Nhà xuất bản Đại học Cambridge (CUP) hôm thứ Hai (21/8) đã phát đi tuyên bố rút lại việc tuân thủ chính sách kiểm duyệt ấn bản phẩm của họ tại Trung Quốc theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh.

Các hoạt động tưởng nhớ hay các bài viết về các sự kiện như Thảm sát Thiên An Môn 1989 luôn bị Trung Quốc kiểm duyệt chặt chẽ. 

Tờ Telegraph cho hay hôm thứ Hai (21/8), CUP đã cho đăng lại tất cả các bài viết trên website tiếng Trung của mình mà họ đã gỡ xuống tuần trước.

Trước đó, vào tuần trước nhà xuất bản lâu đời nhất thế giới đã đồng ý gỡ bỏ khoảng hơn 300 bài viết mà chế độ Bắc Kinh cho rằng trong đó có những chủ đề chính trị nhạy cảm.

Theo Telegraph, hơn 300 bài viết mà CUP gỡ khỏi website của mình là của ấn phẩm uy tín “The China Quarterly”. Hành động này của CUP để đổi lại việc họ được phép xuất bản các tài liệu khác tại thị trường Trung Quốc.

BBC cho hay giới chức Trung Quốc đã đe dọa rằng nếu CUP không tự kiểm duyệt các nội dung của mình, họ sẽ không thể xuất bản các ấn phẩm khác tại Trung Quốc.

Những bài viết của CUP mà chính quyền Trung Quốc xếp vào danh mục nhạy cảm gồm các chủ đề như mâu thuẫn sắc tộc tại Tây Tạng và Tân Cương, Các mạng Văn hóa 1966-1976 và Thảm sát Thiên An Môn 1989.

Trong thông báo ban đầu hôm thứ Sáu (18/8), CUP cho biết: “Chúng tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi đã nhận được chỉ thị từ một cơ quan nhập khẩu Trung Quốc để chặn các bài viết riêng lẻ từ ấn phẩm ‘The China Quarterly’ tại Trung Quốc. Chúng tôi đã tuân thủ yêu cầu ban đầu này, xóa các bài viết riêng lẻ đó, để đảm bảo rằng vẫn được xuất bản các tài liệu học thuật và giáo dục khác phục vụ nhu cầu của các nhà nghiên cứu và nhà giáo dục trong thị trường này”.

Quyết định vội vã nêu trên của CUP đã nhanh chóng vấp phải làn sóng phản đối của các học giả trên toàn thế giới.

Vào cuối tuần qua, các học giả trên toàn cầu đã cùng ký tên vào một thỉnh nguyện thư, trong đó đe dọa sẽ tẩy chay CUP nếu các bài viết đã bị xóa bỏ không được khôi phục lại.

Telegraph cho biết tính đến tối thứ Hai (21/8) đã có gần 500 người ký vào thỉnh nguyện thư được viết bởi ông Christopher Balding – Giáo sư Kinh tế học tại Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh.

Trước sự phản đối của đông đảo học giả thế giới, CUP đã thông báo đảo ngược quyết định của mình vào thứ Hai (21/8) và đã cho đăng lại các bài viết bị gỡ bỏ.

Thông báo hôm thứ Hai của CUP có đoạn viết: “Chúng tôi sẽ không thay đổi tính chất xuất bản của chúng tôi để làm cho nội dung được chấp nhận ở Trung Quốc và chúng tôi cam kết đảm bảo rằng các học giả, nhà nghiên cứu, sinh viên và giáo viên tại đây có thể tiếp cận đầy đủ các ấn phẩm [của CUP]”.

CUP giải thích thêm rằng: “Năm ngoái Trung Quốc đã đăng ký là thành viên của Hiệp hội Xuất bản Quốc tế, và một trong những nguyên tắc định hướng của cơ quan này là về tự do xuất bản”.

Ông Tim Pringle, Biên tập viên của “The China Quarterly” phát biểu trên Twitter rằng ấn phẩm này sẽ đăng lại các bài viết đã bị gỡ bỏ theo “chỉ dẫn” của “cơ quan nhập khẩu Trung Quốc”.

Ông Pringle cho biết: “Việc tiếp cận các tài liệu đã xuất bản có chất lượng cao nhất là yếu tố cốt lõi của nghiên cứu khoa học. Việc của một nhà xuất bản đáng tôn trọng như CUP không phải là đi ngăn cản sự tiếp cận này”.

Giáo sư Christopher Balding đã đánh giá cao quyết định đăng lại các bài viết của CUP và nói rằng hành động đó của họ là “can đảm” và ông cũng bày tỏ sự cảm thông với  “những cái khó” mà CUP gặp phải.

Ông Balding phát biểu với Telegraph rằng: “Hy vọng rằng, điều này sẽ thúc đẩy tư duy của các trường đại học nước ngoài và các nhà khoa học khác về cách tốt nhất để tương tác với Trung Quốc hơn là chấp nhận sự kiểm duyệt của chế độ này”.

Giới chức Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức về quyết định đảo ngược mới nhất của CUP, nhưng tờ Hoàn Cầu Thời báo đã đăng tuyên bố phản hồi.

Tờ báo của nhà nước Trung Quốc đã có bài xã luận cảnh báo CUP rằng nếu “các thể chế phương Tây” không hoạt động theo sự kiểm duyệt của Trung Quốc, thì họ nên rời khỏi thị trường này. Hoàn Cầu Thời báo nhấn mạnh: “Nếu họ không thích cách của Trung Quốc, họ có thể dừng hợp tác với chúng tôi”.

Tân Bình

Xem thêm: