Hai nhà máy dầu tại trung tâm ngành công nghiệp dầu mỏ của Ả Rập Saudi bị tấn công vào sáng sớm thứ Bảy 14/9 (giờ địa phương), làm gián đoạn hơn một nửa sản lượng dầu của nước này. Phiến quân Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công. Nhưng cả Ả Rập Saudi và Mỹ đều cho rằng chính Iran đứng sau các vụ tấn công này.

Embed from Getty Images

Hai nhà máy dầu bị tấn công thuộc công ty dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco. Tuyên bố phát đi từ công ty này nói rằng các cuộc tấn công sẽ làm cắt giảm khoảng 5,7 triệu thùng dầu/ ngày – khoảng một nửa sản lượng dầu của Ả Rập Saudi, tương đương hơn 5% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.

Theo BBC, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đám cháy lớn tại nhà máy Abqaiq, cơ sở sản dầu mỏ lớn nhất của công ty Aramco. Một vụ tấn công khác nhắm vào mỏ dầu Khurais.

Nhóm phiến quân Houthi đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công này. Phát ngôn viên quân đội Houthi Yahya Sarea nói rằng các máy bay không người lái (drone) đã tấn công cả hai nhà máy lọc dầu của Ả Rập Saudi và thề sẽ mở rộng thêm các cuộc tấn công khác vào vương quốc Hồi giáo Sunni. Không đưa ra bằng chứng, nhưng ông Yahya Sarea khẳng định 10 drone xuất phát từ thủ đô Sanaa của Yemen, cách địa điểm tấn công hơn 1000km.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng bác bỏ các vụ tấn công nêu trên do Houthi thực hiện và cáo buộc Iran đứng sau vụ việc này.

Trong khi tất cả kêu gọi giảm leo thang, thì Iran bây giờ đã tiến hành một vụ tấn công chưa từng có tiền lệ vào nguồn cung năng lượng thế giới,” ông Pompeo nói.

Tờ Nhật báo Phố Wall cho biết các chuyên gia đang điều tra xem liệu các vụ tấn công này có phải là do Iran hoặc các đồng minh Hồi giáo Shia của nước này tại Iraq thực hiện bằng tên lửa phóng từ miền bắc hay không.

Trong khi đó, tờ Washington Post nói rằng chính phủ Mỹ tin rằng 15 công trình tại nhà máy Abqaiq ở phía tây-tây bắc đã bị hư hại, chứ không phải ở phía nam đối diện với Yemen.

Theo Reuters, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau vụ tấn công. Người nắm thực quyền tại Ả Rập Saudi này nói với ông chủ Tòa Bạch Ốc rằng Riyadh có ý chí và năng lực “đương đầu và đối phó với cuộc tấn công khủng bố này”.

Theo thông tin từ chính phủ Mỹ, Tổng thống Trump đã nói với Thái tử Mohammed bin Salman rằng Washington sẵn sàng hợp tác với vương quốc để bảo vệ an ninh. Bộ Năng lượng Mỹ cũng cho biết cơ quan này sẵn sàng xả dầu từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược nếu cần. Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry nói rằng bộ của ông sẽ làm việc với Cơ quan Năng lượng Quốc tế – tổ chức điều phối các chính sách năng lượng của các nước công nghiệp, nếu xét thấy cần phải có hành động toàn cầu.

Đại tá Turki al-Malki, người phát ngôn của liên minh quân sự do Ả Rập Saudi lãnh đạo chống lại phiến quân Houthi tại Yemen, nói rằng liên minh đã tiến hành một cuộc điều tra để truy cứu thủ phạm lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công. Ông Turki al-Malki cho biết liên minh được phương Tây hậu thuẫn này sẽ tấn công các mối đe dọa tới an ninh năng lượng và sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Theo BBC, Giám đốc điều hành Aramco, ông Amin Nasser cho biết không có thông tin thương vong trong hai vụ nhà máy dầu bị tấn công.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói rằng trong 48 giờ sau vụ tấn công sẽ có nhiều thông tin hơn. Ông này cũng cho biết Bộ Năng lượng sẽ lấy dầu trong kho dữ trữ quốc gia đề bù đắp vào lượng dầu thiếu hụt.

Reuters cho biết cho tới nay chưa có bất kỳ lãnh đạo nào của Iran lên tiếng về các vụ tấn công nhắm vào nhà máy dầu của Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, hãng tin Tasnin của Iran dẫn lời chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Amirali Hajizadeh cảnh báo rằng tất cả lực lượng của Mỹ “lên tới 2000km quanh Iran đều nằm trong tầm bắn tên lửa của chúng tôi”.

Các cuộc tấn công nhà máy dầu mới nhất này theo sau các vụ tấn công vào các mỏ dầu của Ả Rập Saudi ở khu vực biên giới (chưa gây cháy) và hoạt động tấn công phá hoại tàu chở dầu quốc tế tại Vùng Vịnh hồi tháng Năm.

Các vụ tấn công mới nhất làm dấy lên quan ngại rằng mâu thuẫn leo thang trong khu vực Trung Đông có thể đặt ra rủi ro lớn hơn cho ngành dầu mỏ, có khả năng đe dọa một phần năm nguồn cung dầu mỏ của thế giới đi qua eo biển Hormuz gần Iran.

Như Ngọc

Xem thêm: