Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc sau khi nước này áp đặt thuế trả đũa hàng loạt hàng hóa nhập từ Mỹ, trong đó có thịt lợn và rượu vang.

Embed from Getty Images

Mới đây, Bắc Kinh đã thông báo áp mức thuế lên tới 25% đối với 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có thịt lợn đông lạnh, hạnh nhân, hoa quả tươi, khô, nhân sâm và rượu vang, đáp trả việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết định áp thuế nhập thép và nhôm.

Trung Quốc lập luận rằng động thái áp thuế của họ là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và đối trọng với những thiệt hại do việc Mỹ áp thuế gây ra.

Mức thuế mới mà Trung Quốc áp đặt có hiệu lực ngay từ thứ Hai (2/4) và thị trường chứng khoán Mỹ có phản ứng tức thì với sắc đỏ lan rộng, một phần do các nhà đầu tư lo sợ “chiến tranh thương mại” Mỹ – Trung sẽ còn tiếp tục leo thang.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walter hôm thứ Hai (2/4) đã nói rằng: “Trợ cấp và sản lượng dư thừa của Trung Quốc là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới khủng hoảng thép. Thay vì nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, Trung Quốc cần chấm dứt thực tiễn thương mại không công bằng của họ, điều đang gây tổn hại cho an ninh quốc gia Mỹ và bóp méo thị trường toàn cầu”.

Việc áp thuế trả đũa qua lại cho thấy mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc – nước mà Tổng thống Trump đã từng gọi là “địch thủ kinh tế’’.

Cho tới nay, Mỹ đã thực thi hai bước chính kích hoạt căng thẳng với Trung Quốc.

Vào ngày 8/3, Nhà Trắng thông báo áp thuế thép và nhôm toàn cầu xuất vào Mỹ, cho rằng biện pháp này là cần thiết để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và quan trọng đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Washington đang miễn trừ cho các nước Canada, Mexico, Liên minh Châu Âu và tiếp tục đàm phán với nhiều đồng minh khác.

Vài tuần sau khi thông báo áp thuế thép và nhôm, chính phủ Trump nói rằng họ sẽ áp đặt bổ sung thuế khoảng 60 tỷ USD lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc do Bắc Kinh vi phạm về sở hữu trí tuệ.

Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc có những thực tiễn làm cho các công ty Mỹ gặp bất lợi và gây áp lực buộc doanh nghiệp Mỹ phải chia sẻ công nghệ cho phía đối tác Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực như robot tự động hóa và viễn thông.

Những doanh nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng trực tiếp của hành vi trã đũa từ Trung Quốc đã bắt đầu dấy lên cảnh báo, lưu ý rằng Trung Quốc là thị trường lớn cho các hàng hóa của Mỹ như thịt lợn, đậu nành và máy bay.

Theo Hội đồng Sản xuất Thịt lợn Quốc gia Mỹ (NPPC), năm ngoái Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thịt lợn Mỹ lớn nhất với trị giá khoảng 1,1 tỷ USD.

Phát ngôn viên NPPC Jim Monroe trao đổi với báo giới rằng: “Bất kỳ giới hạn nào đối với thị trường xuất khẩu là điều không tốt cho các nhà sản xuất thịt lợn tại Mỹ”.

Các công ty Mỹ nói rằng mặc dù họ chia sẻ một số quan ngại của chính quyền Trump, nhưng họ cũng lo lắng rằng đe dọa thuế quan không phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, ông William Zarit cho hay: “Hướng đi mà chính phủ Mỹ đang thực hiện, và áp dụng một số áp lực, sử dụng một số đòn bẩy, để nâng cao [tiêu chuẩn] sân chơi là đúng đắn, tuy nhiên tôi không nghĩ áp thuế là cách làm tốt nhất”.

Ông Zarit nói thêm rằng các thành viên của Phòng Thương mại Mỹ – đại diện cho hơn 900 công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc, trong đó có Intel, Dell, Honeywell và Coca-Cola – cảm thấy có động lực khi biết tin các quan chức cấp cao hai nước đã bắt đầu đàm phán.

Tôi nghĩ điều đó cho thấy rằng cả hai bên đều muốn giải quyết điều này trước khi mọi chuyện vượt quá khỏi tầm tay”, ông Zarit bày tỏ.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung được dự đoán sẽ còn leo thang trong tương lai gần. Các nhà phân tích dự đoán Bắc Kinh sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp trả đũa mới một khi chính quyền Trump thông báo cụ thể về chính sách thuế 60 tỷ USD áp vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc mà Washington cho rằng đang vi phạm sở hữu trí tuệ.

Yên Sơn (T/h)

Xem thêm