chuyên môn về chăm sóc người già.

Tỷ lệ người cao tuổi phạm tội tăng nhanh

thong ke pham toi nhat ban copy
Số vụ phạm tội ở Nhật Bản và số vụ phạm tội của người trên 65 tuổi. (Nguồn: Sách trắng 2017 của Bộ Tư pháp Nhật Bản)

Theo Sách trắng năm 2017 do Bộ Tư pháp Nhật Bản công bố, trong khi tổng số vụ phạm tội năm 2016 của Nhật là 226.376 vụ, lập kỷ lục thấp nhất mới, thì số vụ phạm tội của người cao tuổi (trên 65 tuổi) vẫn tiếp tục duy trì ở mức giống như các năm trước đó. Điều đó dẫn đến việc số vụ phạm tội của người cao tuổi lần đầu tiên đã vượt qua mức 20% tổng số vụ phạm tội.

Nhật Bản nổi tiếng là một đất nước được đánh giá là an toàn và có ít tội phạm. Tỷ lệ chết do mưu sát ở Nhật chỉ ở mức 0,31 trên 100.000 người, là tỷ lệ thấp gần như nhất toàn thế giới, theo thống kê của Liên Hợp Quốc. Mô hình phân chia thu nhập và chia sẻ an sinh xã hội của Nhật Bản luôn được các nước phát triển tìm hiểu và học tập. Tuy nhiên, gần đây, việc người cao tuổi phạm tội đã phát đi một dấu hiệu cảnh báo khiến nhiều chuyên gia xã hội đang quan tâm phân tích nguyên nhân, để có thể sớm cảnh báo khủng hoảng trước khi nó xảy ra ở các nước khác.

Những vụ việc người cao tuổi phạm tội này đã được rất nhiều tờ báo đưa tin như BBC, Reuter, Channel News Asia…

Năm 2016, tổng số vụ phạm tội của người trên 65 tuổi là 46.977 vụ, chiếm 20,8% tổng số vụ trên cả nước Nhật. 20 năm trước đó, năm 1997, số vụ phạm tội của người cao tuổi chỉ chiếm 4,1%. Sau khi lần đầu tiên vượt mức 40.000 vụ phạm tội của người cao tuổi vào năm 2005, số vụ phạm tội của người cao tuổi vẫn duy trì ở mức như vậy trong suốt 10 năm gần đây.

nguoi cao tuoi pham toi
Số vụ phạm tội bởi người cao tuổi đang tăng nhanh chóng. (Nguồn: Cục Thống kê Nhật Bản và Bộ Tư pháp Nhật Bản)

Trong vòng 20 năm từ 1995 đến 2015, số người cao tuổi ở Nhật đã tăng 1,8 lần, từ 18 triệu lên 34 triệu, tuy nhiên số vụ phạm tội của người cao tuổi đã tăng gấp 4,2 lần, từ 11.440 lên 47.632.

Vì sao trong khi tổng số vụ phạm tội đang giảm liên tục thì số vụ phạm tội ở người cao tuổi lại vẫn ở mức cao đáng báo động?

Ăn cắp vặt lần đầu lúc tóc bạc

Khác với các lứa tuổi khác, số vụ ăn cắp vặt và ăn trộm ở người già lên đến 53%, trong đó tỷ lệ này ở nữ giới lên đến 83%. Tỷ lệ phạm tội lần đầu tiên của người cao tuổi cũng lên đến khoảng 55%. Xu hướng phạm tội lần đầu ở tuổi cao được đánh giá là có xu hướng đang mở rộng.

so vu trom nguoi cao tuoi

Rất nhiều vụ ăn cắp vặt của người cao tuổi có mức thiệt hại vô cùng nhỏ. Nếu so sánh với mức bình quân thiệt hại do ăn cắp vặt ở người trưởng thành là 14.300 yen (khoảng 3 triệu VNĐ) thì mức bình quân thiệt hại do ăn cắp vặt ở người cao tuổi chỉ là 2.600 yen (khoảng 540.000 VNĐ), theo số liệu của Cục Cảnh sát Nhật Bản năm 2014.

Người cao tuổi có xu hướng chỉ ăn ắp vặt những món đồ ăn như bánh mỳ, hộp sữa chua hay trái cây hoặc các đồ gia dụng thông thường. Theo một điều tra khác của Cục Cảnh sát Nhật Bản năm 2013, số trường hợp ăn cắp vặt đồ ăn chiếm đến 67,8% số vụ ăn cắp vặt của người cao tuổi.

an cap vat nguoi gia
67,8% số vụ ăn cắp vặt ở người cao tuổi là ăn cắp đồ ăn. (Nguồn: LiveDoor)

Nguyên nhân? Bần cùng và cô độc

Theo cuốn sách “Người già ăn cắp vặt” của tác giả Yu Itou, mức thiệt hại nhỏ nhất được ghi nhận là 54 yen (11.000 VNĐ), khi một người đàn ông vô gia cư 81 tuổi ăn cắp một miếng bánh khoai tây korokke. Cuốn sách cũng nhắc đến những câu chuyện như: một người già đang sống trong trại dưỡng lão đã ăn cắp một món tráng miệng mà ông không được cho ăn trong thời gian dài; một người mẹ già ăn cắp sữa chua cho con trai đang nằm liệt giường.

Theo thống kê được công bố trong cuốn sách “Người già hạ lưu” của tác giả Takanori Fujita về những người bần khốn ở tuổi cao, có khoảng 7 trong số khoảng 33 triệu người già sống trong cảnh bần khốn, chiếm 22%. Những người ngoài độ tuổi lao động này có rất ít khả năng tự thân để vượt khỏi hoàn cảnh này. Hầu hết những người này không có tiền tiết kiệm và sống dựa vào trợ cấp. Theo thống kê của Cục Phúc lợi và Lao động Nhật Bản, số người cao tuổi phải nhận trợ cấp sinh hoạt vào năm 2016 đã đạt mức cao kỷ lục tính từ sau Thế Chiến thứ Hai.

Khác với nhiều quốc gia khác nơi người già có thể dựa vào con cái cho chi phí sinh hoạt vào cuối đời, ở Nhật số người già sống đơn độc ở mức rất cao. Theo thống kê của Nội các Nhật Bản, từ năm 1995 đến 2015, số người trên 65 tuổi sống đơn độc đã tăng 2,8 lần từ 2,2 triệu người lên đến 5,9 triệu người, trong số đó có 4 triệu là nữ giới.

so nguoi don doc cao tuoi 1
Số người sống đơn độc ở Nhật Bản đã tăng 2,8 lần trong 20 năm qua. (Nguồn: Cục Thống kê Nhật Bản)

Thiếu thốn các mối quan hệ xã hội, người cao tuổi dễ tìm đến các phương pháp cực đoan. Cục Cảnh sát Nhật Bản vào năm 2013 đã điều tra cho biết trong số các vụ ăn cắp vặt ở người cao tuổi, hơn 30% được gây ra bởi những người sống đơn độc. “Không tìm thấy ý nghĩa sống“, “Không có ai để nói chuyện” là các ý kiến mà người phạm tội nêu ra.

Phụ nữ cao tuổi sống một mình lại là đối tượng dễ bị tổn thương hơn hết. Gần một nửa số phụ nữ cao tuổi sống đơn độc phải sống trong cảnh bần khốn (thấp hơn một nửa so với thu nhập trung bình của xã hội), so với chỉ 29% ở nam giới. Trong câu chuyện với phóng viên Shiho Fukuda của tờ Bloomberg, một nữ tù nhân cao tuổi cho biết: “Chồng của tôi chết năm ngoái. Chúng tôi không có con nên tôi phải sống một mình. Tôi đi siêu thị mua rau và thấy một gói thịt bò. Tôi đột nhiên rất muốn nó nhưng tôi biết nó sẽ thành gánh nặng tài chính. Vì vậy tôi đã lấy cắp nó”.

nu tu nhan cao tuoi tap the duc
Một nữ tù nhân cao tuổi trong nhà tù đang tập thể dục. (Nguồn: Bloomberg/Shiho Fukuda)

Nhiều phụ nữ cao tuổi thậm chí còn chủ động phạm tội để được vào tù. Một nữ tù nhân khác cho biết: “Chồng tôi bị nhồi máu cơ tim 6 năm trước và bị hôn mê suốt từ lúc đó. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi với việc chăm sóc ông ấy cả về thể xác lẫn tinh thần. Tôi không có ai để nói về sự căng thẳng của mình. Tôi bị bắt vào tù lần đầu năm 70 tuổi vì ăn cắp vặt. Khi đó tôi có tiền trong ví. Nhưng tôi đã nghĩ rằng tôi có thể tìm kiếm được sự trợ giúp ở trong tù. Hiện giờ, cuộc sống của tôi dễ dàng hơn nhiều. Tôi có thể là chính mình và có thể thở“.

Tuyệt vọng tìm chính sách

Cả khối công và tư cũng như các tổ chức phi chính phủ đều chưa có một chính sách nào phù hợp để giải quyết tình trạng này. Ở các nhà tù nơi mà người cao tuổi chiếm tỷ lệ lớn, những nhân viên đặc biệt đã được thuê để trợ giúp những người tù cao tuổi trong việc tắm giặt và đi vệ sinh. Quản giáo trong nhà tù cũng cho biết họ càng lúc càng giống như những y tá chăm sóc hơn là đang quản lý phục hồi nhân phẩm cho các tội phạm.

Năm 2016, chính phủ Nhật Bản đã duyệt một chương trình giúp những người phạm tội cao tuổi phục hồi với xã hội. Tuy nhiên, chương trình này cộng thêm các chi phí chăm sóc lại càng làm tăng gánh nặng cho hệ thống nhà tù.

Nhật Bản sẽ trở thành một xã hội “siêu lão hóa” vào năm 2050 khi số người trên 65 tuổi dự kiến có thể chiếm đến 40% dân số. Liệu đến lúc đó tình trạng “người đầu bạc vào tù” này có tồi tệ hơn và gia tăng gánh nặng cho hệ thống an sinh vốn đã có dấu hiệu quá tải của Nhật Bản?

Tự Minh

Xem thêm