Chuyến thăm của thủ tướng Ấn Độ tới Tokyo hôm 28/10 là là cơ hội để thúc đẩy hợp tác khi đối mặt với Trung Quốc, tờ Nikkei Asian Review trích lời tiến sỹ Rupakjyoti Borah làm việc tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một phiên họp báo chung tại nhà ông Abe ở Tokyo, Nhật Bản hôm 29/10/2018

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm bên ngoài ‘tiểu lục địa’ của mình kể từ khi ông Modi lên nắm quyền 4 năm trước đây. Chuyến thăm đã giúp thiết lập ‘tinh thần chung’ cho một mối quan hệ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, mà các nhà quan sát thân thiện xem như là “tình cảm anh em”, khi sử dụng một thuật ngữ mới của giới ngoại giao.

Nhưng, theo tiến sỹ Borah, với chuyến thăm kéo dài 2 ngày của ông Modi đến Nhật Bản, rõ ràng những thành quả của tình hữu nghị này không lớn như người ta mong đợi.

Tiến sỹ Borah cho rằng trong bối cảnh thách thức đối với cả 2 nước, trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự quyết đoán quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, Tokyo và New Delhi cần hợp tác chặt chẽ hơn ở cấp độ chiến lược.

Vai trò không thể đoán trước hiện nay của chính quyền Tổng thống Trump, chỉ làm gia tăng thêm sự cấp thiết cho việc hợp tác Nhật – Ấn. Trong khi Washington dường như ngày càng sẵn sàng chống lại chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, bao gồm cả trên biển, với khả năng Mỹ hành động bất ngờ, đẩy các đồng minh châu Á rơi vào tình thế khó khăn, thì việc các cường quốc dẫn đầu khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản, cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự ổn định chính trị và kinh tế cho chính họ và khu vực lân cận, lại càng trở nên quan trọng hơn.

Tiến sỹ Borah cho rằng Nhật Bản và Ấn Độ đều có nền tảng vững chắc để tăng cường sự hợp tác. Trước hết, Thủ tướng Abe đang đóng vai trò ngày càng tích cực tại khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, bằng cách tập hợp lại 11 nước thành viên tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi Ấn Độ không phải là nước tham gia ký kết CPTPP, New Delhi tham gia đàm phán một hiệp định thương mại, thậm chí còn tham vọng hơn, với nhóm gồm 16 nền kinh tế, được gọi ‘Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực’ (RECP), trong đó cũng bao gồm Nhật Bản và 10 nước Asean.

Đối với Nhật Bản, Ấn Độ là rất quan trọng, cả về mặt chiến lược và kinh tế, và là một thị trường lớn, nằm trên các tuyến đường biển trọng yếu, thuộc khu vực Ấn Độ Dương.

Thủ tướng Abe vạch ra ‘Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng’, nhằm tăng cường “kết nối” giữa châu Á và châu Phi, để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng trên khắp các khu vực. Điều này cũng phù hợp với “Chính sách Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, nhằm tăng cường quan hệ với các nước ở Đông Nam Á cũng như Đông Á.

Thực tế Nhật Bản là nước duy nhất được phép đầu tư vào khu vực phía đông bắc chiến lược quan trọng của Ấn Độ, đã phản ánh sự tin tưởng song phương ngày càng tăng giữa 22 nước.

Trong khi đó, cả Tokyo và New Delhi đều phản ứng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Cả hai nước đều không tham gia ‘Sáng kiến Một vành đai Một con đường’ (BRI) do Bắc Kinh hậu thuẫn, mặc dù kế hoạch cơ sở hạ tầng khổng lồ này lôi kéo, ‘mời chào’ những cơ hội kinh tế to lớn cho các nước.

Ấn Độ rất quan ngại về căng thẳng biên giới với Trung Quốc ở dãy Himalaya, trong khi Tokyo có tranh chấp hàng hải với Bắc Kinh trên quần đảo Senkaku, mà Nhật Bản hiện chiếm giữ.

Theo tiến sỹ Borah, bằng chứng rõ ràng nhất về hợp tác an ninh Ấn – Nhật là trên biển. Gần đây, Tokyo đã triển khai tàu sân bay trực thăng JS Kaga ở Biển Đông, góp phần cùng với Mỹ và các đồng minh khác, chống lại sự hiện diện của quân đội Trung Quốc.

Nhật Bản có một căn cứ hải quân ở tận quốc gia Djibouti, nên cũng quan tâm đến khu vực phía tây xa xôi của Ấn Độ Dương. Có những thông tin rằng trong chuyến thăm Tokyo của Thủ tướng Modi, Nhật Bản và Ấn Độ có thể ký một thỏa thuận chia sẻ hậu cần, sau một thỏa thuận tương tự giữa Ấn Độ và Mỹ.

Tất nhiên cả hai nước gần đây đã tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, vì nếu không có Mỹ, thì việc thách thức an ninh với Trung Quốc, sẽ gặp phải thất bại. Ấn Độ đã ký các thỏa thuận với Mỹ, cho phép sử dụng chung các cơ sở quân sự được chỉ định, như các cảng. Về phần mình, Nhật Bản coi liên minh an ninh với Mỹ là nền tảng của quan hệ quốc tế, bất chấp những căng thẳng với Mỹ, chủ yếu là về thương mại.

Tuy nhiên, tiến sỹ Borah cho rằng có rất nhiều điều cần làm nếu không muốn ‘tình anh em Abe – Modi’ kết thúc trong sự thất vọng.

Thứ nhất, hai nhà lãnh đạo cần mở rộng hợp tác quốc phòng. Các cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên mang tên “Dharma Guardian” sẽ được tiến hành vào tháng tới, là một sự khởi đầu tốt đẹp. Các cuộc tập trận này sẽ được tổ chức tại một trường chuyên nghiên cứu và đào tạo về chiến tranh phi truyền thống (JWS) ở Đông Bắc Ấn Độ, tập trung vào hợp tác chống khủng bố.

Thứ hai, cả hai nước đều hợp tác cùng nhau trong các sáng kiến, nhằm giữ Mỹ tham gia nhiều nhất có thể, vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đặc biệt trong nhóm “Bộ tứ” (Quad), một hiệp ước 4 bên, bao gồm cả Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Tuy nhiên, New Delhi, nước cũng có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga (một nhà cung cấp vũ khí quan trọng), vẫn có vẻ thận trọng về việc bị lôi kéo quá gần về phía Mỹ. Ấn Độ không nên do dự như vậy, tiến sỹ Borah nhận xét.

Thứ ba, Ấn Độ và Nhật Bản cần thực sự thúc đẩy các quan hệ kinh tế song phương bởi vì thương mại song phương giữa 2 nước trong năm tài chính 2016-2017 (kết thúc vào tháng 3/2017) chỉ đứng ở mức 13,61 tỷ USD, với tỷ lệ giảm sút 6,21%, so với năm trước. Các tập đoàn của Nhật Bản cần phải đầu tư nhiều hơn ở Ấn Độ, không những để kiếm lời từ những cơ hội lớn, mà còn để tránh đánh mất thị trường vào tay các công ty Trung Quốc. Nhật Bản cũng cần phải làm một cái gì đó, để có được thị phần lớn hơn từ số lượng du khách Ấn Độ giàu có, ra nước ngoài, ngày càng gia tăng.

chien luoc mot vanh dai mot con duong 1
Sơ đồ Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc. (Nguồn hình: Xinhua Finance Agency, 2015)

Cuối cùng, Ấn Độ và Nhật Bản còn phải làm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vừa để thách thức Trung Quốc, vừa vì lợi ích riêng của mỗi nước, đem lại sự thịnh vượng cho khu vực và các nước kém phát triển, và lợi nhuận từ các dự án này. Để cạnh tranh với Trung Quốc, sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản là rất quan trọng, cùng với các nước có cùng chí hướng khác. Những kế hoạch hợp tác ở Sri Lanka và châu Phi, với các sáng kiến như ‘Hành lang Tăng trưởng Á-Phi (AAGC)’, là rất đáng được hoan nghênh.

Tiến sỹ Borah cho rằng trong bối cảnh những chỉ trích gần đây về Sáng kiến ‘Một vành đai Một con đường’ của Trung Quốc, được cho cái ‘bẫy nợ’ đối với các nước yếu, dễ bị tổn thương, nhiều quốc gia đang phát triển sẽ chào đón một giải pháp thay thế của New Delhi và Tokyo.

Thủ tướng Abe đã từng gọi Ấn Độ – Nhật Bản là mối quan hệ với “tiềm năng lớn nhất của bất kỳ mối quan hệ song phương nào trên thế giới”. Nó sẽ đòi hỏi một nỗ lực phi thường của cả 2 nhà lãnh đạo để điều đó xảy ra.

Chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Nhật Bản, là một cơ hội để cho thấy họ nghiêm túc như thế nào, tiến sỹ Borah kết luận.

Duy Minh

Xem thêm: